Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN, Diễn đàn an ninh khu vực (ARF) đang diễn ra tại tại Phnom Penh, Campuchia, nhiều bộ trưởng ngoại giao đã lên tiếng về vấn đề biển Đông hiện nay.
| Bộ trưởng Phạm Bình Minh (phải) cùng Ngoại trưởng Mỹ và các Ngoại trưởng tại Hội nghị Đông Á sáng 12-7 |
Chiều tối 11-7, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì, bên lề các hội nghị ASEAN. Về vấn đề trên biển, hai bên khẳng định giải quyết mọi bất đồng thông qua đàm phán hòa bình, hữu nghị, cùng tôn trọng và quan tâm tới lợi ích chính đáng của nhau, căn cứ những nhận thức chung đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã nêu quan ngại của Việt Nam đối với những diễn biến phức tạp gần đây tại Biển Đông, phản đối việc thành lập thành phố Tam Sa và việc công khai mời thầu 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định phải tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Trong sáng 12-7, cũng tại Phnom Penh, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã kêu gọi ngừng các hành động doạ dẫm, bắt nạt ở biển Đông, đồng thời bà kêu gọi các nước quanh biển Đông cùng giải quyết những tranh chấp chủ quyền một cách mềm mỏng. Bà Hillary nói: “Mỹ không có tranh chấp gì ở Biển Đông và chúng tôi không đứng về bên nào trong những cuộc tranh chấp lãnh thổ hay đường biên giới biển đó. Tuy nhiên, chúng tôi có lợi ích trong việc đảm bảo tự do hàng hải, duy trì hoà bình, ổn định và sự tôn trọng luật pháp quốc tế cũng như không cản trở các hoạt động thương mại hợp pháp ở biển Đông”.
Trước đó, ngay trước khi có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì, ngoại trưởng Mỹ đã tuyên bố: “Các quốc gia trong khu vực nên giải quyết các tranh chấp một cách không ép buộc, không có sự hăm dọa, không có những đe dọa và không sử dụng vũ lực”. Bà Clinton cũng kêu gọi những tiến triển trong việc thông qua bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông (COC), một bộ quy tắc vốn đã bị trì hoãn từ lâu. Việc này là nhằm tránh những mơ hồ và thậm chí là đối đầu trong những quyền đánh cá cũng như di chuyển tại Biển Đông, vùng biển có vị trí quan trọng và được đánh giá có trữ lượng tài nguyên lớn. Cùng quan điểm, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản và Campuchia cũng nhất trí về tầm quan trọng của việc giải quyết những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông “một cách hòa bình”.
Có thể thấy, những tuyên bố mang tính xây dựng, hoà bình của các vị ngoại trưởng dự hội nghị ở Phnom Penh đã ngầm nhắc nhở Trung Quốc nên “xem lại cách hành xử của mình”. Bắc Kinh nhiều lần lên tiếng doạ dẫm, cảnh báo các nước có tranh chấp ở biển Đông khi họ tìm cách quốc tế hoá vấn đề này. Vùng giàu tài nguyên biển Đông cũng là tuyến đường hảng hải quan trọng của thế giới. Nhiều nước trong ASEAN như Việt Nam, Philippines, Malaysia có chủ quyền ở Biển Đông, tuy nhiên Trung Quốc lại ngang ngược tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển này.
Việt Anh (tổng hợp) |