16:05 22/03/2025 Sau nhiều năm loay hoay với đủ nghề, năm 2018, với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Nguyễn Tuấn Hưng, 47 tuổi, ở TDP số 5, phường Hòa Nghĩa, Dương Kinh, đã mạnh dạn đầu tư tiền tỷ để triển khai mô hình liên kết chăn nuôi gà lông trắng (gà công nghiệp)...
Ngoài 20 tuổi, anh Hưng đi học nghề, làm thuê lấy kinh nghiệm rồi về mở xưởng cơ khí nhỏ tại nhà. Năm 2010, nhận thấy diện tích đất của gia đình nhiều nhưng canh tác không hiệu quả; trong tay sẵn có vốn, lại có nghề cơ khí, anh quyết tâm tự dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn, gà tăng gia sản xuất.
Nhờ chăm chỉ làm ăn, chăn nuôi thuận lợi, có lãi, gia đình anh Hưng dần mở rộng quy mô chuồng trại nuôi lợn thịt, từ 2 đến 3 chuồng với diện tích 300-400m2/chuồng. Những tưởng trại lợn của gia đình anh sẽ ngày càng phát triển, ai ngờ vừa vượt qua đợt khủng hoảng giá thịt lợn năm 2016, đầu năm 2017 lại là đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi khiến anh trắng tay.
Khó khăn, thất bại không làm sờn lòng người có chí vươn lên làm giàu. Sau nhiều lần trăn trở, anh Hưng quyết tâm không thể để đất đai, chuồng trại để không như vậy mà phải làm cho nó “sống lại”. Vốn ham học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm, không ngại tiếp cận với cái mới, anh lại quyết định sửa quy mô chuồng trại nuôi lợn sang nuôi gà lông trắng, gà siêu trứng.
Được Hội Nông dân phường giới thiệu tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật và giúp đỡ về mặt vay vốn, cộng thêm việc học hỏi kinh nghiệm các mô hình ở địa phương bạn, anh đã phát triển trang trại với hình thức liên kết với một số công ty từ khâu con giống tới khi xuất chuồng.
Nhờ đó, từ năm 2018 đến nay, gia đình anh Hưng đã xây dựng được mô hình theo hướng chăn nuôi gà kết hợp trồng cây ăn quả, trồng rau màu xung quanh chuồng trại. Với tổng diện tích sử dụng là 1.500m2, từ nguồn vốn đầu tư ban đầu xây dựng thô sơ từ năm 2010 là 300 triệu đồng nuôi lợn, đến nay gia đình anh đã gây dựng, phát triển thành 2 chuồng trại chăn nuôi gà. Hệ thống chuồng trại được xây dựng kiên cố bằng bê tông, khung thép.
Trang trại được thiết kế khép kín với hệ thống trang thiết bị hiện đại, những chiếc quạt thông gió giúp nhiệt độ ổn định. Bên trong trại gà là hệ thống máng nước tự động, khay để thức ăn…, được sắp xếp hợp lý, phù hợp với từng ô ngăn cách nhằm tạo không gian thoải mái. Quy mô chăn nuôi mỗi chuồng nuôi từ 3.000 -3.500 con/chuồng, một năm nuôi 5 đợt, từ 50-60 ngày là gà tới độ 3-4kg/con cho xuất chuồng, bán với giá từ 32-36.000 đồng/kg. Qua đó, mang lại nguồn thu nhập khá, ổn định cho gia đình.
Theo anh Hưng chia sẻ, để có được cơ ngơi chuồng trại, kinh tế như ngày hôm nay, anh đã phải bỏ ra số tiền khoảng 2,5 tỷ đồng. Để có đủ số tiền đó, bên cạnh vốn liếng chắt chiu của bản thân, anh vay mượn thêm của người thân, vay ngân hàng từ việc thế chấp và vay từ nguồn quỹ Hỗ trợ nông dân, Ngân hàng chính sách thành phố. Trong quá trình chăn nuôi, phía doanh nghiệp liên kết có trách nhiệm cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi cho gia đình.
Để đảm bảo gà sinh trưởng và phát triển tốt, từ khâu chọn con giống, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi đến việc phòng bệnh đều được gia đình anh thực hiện rất cẩn thận, tỉ mỉ. Việc lắp đặt hệ thống quạt thông gió, đèn sưởi giúp điều hòa nhiệt độ trong chuồng nuôi; hệ thống máng nước tự động để tiết kiệm nhân công.
Mặc dù chi phí đầu tư của mô hình chăn nuôi này khá cao nhưng lại rất “chắc ăn”. Toàn bộ quy trình chăn nuôi đều được khép kín nên gà khoẻ mạnh, lớn nhanh, đều và hầu như không có bệnh tật gì. Gà đến ngày xuất bán lại được bao tiêu sản phẩm, mang lại nguồn thu nhập cao, khá ổn định nên đầu tư sau 2-3 năm là có thể hoàn vốn.
Nên nếu như giai đoạn đầu, nguồn nhân lực chủ yếu là gia đình anh Hưng tự làm, tự sản xuất, lấy công làm lãi, thì nay trang trại nuôi gà nông trắng của gia đình đã tạo công ăn, việc làm ổn định cho 5 lao động, với mức lương bình quân là 6.500.000 đồng/tháng/người. Số lao động thuê theo thời vụ trong 1 năm là 3 người, với mức lương 3.000.000 đồng/tháng/người. Đây chủ yếu đều là những hội viên nông dân xung quanh xóm làng có hoàn cảnh khó khăn, ở nhà nội trợ.
Bên cạnh đó, các hội viên còn biết cách lấy phân gà ủ đất, ủ rơm trộn với chế phẩm sinh học để bán cho người dân có nhu cầu trồng rau màu; đồng thời chăm bón cho các cây ăn quả như ổi, đu đủ, dưa leo, cà chua và các loai rau màu theo mùa xung quanh chuồng trại để phục vụ cho chính bản thân họ và bán kiếm thêm thu nhập…
Được biết, từ thành công của mô hình, hiện nay địa phương đang hướng dẫn các hộ có diện tích đất rộng, bỏ hoang đến tham quan, học hỏi, để từng bước nhân rộng mô hình liên kết chăn nuôi gà lông trắng của gia đình anh Hưng ra diện rộng. Từ đó, giúp địa phương khắc phục được diện tích ruộng đất bỏ hoang, tạo công ăn, việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân…
Bình Huệ
20:43 28/04/2025
16:48 28/04/2025
Vi phạm giao thông, đối tượng bị phát hiện tàng trữ trái phép chất ma tuý
Đội CSGT số 3 Phòng CSGT bắt đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy
Giúp học sinh, sinh viên trang bị kiến thức để đấu tranh với tệ nạn ma túy
Rèn kỹ năng, luyện bản lĩnh khi tham gia thực hành phòng cháy, chữa cháy
Hải Phòng rực rỡ cờ hoa chào đón các ngày lễ lớn trong tháng 5 lịch sử
Lan tỏa tình yêu biển đảo, hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát biển đến với thiếu nhi thành phố Cảng
Thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định danh tính trên địa bàn Hải Phòng