Khẩn trương nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Nguyễn Trãi

16:21 27/03/2014

 

Chủ tịch UBND thành phố kết luận cuộc họp
Chủ tịch UBND thành phố kết luận cuộc họp

 

Sáng 26-3, đồng chí Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND thành phố làm việc với Nhóm tư vấn Nhật Bản về báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng cầu Nguyễn Trãi và cầu Yên Vũ bắc qua sông Cấm. Đồng chí Lê Văn Thành, Phó chủ tịch UBND thành phố và lãnh đạo các sở: Giao thông vận tải, Xây dựng, Kế hoạch và đầu tư, Tài nguyên và môi trường, Tài chính, Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng và UBND quận Ngô Quyền, quận Hải An, huyện Thủy Nguyên cùng dự làm việc.

Theo báo cáo nghiên cứu do Nhóm tư vấn Nhật Bản đưa ra thì 2 cầu Nguyễn Trãi và Yên Vũ đều là loại cầu dây văng, sàn cầu dầm thép liên hợp bê-tông dự ứng lực, kết cấu bê-tông đúc hẫng cân bằng. Trong đó quy mô cầu Yên Vũ đã cơ bản được xác định rõ ràng: chiều dài 640m, nhịp giữa 300m, cầu dẫn 2 đầu có tổng chiều dài 1.585m; khổ thông thuyền cao 45m, rộng 80m, đáp ứng tàu có tải trọng 20.000DWT qua lại. Tổng kinh phí dự kiến xây dựng cầu Yên Vũ khoảng 23,6 tỷ Yên Nhật (tương đương 4.783,7 tỷ đồng).

Cầu Nguyễn Trãi kết nối trực tiếp khu đô thị Ngã 5 - sân bay Cát Bi và Cảng hàng không Cát Bi với khu đô thị mới Bắc sông Cấm, khu hành chính tương lai của thành phố. Quy mô cầu cũng là cầu dây văng, có chiều dài 630m, nhịp giữa 290m, cầu dẫn 2 đầu với tổng chiều 480m. Riêng khổ thông thuyền cầu Nguyễn Trãi, theo yêu cầu của thành phố, Nhóm tư vấn Nhật Bản đưa ra 2 phương án là tĩnh không cầu cao 25m (đáp ứng tàu có tải trọng 5.000DWT); hoặc tĩnh không cầu cao 45m như cầu Yên Vũ nêu trên. Kinh phí xây dựng phương án 1 là 19,2 tỷ Yên Nhật (tương đương 3.819,5 tỷ đồng); trường hợp khổ thông thuyền cao 45m thì chi phí xây dựng tăng lên 25,1 tỷ Yên Nhật (tương đương là 5.099,7 tỷ đồng). Vốn xây dựng cả 2 cầu này được xác định từ nguồn ODA Nhật Bản và dự kiến thời gian giải ngân thi công dự án vào năm 2017.

Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành chức năng đưa ra các yếu tố tích cực, các mặt hạn chế của từng phương án cầu. Trong bối cảnh hiện nay, việc di chuyển cảng Hoàng Diệu và các nhà máy sửa chữa, đóng mới tàu biển như Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng ra khu vực phía ngoài cửa sông là chưa thể thực hiện. Nhưng nếu lấy tĩnh không cầu cao (35m-45m) thì sẽ kéo theo chi phí xây dựng cầu rất lớn, đường dẫn dài và nhất là giai đoạn sau này, cầu cao sẽ ảnh hưởng lớn tới quy hoạch không gian đô thị.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Dương Anh Điền đánh giá cao báo cáo nghiên cứu khả thi do Nhóm tư vấn Nhật Bản đưa ra, về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của thành phố, nhất là việc nghiên cứu cầu Yên Vũ, vì cây cầu này nằm ở phía ngoài hạ lưu nên độ cao tĩnh không của cầu Yên Vũ phải được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng. Đối với việc thiết kế cầu Nguyễn Trãi, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu nhóm tư vấn làm rõ một số nội dung như: kết nối giữa cầu, đường dẫn và QL10; dáng vóc cầu phải đẹp và khác với những cây cầu dây văng hiện hữu. Đặc biệt, nhóm tư vấn cần nghiên cứu kỹ hơn chiều cao tĩnh không thông thuyền (có thể là 25m, 35m hoặc 45m), nhưng phải đẹp và phục vụ tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và khu vực.

Trước yêu cầu phát triển hạ tầng kết nối phục vụ giao thông vận tải, phát triển đô thị, các cầu Yên Vũ và Nguyễn Trãi còn đóng vai trò quan trọng trong việc phân luồng hàng hóa qua cảng, giảm áp lực cho các tuyến QL5, QL10 hiện nay. Do vậy phải khẩn trương thực hiện giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, sớm đưa ra phương án lựa chọn tốt nhất để UBND thành phố quyết định trước khi báo cáo Chính phủ. UBND thành phố giao cho Sở GTVT là cơ quan đầu mối của thành phố, có trách nhiệm phối hợp, giúp đỡ Nhóm tư vấn Nhật Bản thực hiện nhiệm vụ.

Đoàn Lanh


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông