20:55 27/04/2009 Cuối năm 1968, Đoàn an dưỡng 253 - QK3 nhận một nhiệm vụ đặc biệt của Bác Hồ và TW Đảng là tiếp nhận, nuôi dưỡng, tổ chức học tập cho những dũng sỹ diệt Mỹ ưu tú từ miền Nam ra miền Bắc.
Cuối năm 1968, Đoàn an dưỡng 253 - QK3 nhận một nhiệm vụ đặc biệt của Bác Hồ và TW Đảng là tiếp nhận, nuôi dưỡng, tổ chức học tập cho những dũng sỹ diệt Mỹ ưu tú từ miền Nam ra miền Bắc.
Làng Đại Lã, xã Hiệp Cát, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương được chọn nơi tiếp đón. Tại đây, hơn 20 dũng sỹ nhỏ tuổi nhiều năm được sống trong tình thương yêu vô bờ của quân và dân Miền Bắc... Giọng nói xứ Quảng không lẫn vào đâu được, ấm áp và đầy khẳng khái của thiếu tướng Trần Phước Tới, thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn như khắc cốt “Làng Đại Lã là quê hương thứ 2 của chúng tôi”. Bác Phạm Văn Trình, quân y trưởng được giao nhiệm vụ chăm sóc Đoàn dũng sỹ diệt Mỹ ưu tú từ miền Nam ra Đại Lã nghe các “cháu” bây giờ đã trở thành các vị tướng nói vậy mà cảm động, không giấu nổi nước mắt. Bác Trình bảo “Tôi hiểu tấm lòng và ý chí của các “tướng” hôm nay mà. Sắc son lắm, nghĩa tình lắm… thế nào cũng có dịp tổ chức gặp mặt nhau ở Đại Lã, chứ không phải buổi thăm gia đình tôi ở Hải Phòng như bây giờ”. Thiếu tướng Trần Phước Tới hiện đang giữ trọng trách Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng VKS Quân sự TW; thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, đại biểu Quốc hội, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự Quảng Nam và cả Vụ trưởng Ngô Phương - Ngân hàng Nhà nước… đều đồng tình với đề xuất của bác Trình. Anh Ngô Phương nhấn nhá: “Không về Đại Lã sao được, miền Nam là quê hương sinh ra, Đại Lã là quê hương nuôi dưỡng. Miền Bắc, miền Nam đều là quê hương của chúng ta cả”. Cứ vậy, không khí bữa cơm tại gia đình bác Trình càng trở nên vui vẻ, cảm động. Chúng tôi có đề nghị nho nhỏ sẽ cùng bác Trình về lại Đại Lã càng sớm càng tốt. Chiếc xe 7 chỗ ngồi của báo ANHP đưa bác Trình về lại Đại Lã vào một ngày cuối tháng 4 lịch sử. Dừng lại cạnh một lớp học mẫu giáo, đối diện với ngôi đình Đại Lã, xuống xe nhưng bác Trình vẫn thấy ngờ ngợ vì gần lớp học của các dũng sỹ diệt Mỹ nhỏ tuổi ngày trước có một cây phượng cổ thụ, mùa này hoa nở đỏ rực trời, sao không thấy đâu cả? Vẫn giữ tác phong người lính, không biết thì hỏi, bác Trình nhanh nhẹn bước vào khu lớp học mẫu giáo của làng. Như có linh cảm điều gì đó, cô giáo ra khỏi lớp đón hỏi bác Trình: “Chú là ai, hỏi thăm nhà nào ạ?” - Cô giáo nhanh nhảu hỏi trước. “Chú tên là Trình, chú hỏi bây giờ ai trông coi ngôi đình làng này?” - Bác Trình vào chuyện. “Ối trời ơi, có phải chú Trình quân y không? Cháu là Tiến - con gái bố O đây, chú còn nhớ không?”. “Chết chưa chứ, con gái bố O mà sao chú không nhận ra? Mấy chục năm rồi nhỉ?”... Đứng ngoài mà chúng tôi cũng dâng trào xúc động. Cô giáo Tiến cứ thế bá vai bá cổ bác Trình, cả hai đều bật tiếng khóc. Ân tình gặp lại bao giờ chẳng thế. Cuối cùng thì chị Tiến cũng tìm được người trông coi đền làng mở cửa để chúng tôi cùng bác Trình vào nơi ăn ở xưa của các dũng sỹ diệt Mỹ miền Nam. Căn nhà xây gạch, lợp ngói kiểu dáng xưa tường ngoài đã nhiều chỗ bong vữa, có chỗ gạch đã mủng mọt. Dù vậy, địa phương đã đôi lần cho gia cố phần mái và có ý giữ nguyên hiện trạng để làm kỷ niệm. Nơi ăn ở của Đoàn dũng sỹ diệt Mỹ miền Nam chỉ có vậy, chứ chuyện về cuộc sống với dân làng Đại Lã của hơn 20 chiến sỹ là cả trăm kỷ niệm ân tình ấn tượng rất sâu đậm trong lòng dân. Bác Nguyễn Văn Chì, năm nay bước sang tuổi 80 (nguyên là Phó chủ tịch, rồi Chủ tịch xã Hiệp Cát từ những năm đó đến năm 1984 thì bác về hưu) vẫn khoẻ mạnh nhanh nhẹn và là chính gốc người làng Đại Lã. Từ những chuyện sinh hoạt nhỏ nhất của các chiến sỹ bác Chì đều biết hết. Bác kể, nhớ nhất là cháu Hồ Thị Thu. Lúc về Đại Lã Thu chỉ khoảng 13-14 tuổi mà đã 2 lần lập công đưa bộ đội ta diệt gọn 2 đồn bốt địch. Ít tuổi thế mà cháu Thu cứ kể vanh vách chuyện đánh Mỹ, ai cũng cảm phục... Chuyện của cháu Nguyễn Dũng quê ở Hương Thuỷ - Thừa Thiên Huế từng tham gia đội diệt ác của Mỹ Thuỷ từ năm lên 10 tuổi. Tuổi nhỏ chí lớn, Dũng chính là người dẫn đường cho bộ đội ta phối hợp với du kích địa phương tiêu diệt một tiểu đoàn lính Chư Hầu, 7 xe quân sự và 2 tên ác ôn ngậm máu với nhân dân. Về lại làng Đại Lã hôm nay, nghe chuyện các dũng sỹ diệt Mỹ nhỏ tuổi năm xưa khó mà kể hết. Biết rằng, không chỉ bác Chì, chị Tiến, ông Dụ… mà gia đình nào làng Đại Lã cũng ghi nhận tinh thần và tấm lòng sâu đậm nghĩa tình của họ. Và chính những con người ấy được coi như con cháu quê hương Đại Lã… (Còn nữa) |