17:23 07/05/2009 Ngày thống nhất 30-4 và quốc tế lao động 1-5 năm này nối liền mạch với hai ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi đã chọn Lào Cai làm điểm đến, hy vọng sẽ khám phá thêm những điều bổ ích lý thú.
Ngày thống nhất 30-4 và quốc tế lao động 1-5 năm này nối liền mạch với hai ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi đã chọn Lào Cai làm điểm đến, hy vọng sẽ khám phá thêm những điều bổ ích lý thú.
VÙNG BIÊN TỈNH GIẤC Từ Hải Phòng, xe của công ty lữ hành đưa chúng tôi đến ga Trần Quý Cáp (Hà Nội) lúc 21h30’, chưa đến giờ mở cửa đón khách nhưng từng đoàn người đã len kín cửa ga. 21h50’, chuyến tàu Hà Nội - Sa Pa bắt đầu khởi hành, đô thị lùi dần lại phía sau, ánh đèn lung linh của chốn phồn hoa thưa dần, đoàn tàu như con rắn khổng lồ trườn đi trong màn đêm. Qua miền trung du, thi thoảng mới thấy le lói một ánh đèn, dán mắt nhìn qua khung kính, tưởng tượng đang được ngắm “rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt” mà lâng lâng cái cảm giác nôn nao khó tả. Cách đây hơn 100 năm, tuyến đường sắt Hải Phòng - Lào Cai qua Hà Nội được người Pháp thiết lập không chỉ nói lên tầm quan trọng về địa lý mà còn như sự se duyên tự nhiên cho hai vùng đất đầu và cuối sông Hồng. Những năm gần đây, mối duyên ấy càng thắm nồng, như nguồn tài nguyên apatit Lào Cai không thể tách rời cái tên DAP Đình Vũ vừa được khánh thành. Đặc biệt việc khởi công con đường cao tốc lớn nhất Việt Nam vừa qua cũng không nằm ngoài mục tiêu khai thác lợi thế của cảng Hải Phòng và cửa khẩu quốc tế Lào Cai, con đường thông thương đầy tiềm năng với tỉnh Vân Nam (không có cảng biển) của Trung Quốc. Từ Hà Nội, tuyến đường sắt đến Lào Cai được khởi công năm 1898 với tổng chiều dài 296km, có tới 111km đường cong vượt qua vô vàn núi cao đèo sâu chạy dọc theo triền sông Hồng. Toàn tuyến có 40 ga cả chính và xép thuộc 19 huyện thị của Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai. Đấy là chưa kể điểm tiếp nối vượt đường biên Hà Khẩu kéo dài tới tận Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam. Ngoài tuyến đường sắt dài 296km kể trên thì từ Hà Nội có thể đến Lào Cai bằng đường bộ với chiều dài 345km. Lào Cai là tỉnh nằm phía Tây Bắc, giáp các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái của Việt Nam và có 203km đường biên giới quốc gia với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Thời Hùng Vương, vùng đất này thuộc bộ Tân Hưng nước Văn Lang. Đến đời nhà Nguyễn, Lào Cai chủ yếu thuộc châu Thuỷ Vỹ, châu Văn Bàn, phần còn lại thuộc các châu Chiêu Tấn và Lục Yên, phủ Quy Hoá. Ban đầu là một phố chợ đầu tiên theo tiếng địa phương được gọi là Lão Nhai (tức Phố Cũ), sau này người ta mở thêm một phố chợ khác gọi là Tân Nhai (Phố Mới ngày nay). Người Pháp viết và gọi là Lao Kay, nhưng trong giao tiếp dân gian người ta vẫn gọi là Lào Cai, sau tháng 11-1950 miền đất này được giải phóng và cái tên Lào Cai được gọi chính thức. Đường dài rừng rộng, đêm cứ hun hút kéo đoàn tàu xuyên ngược lên cao, tôi ngồi tỉ tê trò chuyện với một nhân viên nhà tàu tên là Hùng. Anh cho biết, bình quân mỗi ngày tuyến đường sắt này có 32 chuyến tàu ngược xuôi, ngoài chở khách còn có các tàu hàng chở quặng từ mỏ sắt Quý Sa, mỏ đồng Sin Quyền, mỏ apatít Lào Cai… Riêng dịp nghỉ lễ 1-5 năm nay số chuyến tàu khách đã là 20 tính cả hai chiều đi về, ngoài số khách có được ghế nằm, ghế ngồi, còn vô số người may mắn nhờ cậy mua được vé phụ, vật vưỡng ngả ngón trên sàn toa, bên bậc lên xuống và cả cửa nhà vệ sinh. Miên man lúc thì gợi chuyện với mấy nhân viên nhà tàu, lúc cà nhắc đi dọc các toa cho thoả chí tò mò, rồi lại về gật gù với những giấc ngủ chập chờn, chúng tôi cũng vượt qua vùng đồi núi trùng điệp lên tới Lào Cai. Trời bắt đầu sáng, thành phố vùng biên vừa tỉnh giấc, trong làn sương mây tênh tang, trải đều hai bên bờ sông Hồng là những dãy nhà cao tầng lớp lớp hiện ra. Chưa thấy bóng dáng những chiếc váy tầng của người H’Mông, những chiếc khăn đỏ ngạo nghễ của người Dao tuyển, chỉ thấy bóng dáng của sự sung túc ào ạt đổ ra cửa ga, cũng xô bồ chẳng kém gì Hà Nội, Hải Phòng. Nhịp sống hiện đại tấp nập làm chúng tôi tự nhiên thấy khoảng cách giữa miền ngược và miền xuôi chỉ còn là ranh giới ảo mờ. Cả đoàn không ai bảo ai, tất cả đều hướng ánh mắt nhìn về nơi con sông Nậm Thi đổ vào sông Hồng, bên kia cầu Hồ Kiều, thị xã Hà Khẩu của Trung Quốc đã hiển hiện ngồn ngộn. (Còn nữa) |