21:21 01/03/2017
Trong tiết trời lạnh, mưa phùn nặng hạt, đúng 1h45 chúng tôi có mặt tại Nhà khách thành phố, theo đoàn giám sát tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm tại điểm giết mổ lợn khá lớn ở hai huyện An Dương và An Lão. Dây chuyền hiện đại Sau nửa tiếng di chuyển, tấm biển đề Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Huy Quang ở xã Lê Lợi, huyện An Dương báo hiệu rằng chúng tôi đã đến điểm giám sát. Khác hẳn với những gì đoàn nhận định trên xe về một nơi có tên gọi là “lò giết mổ”. Hiện ra trước mắt tôi là một nhà máy khép kín, không hề có cảnh chen lấn xô đẩy mua thịt như những cơ sở giết mổ mà tôi đã từng thấy. Trước khi vào trong khu vực giết mổ trực tiếp, chúng tôi phải thực hiện một công đoạn bắt buộc đó là khử trùng bằng cách lội qua một vùng nước diệt khuẩn. Không khí bắt đầu nhộn nhịp và khẩn trương hơn khi tiếng lợn kêu “eng éc...” từ bên trong hắt ra. Đi qua một đoạn hành lang dẫn vào khu có dây chuyền giết mổ, trước mắt chúng tôi là khoảng hơn 20 công nhân được trang bị đầy đủ dụng cụ: quần áo, găng tay, khẩu trang… mỗi người đảm nhiệm một công đoạn khác nhau trong một quy trình giết mổ hoàn toàn khép kín. Tất cả được thực hiện trên hệ thống giết mổ được vận hành tự động của Úc. Đây là chia sẻ của ông Bùi Công Trường - Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Huy Quang, người trực tiếp dẫn đoàn công tác vào kiểm tra các khâu thực hiện của dây chuyền giết mổ hiện đại này. Theo quan sát, heo thịt được xuất phát từ chuồng lưu trữ và phân loại heo. Ông Trường cho biết, mỗi con heo được giết mổ theo dây chuyền này sẽ cho ra được 70 sản phẩm thịt các loại tùy thuộc vào nhu cầu của người mua. Tất cả công đoạn được thực hiện trên không trung, bàn phân loại thịt thiết kế cao gần 1m, với chất liệu inox và luôn được giữ trong tình trạng sạch sẽ. Anh Hà, một công nhân đã gắn bó với công việc này hơn 2 năm, chia sẻ: “Làm theo hệ thống dây chuyền tự động giúp chuyên biệt hóa công việc của mỗi công nhân, đồng thời giảm thời gian tiến hành giết mổ, chỉ còn từ 12 đến 15 phút/con mà vệ sinh vẫn được đảm bảo an toàn ”. Anh Hà tâm sự, trước khi về làm ở đây anh đã từng có thời gian làm việc tại một lò mổ tự phát ở trong khu dân cư. Sản phẩm đầu vào không rõ nguồn gốc, cơ sở giết mổ sập xệ, dụng cụ giết mổ thô sơ, thịt lợn được xuất ra không hề có sự kiểm soát của đội ngũ kiểm dịch nên có giá thành rẻ, được nhiều bà con ưa chuộng, tiêu thụ tại các khu chợ cóc ven đường. Nhưng khi được hỏi về độ an toàn của sản phẩm, so với những lò mổ tập trung như của công ty Huy Quang thì anh không dám quả quyết. Buổi kiểm tra của đoàn tại Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Huy Quang kết thúc lúc 3 giờ sáng. Đoàn tiếp tục cuộc hành trình đến lò giết mổ tập trung của Hợp tác xã Công ty Mỹ Trung, phường Quán Trữ, quận Kiến An. Vì gần sáng nên không khí khu giết mổ có vẻ tấp nập hơn hẳn, ô tô, xe máy ra vào nườm nượp. So với cơ sở đầu tiên thì điểm giết mổ này khác hẳn. Tất cả các khâu được gói gọn trong khuôn viên có diện tích 1.400m2, lợp mái tôn có gắn trần cách nhiệt. Diện tích được ngăn làm đôi, một bên để nhốt lợn và một bên là khu giết mổ trực tiếp, không có sự hỗ trợ của máy móc, mọi hoạt động được các công nhân làm bằng tay. Mỗi kíp mổ có 5 người, 4 thợ mổ và một người chuyên làm công tác dọn vệ sinh trong suốt quá trình giết mổ. Công nhân lao động tại đây cũng được trang bị găng tay, ủng, mũ, khẩu trang đầy đủ. Các công đoạn được giám sát chặt chẽ bởi đội ngũ kiểm tra thú y. Theo chị Hậu, Chủ nhiệm Hợp tác xã Công ty Mỹ Trung, thì lò mổ của gia đình chị mới được chuyển về KCN Quán Trữ gần 2 năm, tạo việc làm khoảng 20 lao động, công suất giết mổ từ 50 - 60 con/ngày, hoạt động thường xuyên từ 1 giờ đêm đến 7 giờ sáng. Cũng giống các cơ sơ chuyển đổi mô hình theo hướng giết mổ tập trung, lò mổ của chị Hậu cũng gặp không ít khó khăn. Chị tâm sự: Bên cạnh chất lượng sản phẩm nâng lên thì đồng nghĩa là doanh nghiệp phải chịu thêm các khoản chi phí phát sinh mà những lò mổ tự phát khác không phải chịu. Ngoài ra, tâm lý của nhiều bà con tiểu thương vẫn chưa quen với việc phải đi tận vào khu công nghiệp để lấy thịt, điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất của lò mổ”. Trong khi nhiều lò mổ tự phát khác vẫn ngang nhiên hoạt động hàng ngày - đó là sự cạnh tranh không lành mạnh”, chị Hậu chia sẻ. Cần tăng cường thanh tra, kiểm soát “Theo ghi nhận của đoàn giám sát, thành phố Hải Phòng đã tích cực vận động, tuyên truyền bà con làm nghề giết mổ tập trung một điểm để bảo đảm vệ sinh môi trường, thú y, đồng thời kiểm soát được chất lượng đầu vào và đầu ra của sản phẩm. Nhưng hiện nay, đang tồn tại thực trạng là còn không ít hộ kinh doanh vẫn chây ỳ dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất” - ông Nguyễn Phương Tuấn, Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đánh giá. Còn theo ông Trương Minh Hoàng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc Hội, Trưởng đoàn giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm tại Hải Phòng, thì thời gian qua bên cạnh những hạn chế, khó khăn vướng mắc đang tồn tại, các cơ sở giết mổ tập trung cũng có nhiều cố gắng và chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình điểm giúp thành phố quản lý tốt hơn vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông cũng mong muốn, UBND thành phố Hải Phòng quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa giúp đỡ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mạnh dạn đi theo hướng phát triển này. Có như vậy người dân Hải Phòng trong tương lai không phải thường xuyên lo lắng về chất lượng thực phẩm trong mỗi bữa ăn tại gia đình. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm soát nhằm sớm phát hiện ra các vi phạm, ngăn chặn những nguy cơ, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những sai phạm liên quan đến an toàn thực phẩm… Trường Giang |