Kì 1: Đi chợ đồ cũ Hải Phòng

17:59 05/05/2009

Từ lâu Hải Phòng đã có nhiều địa danh nổi tiếng bán những hàng đồ cũ, thượng vàng hạ cám thứ gì cũng có, phải nói chợ đồ cũ với sắc thái riêng, không chỉ là nguồn cung cấp những vật dụng rẻ tiền, tiện dụng mà còn đem lại niềm vui cho nhiều người thích chơi đồ cũ.
Từ lâu Hải Phòng đã có nhiều địa danh nổi tiếng bán những hàng đồ cũ, thượng vàng hạ cám thứ gì cũng có, phải nói chợ đồ cũ với sắc thái riêng, không chỉ là nguồn cung cấp những vật dụng rẻ tiền, tiện dụng mà còn đem lại niềm vui cho nhiều người thích chơi đồ cũ.

Phố đồ cũ Nguyễn Thái Học
Phố đồ cũ Nguyễn Thái Học

KỲ 1: ĐI XEM HÀNG “HẠ CÁM”

Đầu tiên phải kể đến chợ Sắt, niềm tự hào vang bóng một thời của người đất Cảng. Trước kia chợ Sắt có hẳn một “biệt khu” dành cho chủng loại hàng đồ cũ, những thứ khó có thể mua được ở các cửa hàng phân phối quốc doanh thì vào đây sẽ có, thậm chí nhà nào mất của, nơi đầu tiên người ta đi tìm chính là chợ Sắt.

Từ khi kết thúc sứ mệnh truyền thống hơn 100 năm tồn tại, nhường chỗ cho công trình dở dang đến từ nguồn đầu tư nước ngoài, thì biệt khu đồ cũ “dạt” ra ngoài vốn xưa là các đường vào chợ. Đường Nguyễn Thái Học ngay phía ngoài có vài chục gian hàng cao chất ngất, nào cáp cẩu, xích neo, ròng rọc cẩu ngang đến vòng bi, bu-lông, đinh ốc… phần lớn là đồ cũ đen xịt được bảo dưỡng mỡ bò vật kín vỉa hè. Lui xuống một đoạn là khu vực dành cho các dụng cụ kinh tế biển với cơ man dây chão, lưới, dây nilon, bạt phủ hầm hàng, phao bè… gần như chẳng thiếu thứ gì.

Còn nằm rệ bên bến đò sông Tam Bạc là đầu mối cung cấp “zắc” cắm loa, điều khiển ti-vi, đầu video, máy điện thoại… Bước chân vào trong chợ, ngay ở tầng một như một công xưởng “tái chế” điện tử, mà chủ yếu là loa đài, âm li, tivi… Nhìn những người thợ “mổ” đồ cũ ra “mông má”, mới thấy nếu không lấy thước đo bằng cấp làm chuẩn mực thì họ cũng xứng tầm kỹ sư. Chỉ một ruột màn hình máy tính cũ, mấy vỉ vi mạch, họ nhoay nhoáy cầm chiếc mỏ hàn chấm mấy vết, tất cả đóng vào chiếc vỏ mới tinh nhập lậu từ Trung Quốc… thế là một chiếc tivi được gắn nhãn hiệu nổi tiếng trông “y xì phoóc” ra lò.

Đường Tôn Đản có dạo tấp nập những “lò xì tút”, buôn bán xe đạp cũ, ngày nay trở thành nơi tập kết của các thiết bị điện đặc dụng. Có thể tìm thấy ở đây những chiếc ổn áp vỏ nhựa trắng từ thập niên 80 thế kỷ trước, vài chiếc tăng điện quốc phòng có tuổi đời không dưới hai mươi năm, đến những chiếc máy hàn, đồng hồ đo điện, máy bơm, máy khoan nén khí… đủ các loại sản xuất tại Liên Xô và các nước Đông Âu. Nhưng nhiều nhất là các ổn áp Lioa và một số hàng Trung Quốc còn khá mới. Theo một chủ cửa hàng bật mí thì loại hàng này “mông má” là hỏng, cứ phải để nguyên bản mới dễ bán, mà hầu hết là bán cho thợ ở xa về “luộc” lại.

Tựu chung khu vực quanh chợ Sắt là trung tâm buôn bán vật dụng tổng hợp cũ lớn nhất Hải Phòng, nhưng cái tên chợ đồ cũ dùng lâu đời lại được dành cho một đoạn phố Trạng Trình. Chỉ có điều khu phố này toàn bán những đồ lặt vặt nhưng cũng có đến hàng trăm chủng loại khó có thể nhớ hết.

Tôi ngỏ ý muốn mua một chiếc xe đạp nguyên bản “chất tàu”, được ngay một anh “cò” nhanh nhảu dẫn đi. Thì ra kho hàng tổng hợp của xe đạp lại nằm dưới đường Lê Lợi. Anh “cò” dẫn tôi vào gặp một chủ kho kiêm xưởng phá dỡ lắp ráp tên là H. ở ngõ Chu Văn An, tại đây ông H. cùng một vài đệ tử đang xoay trần với một đống xe “chất tàu”. Anh “cò” giơ ngón tay cái về phía ông H. và hất hàm bảo tôi: “Chọn và làm giá đi!”.

Vì cũng quen với nhiều loại “cò” nên tôi hiểu ngón tay cái kia chính là ám hiệu kênh giá 100.000 đồng hoa tiêu mà ông H. sẽ phải trả cho “cò” nếu cuộc mua bán suôn sẻ. Tôi nhìn quanh rồi giả bộ tìm một chiếc xe không giống những chiếc có sẵn, ông H. quả quyết: “Loại gì cũng có, cứ đặt tiền rồi hẹn giờ quay lại lấy, ở đây anh không làm điêu, vì đồ cọp anh đẩy hết lên chợ rồi…”. Dĩ nhiên tôi phải kiếm cớ để rút êm, mặc cho vẻ mặt anh “cò” thoáng chút buồn.

Quay ngược lại đường Nguyễn Đức Cảnh và một vài điểm quanh hồ Tam Bạc vốn từng là “bãi đáp” tiêu thụ đồ trộm vặt. Tôi sắm vai một người đang cần mua cho vợ chiếc mũ bảo hiểm, lập tức đón nhận được lời chào tấp nập của mấy hàng rong ngay ở đầu đường. Có tới gần chục người, mỗi người cầm trên tay một chùm mũ, tôi lật từng chiếc mũ soi xét thì thấy một nửa số mũ được đóng lại quai, mới hiểu nguồn đến của những chiếc mũ bị mất cắp tại các bãi gửi xe công cộng. Hỏi một chiếc mũ hiệu Suzuki và được phát giá 100.000 đồng, dằn dứ một lát người bán “chốt” 45.000 đồng, tôi nổ xe máy phóng đi, còn nghe rõ tiếng gọi phía sau: “Thiện chí 4 chục thì quay lại đây…”.

Một người bạn vốn dĩ đã “chơi” khá lâu với đồ cũ cho tôi hay: “Một phần hàng cũ là nhập từ “nghĩa địa” nước ngoài, một phần mua gom từ chè chai đồng nát, còn số tang vật chôm chỉa của dân nghiện cũng không phải là ít”. Nhìn chung đồ cũ thuộc diện “hạ cám” thì ở Hải Phòng, ngoài những tụ điểm tập trung như khu vực chợ Sắt, Trạng Trình, Lê Lợi như đã kể trên, còn có quần áo “si-đa” ở đường Mê Linh, một số quầy tạp hoá độc lập trên đường Cát Dài, Lạch Tray… Và gần đây không hẹn mà gặp, đồ cũ đổ bộ xuống chợ Hàng vào Chủ nhật mỗi tuần, khiến những cây cảnh, con giống nơi có tên trong bản đồ chỉ dẫn du lịch này có thêm những người bạn đồng hành.

(Còn nữa)



LÊ MINH THẮNG


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông