Binh lính Israel đã chặn một tàu cứu trợ quốc tế đang trên đường tớidải Gaza vào ngày 5-6 chỉ 5 ngày sau khi tiến hành cuộc tấn công đẫmmáu nhằm vào các tàu tương tự.
| Biểu tình phản đối Israel ở thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ |
Nữ phát ngôn viên của nhóm chiến dịch ủng hộ tàu Rachel Corrie chở hàng cứu trợ quốc tế tới Dải Gaza cho biết ngày 5-6 các lực lượng của Israel đã bắt giữ con tàu Rachel Corrie khi đang trong hành trình tới Dải Gaza của Palestine. 3 tàu của hải quân Israel đã bao vây và cho lính đổ bộ lên con tàu Rachel Corrie ở vị trí cách Địa Trung Hải khoảng 55 km, nhằm ngăn chặn con tàu này đưa hàng cứu trợ quốc tế vào dải Gaza. Theo người phát ngôn, việc liên lạc với tàu này đã “hoàn toàn bị cắt đứt” nên không rõ có xảy ra bạo lực trên tàu hay không.
Tàu Rachel Corrie được đặt theo tên nữ sinh viên Mỹ ủng hộ Palestine bị xe ủi của quân đội Israel cán chết khi cô biểu tình chống lại việc phá nhà ở Gaza năm 2003. Tàu này chở 1.000 tấn hàng cứu trợ cho người dân dải Gaza mà cuộc sống đang ngày càng gặp khốn khó vì lệnh phong tỏa của Israel trong suốt 3 năm qua. Các nguồn tin cho biết, khi bị bắt, tàu Rachel Corrie chở 15 người, trong đó có các nhà hoạt động chính trị Ailen và Malaysia, 4 người Indonesia và một thuyền trưởng Scotland. Tất cả các nhà hoạt động và thủy thủ đoàn đã bị tạm giữ tại trung tâm di trú Holon, gần thủ đô Tel Aviv, để thẩm vấn trước khi đưa đến sân bay quốc tế Ben Gurion để trục xuất về nước.
Quân đội Israel khẳng định họ lên tàu với “sự đồng ý của những người đi trên tàu” chứ không đột kích như lần trước, khi bắt giữ 6 chiếc tàu của “đội tàu Tự do” gây ra một cuộc xô xát dữ dội giữa các nhà hoạt động và biệt kích Israel khiến 9 nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tố cáo các nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ trên tàu Mavi Marmara là “khủng bố cực đoan”. Đến sáng qua (6-6), 11 nhà hoạt động đi trên tàu Rackel Corrieđã bị trục xuất về nước, 4 người còn lại chưa có thông tin.
Vụ bắt giữ trên xảy ra chỉ 5 ngày sau khi Israel chặn đội gồm 6 tàu chởhàng cứu trợtới Gaza làm gần 20 người thiệt mạng và khoảng 50 người bị thương. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng vừa thông báo kết quả khám nghiệm tử thi các nhà hoạt động thiệt mạng trong cuộc đột kích. Họ cho biết tổng cộng 9 người bị bắn 30 phát đạn. Một trong số họ bị bắn 4 lần vào mặt.
Các hành động trên của Israel đã bị cộng đồng quốc tế mạnh mẽlên án. Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Israel để phản đối vụ đột kích đẫm máu của quân đội nước này. Tổng thống Brazil Lula da Silva nhấn mạnh rằng Israel không có quyền tấn công các đoàn tàu đang hoạt động trên lãnh hải quốc tế. Trong khi đó, Cuba gọi vụ tấn công tàu cứu trợ Gaza là "hành vi bất hợp pháp," còn Venezuela gọi đó "vụ thảm sát tàn ác".
Sự kiện nói trên cũng khiến hàng chục ngàn người xuống đường biểu tình mang cờ Palestine và Thổ Nhĩ Kỳ, hô khẩu hiệu chống Israel trong ngày hôm qua ở Dublin, Edingburg, London, Paris và các thành phố khác ở châu Âu. Tại Istanbul, thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 10.000 người xuống đường mang biểu ngữ ”Israel sát nhân” và “Không được đụng đến các tàu” viết bằng tiếng Do Thái và tiếng Anh.
Phản ứng lại, chính phủ Israel tuyên bố sẽ không cho bất cứ chuyến tàu nào đến Gaza để cung cấp những mặt hàng có khả năng "đe dọa an ninh Israel". Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo của Tel Aviv, các nhà hoạt động nước ngoài đã tuyên bố trong vài ngày tới sẽ nỗ lực nhằm phá vỡ tình trạng phong tỏa dải Gaza. Hiện tại, các nhà hoạt động nước ngoài đang lên kế hoạch đưa một đội tàu cứu trợ đến Dải Gaza trong tháng 7.
VIỆT ANH (tổng hợp) |