Các nước thành viên LHQ ngày 7-10 nhất trí cho rằng cuộc chiến chốngtội phạm có tổ chức, tham nhũng và buôn bán ma túy cần phải gắn bó chặtchẽ với nhau và chỉ có thể thành công nếu tất cả các nước đều hành độngchung trên phạm vi toàn cầu.
| Cảnh sát chống khủng bố Trung Quốc |
Quyết định trên được đưa ra trong cuộc thảo luận toàn thể tại Ủy ban Xã hội, Nhân đạo và Văn hoá của Đại hội đồng Liên hợp quốc khoá 65 về ngăn ngừa tội phạm, kiểm soát ma tuý và đảm bảo công lý. Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) đánh giá tội phạm có tổ chức hiện đã trở thành một trong những lực lượng mạnh nhất thế giới về kinh tế và đã được vũ trang. Các tổ chức khủng bố sử dụng các khoản tiền thu được từ buôn bán ma túy để mua vũ khí và tiến hành các vụ tấn công khủng bố. Nguy cơ nông dân nghèo và người dân thành thị có thu nhập thấp bị lôi kéo vào các hoạt động buôn bán ma túy, vũ khí và tấn công khủng bố ngày càng gia tăng.
Tình hình tội phạm đang rất căng thẳng tại châu Phi. LHQ nhấn mạnh các vụ khủng bố mới đây như vụ giết hại nhân viên cứu trợ người Pháp ở Tây Phi, các vụ đánh bom liều chết ở thủ đô Cam-pa-la của U-gan-đa… cho thấy châu Phi đã trở thành điểm nóng của chủ nghĩa khủng bố. Nạn khủng bố ở châu Phi có thể nghiêm trọng hơn do việc kiểm soát các đường biên giới còn lỏng lẻo, mức sống của người dân thấp, căng thẳng chính trị, xã hội và tôn giáo gia tăng. Tây Phi trở thành địa bàn trung chuyển ma túy từ Nam Mỹ tới châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới.
Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, tội phạm có tổ chức cũng “toàn cầu hóa”, tiến tới còn đe dọa chủ quyền của một số quốc gia. Tình trạng tội phạm có tổ chức còn tác động đến kinh tế và đặt ra một nguy cơ nghiêm trọng đối với hòa bình. Với lợi nhuận chúng thu được từ hoạt động tội phạm, chúng sẵn sàng sử dụng vũ lực, gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử, các chính trị gia và thậm chí cả quân đội. Vì vậy, không riêng tại châu Phi, châu Á hay châu Âu… các nước trên thế giới cần mở rộng chiến lược chống khủng bố, tội phạm có tổ chức...
LHQ khẳng định tội phạm có tổ chức và các chế độ tham nhũng chỉ lung lay khi các nước trên thế giới nêu cao ý chí tập thể cùng nỗ lực hành động. Các vấn đề về tội phạm, buôn bán ma tuý, tham nhũng và khủng bố liên quan chặt chẽ với nhau, do đó, phải được xử lý đồng thời.Đại hội đồng LHQ nhấn mạnh phát triển cần an ninh để thành công đồng nghĩa với việc cần các thể chế hiệu quả và mạnh mẽ trên cơ sở pháp trị, trong đó không ai hoặc không một tổ chức nào được phép đứng trên luật pháp, đảm bảo cho người dân các quyền con người cơ bản và tiếp cận công lý một cách bình đẳng.
Phát biểu của đại diện 31 nước thành viên Liên hợp quốc tại cuộc thảo luận cũng khẳng định tính cấp thiết của cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức, tham nhũng và buôn bán ma tuý bất hợp pháp cũng như việc thống nhất hành động tập thể của các nước, các khu vực và trên thế giới trong cuộc chiến này.Bên cạnh đó, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Kế hoạch toàn cầu chống buôn người, thực hiện chương trình toàn cầu chống khủng bố, trong đó, hỗ trợ 168 nước tăng cường khả năng chống khủng bố và đào tạo cho các nước hơn 10.000 quan chức chống khủng bố.
|