Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã họp khẩn về vụ tấn công đẫm máu củaIsrael vào các tàu chở hàng viện trợ nhân đạo tới dải Gaza. Trong khiđó, người Palestine và các quốc gia Arập yêu cầu lên án và tiến hànhcuộc điều tra độc lập.
| Biểu tình trước cửa sứ quán Israel ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản |
Ngày 30-5, các tổ chức ủng hộ Palestine và một tổ chức nhân quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức chuyến đi bằng đường biển tới Dải Gaza. Đội tàu này bao gồm 3 chiếc tàu và 5 chiếc thuyền lớn mang theo khoảng 700 nhà hoạt động đến từ các nước Arập và châu Âu cũng như các thành viên khác của phong trào đoàn kết quốc tế. Ngoài ra, đội tàu này cũng mang theo 10.000 tấn hàng cứu trợ, thuốc men và vật liệu xây dựng tới Gaza. Đây là lần thứ 9 các nhà hoạt động ủng hộ thực hiện chuyến đi tới Dải Gaza kể từ tháng 8-2008. Hiện nay phần lớn trong số 1,5 triệu người Palestine sinh sống tại Dải Gaza phụ thuộc chủ yếu vào hàng viện trợ.
Khi hay tin, quân đội Israel tuyên bố sẽ chặn không cho đoàn tàu tới Gaza, cảnh báo các nhà hoạt động sẽ bị bắt giữ hoặc bị trục xuất. Bất chấp sự đe dọa của Israel, đoàn tàu vẫn xuất phát từ bờ biển đảo Síp vào 13h ngày 30-5 và theo kế hoạch sẽ hoàn tất hải trình gần 400km vào trưa 31-5.Tuy nhiên, các tàu chiến của Israel đã tấn công một tàu trong đoàn viện trợ, làm ít nhất 10 người thiệt mạng và 30 người khác bị thương.
Tại phiên họp khẩn cấp, HĐBA LHQ đã lên án hành động tấn công của Israel “với những lời lẽ mạnh mẽ nhất” vì đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc khi nhiều người thiệt mạng và kêu gọi Tổng thư kí LHQ Ban Ki-moon cam kết tiến hành cuộc điều tra quốc tế độc lập để xác định xem vụ tấn công đẫm máu này xảy ra như thế nào và để đảm bảo rằng người tấn công phải chịu trách nhiệm. Dự thảo nghị quyết phiên họp cũng kêu gọi Israel dỡ bỏ việc phong tỏa dải Gaza và ngay lập tức phóng thích các tàu treo cờ Thổ Nhĩ Kỳ và dân thường trên các tàu đó.
Tổng thư kí LHQ Ban Ki-moon phát biểu: “Tôi thực sự sốc trước thông tin về vụ giết người. Việc tiến hành điều tra để xác định chính xác vụ việc diễn ra như thế nào là điều cần thiết”. Đại diện Trung Quốc tại LHQ nhấn mạnh Trung Quốc "bàng hoàng" trước việc Israel tấn công đoàn tàu viện trợ quốc tế tới Gaza gây thương vong lớn.Trung Quốc đề nghị HĐBA phản ứng nhanh chóng và có những hành động đối với cuộc tấn công của Israel.Thủ tướng Anh cũng lên án vụ tấn công của Israel là "không thể chấp nhận được," đồng thời thúc giục nhà nước Do Thái "có phản ứng mang tính xây dựng" trước những chỉ trích của cộng đồng quốc tế.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu (nước có công dân thiệt mạng trong vụ tấn công) khẳng định Israel đã đánh mất tính hợp pháp sau khi nã đạn vào tàu cứu trợ. Ông Davutoglu cho rằng Israel đã phạm mộttội ác,vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế trong vụ tấn công "giống như hành động của hải tặc". Các nhà lãnh đạo Syria và Lebanon cảnh báo rằng cuộc tấn công của Hải quân Israel vào đoàn tàu cứu trợ Dải Gaza có thể kích động một cuộc chiến tranh ở Trung Đông.Quan sát viên thường trực của Palestine tại LHQ, ông Riyad Mansour cho rằng vụ tấn công là một "cuộc thảm sát" và một "tội ác chống lại luật pháp quốc tế và luật nhân đạo quốc tế".
Trong khi đó, Phó đại sứ Israel tại LHQ Daniel Carmon khẳng định một số người trên đoàn tàu viện trợ có “tiền sử khủng bố” và các tổ chức của họ ủng hộ các mạng lưới Hồi giáo cực đoan, chẳng hạn như Hamas – phong trào kiểm soát dải Gaza, và từ chối thừa nhận sự tồn tại của Israel. Ông Carmon cương quyết bảo vệ tính hợp pháp của Israel trong việc phong tỏa Gaza và xông vào đội tàu trên. Cùng ngày 31-5, Thứ trưởng Ngoại giao Israel Danny Ayalon nói Tel Aviv "lấy làm tiếc vì có người thiệt mạng" trong vụ này, nhưng cho rằng trách nhiệm thuộc về các nhà tổ chức chuyến đi.
VIỆT ANH (tổng hợp) |