Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển(G8) đã khai mạc sáng qua 8-7 tại L'Aquila, Italy, vớilịch làm việc kéo dài đến ngày 10-7. Các chủ đề của hội nghị bao gồm các vấn đề về sự ổn định của nền kinh tế thế giới, quy tắc tàichính quốc tế, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và việntrợ.
| Hai nhà lãnh đạo Pháp - Mỹ trao đổi tại phòng họp Hội nghị |
Hội nghị cấp cao G-8 năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đứng trước hàng loạt thách thức và khó khăn do các cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội, đặc biệt là khủng hoảng kinh tế - tài chính và đại dịch cúm A/H1N1, đang gây nhiều thiệt hại và làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều nước. Vì lẽ đó, Hội nghị được kỳ vọng sẽ đảm trách phần quan trọng trong sứ mệnh chung của thế giới tìm giải pháp cho các cuộc khủng hoảng hiện nay.
Với tư cách chủ nhà, Italy xác định trọng tâm lần nhóm họp này là sửa chữa hệ thống tài chính toàn cầu, trong đó có việc cải tổ Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế; cũng như những luật lệ cơ bản cho các hoạt động kinh tế toàn cầu. những gì các nguyên thủ G8 bàn thảo từ hôm qua sẽ là những dự thảo được bộ trưởng G8 nhóm họp, thống nhất vào tháng 6 khi gặp nhau tại thành phố Lecce, Italy. Những bản dự thảo này (còn gọi là Khuôn khổ Lecce) xác định những nguyên tắc cơ bản chung, những tiêu chí chung liên quan tới việc vận hành hệ thống tài chính và kinh doanh thế giới.
An ninh lương thực cũng nổi lên như là một vấn đề lớn trong chương trình nghị sự của Hội nghị G-8. Chủ tịch EC Barroso hy vọng vấn đề an ninh lương thực toàn cầu sẽ được nêu lên trong tuyên bố cuối cùng của hội nghị và các nhà lãnh đạo G-8 thống nhất được chương trình nghị sự trong những năm tới ở quy mô toàn cầu. LHQ cho biết số người bị đói đã tăng nhanh trong vòng hai năm qua và ước tính sẽ lên hơn 1 tỷ người vào năm nay. Trong khi đó, các khoản cung cấp viện trợ lương thực toàn cầu năm 2008 đã giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong vòng 34 năm qua.
Một chủ đề cũng được đánh giá là thách thức đối với Hội nghị thượng đỉnh G-8 lần này là vấn đề đối phó với sự biến đổi khí hậu. EC sẽ thúc giục các nhà lãnh đạo G-8 đưa ra cam kết rõ ràng tại hội nghị để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. EC cũng muốn các nhà lãnh đạo G-8 nhất trí về sự cần thiết phải cắt giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050, so với mức của năm 1990. Điều này có nghĩa là các nước phát triển phải cắt giảm tới 80% lượng khí thải.
Ngoài các chủ đề trên, các nhà lãnh đạo G8 cũng quan tâm đến các vấn đề quốc tế khác chương trình hạt nhân của Iran, CHDCND Triều Tiên, cuộc đảo chính ở Honduras, bạo loạn ở khu vực Tân Cương (Trung Quốc)…
Cơ cấu G8 không còn phù hợp?
Nhóm G-8, vốn được mệnh danh là "Câu lạc bộ các nước giàu", ngày càng tỏ ra "lực bất tòng tâm" trong việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, trong khi vị thế chính trị và kinh tế của các nước đang phát triển mới trỗi dậy như Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, v.v… lại không ngừng được nâng cao. Lịch sử quả cũng minh chứng rằng đứng trước một số vấn đề mang tính toàn cầu, cần có sự hợp tác ứng phó của các nước phát triển và các nước đang phát triển.
Vì vậy, kể từ năm 2003, Hội nghị cấp cao thường niên G-8 đều mời 5 nước đang phát triển lớn gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và Mexico tham dự đối thoại. Năm nay, Hội nghị thượng đỉnh G-8 lần đầu tiên đã mời Ai Cập đại diện cho tiếng nói của các nước Hồi giáo. Điều này vừa thuận theo nhu cầu phát triển của tình hình khách quan, đồng thời cũng kiến tạo một mặt bằng mới cho việc thúc đẩy quan hệ đối tác Nam - Bắc kiểu mới một cách bình đẳng, cùng có lợi.
Được biết, trước khi triệu tập Hội nghị thượng đỉnh G-8 tại L'Aquila, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã ra tuyên bố nêu rõ: "Hội nghị L'Aquila sẽ chứng tỏ hình thức của Nhóm 8 nước sẽ không đầy đủ nữa". Rõ ràng trong bối cảnh thế giới đang đứng trước hàng loạt thách thức, việc tăng cường đối thoại bình đẳng và hợp tác cùng có lợi giữa các nước công nghiệp phát triển và các nước đang phát triển, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi, trong việc giải quyết những vấn đề nóng bỏng và khó khăn của thế giới, đang trở thành đòi hỏi bức thiết.
VIỆT ANH (tổng hợp) |