Nếu không phải khoác trên mình bộ áo kẻ sọc kia và không phải ở trongtrại giam Xuân Nguyên, hai phạm nhân Triệu Thị Lan (quê ở Đức Hùng,Trùng Khánh, Cao Bằng), Ngô Thị Khánh (quê ở Yên Phúc, Văn Quan, LạngSơn) khi ra đường làng chắc chắn sẽ có khối người chào họ là “cụ” vì cảhai đều đã ở cái tuổi thất thập có lẻ.
| |
1. Sinh năm 1937, bà Triệu Thị Lan dáng đi liêu xiêu nom đến tội nghiệp. Miệng móm mém, nói chuyện tiếng Kinh pha tiếng Nùng, đôi khi tôi phải hỏi đi hỏi lại mới hiểu bà đang diễn đạt điều gì. Câu đầu tiên tôi hỏi bà là: “Các con, các cháu có vào thăm đều không?”. Hơi bị nặng tai, nên cán bộ trại giam ngồi đó nhắc tôi phải hỏi to lên. Nhận ra tôi đang hỏi gì, bà chỉ lắc đầu và giãi bày “mỗi năm chúng nó chỉ xuống một lần và vài ba tháng lại gửi cho mẹ 1 triệu đồng mua thuốc chữa bệnh. Năm nay không hiểu sao yếu lắm, hết đau đầu đến nhức cổ, nhức chân, đi lại nhiều cũng khó nhọc. Mới ở trại giam được gần 5 năm, còn những 15 năm nữa cơ, không biết ngày được về quê có còn nhìn rõ con cháu nữa không đấy chứ…”. Tôi hiểu người già thường khi có người nói chuyện “không hỏi vẫn xưng”, chuyện nào cũng muốn kể cho người ta nghe cứ như thể chẳng ai hiểu được mình, vì vậy bà Lan không giấu giếm tội mua bán ma tuý mà bà đang phải trả giá.
Vẫn giọng lơ lớ Kinh pha Nùng, bà Lan kể: đầu tháng 3 năm 2006, hôm đó bà đi chăn trâu trên rẫy Nặm Thúm, nhặt được một gói bột màu trắng đựng trong túi nilon, giống như gói mì chính. Bà mang về nhà và cất thật kỹ vì cứ ngờ ngợ không biết có phải mì chính hay bột thuốc gì. Hai ba hôm sau, bà sang tận nhà anh Nông Đình Tiến, người trong bản, làm nghề xe ôm trên thị trấn Trùng Khánh để nhờ “có việc”. Là người thân tình, bà Lan đưa cho Tiến gói bột xem thứ đó là thứ gì, có sử dụng được không. Kiểm tra xong, Tiến bảo nghi đó là heroin nên đem một chút mẫu nhờ mấy thanh niên trên thị trấn kiểm tra giúp.
Mấy ngày sau, Nông Đình Tiến báo với bà Lan đó là heroin thật và bàn cách giới thiệu người đến mua. Tiến thông báo với bạn mình là Hoàng Văn Thì, cũng làm nghề xe ôm ở khu vực đường biên, nếu gặp ai có nhu cầu thì giới thiệu đến chỗ bà Lan mua với giá rẻ. Không lâu sau Thì dẫn một người Trung Quốc đến nhà bà Lan mua ma tuý. Ba tháng sau, Thì lại đưa người Trung Quốc vào mua một lần nữa. Tháng 10-2006, vì bận việc, Tiến thay bạn đưa một người Trung Quốc vào nhà bà Lan mua ma tuý. Thông qua Tiến và Thì, bà Lan bán được 3 lần heroin, thu về gần 8.000 nhân dân tệ. Khi bộ đội biên phòng Trùng Khánh bắt quả tang người Trung Quốc mang ma tuý, hắn bị dẫn về nhà bà Lan để xác minh.
Bộ đội biên phòng, công an huyện đến nhà, bà Lan liền đem gói ma tuý còn lại giấu ở chuồng gà và số tiền 3 lần bán heroin ra nộp. Công an còn khám nhà bà thu thêm 84 triệu đồng tiền Việt Nam và một sổ tiết kiệm 100 triệu đồng đứng tên người khác, nhưng bà Lan một mực khai số tiền đó do chồng bà mất ở thị trấn Trùng Khánh, bà phải bán gian nhà trên đó về xã Đức Hùng mua đất ở cho rộng rãi. Không sử dụng hết tiền thì bà gửi tiết kiệm. Mới đây, bà rút ra hơn 84 triệu để cho người con trai sắm xe ôtô tải làm ăn. Số tiền của riêng gia đình bà không phải có từ nguồn bán ma tuý. Chỉ tại bà quá tham lam, biết là ma tuý lại không bỏ đi, còn bán lấy tiền để dành thì cũng là vi phạm pháp luật thôi.
Tôi và hai cán bộ trại giam ngồi đó cũng bật cười vì bà cứ tồng tộc chuyện bán ma tuý như bán củ khoai, củ sắn. Tôi hỏi thêm bà Lan, sao bà nhặt được ma tuý không nói với các con mình mà lại nhờ người hàng xóm kiểm tra, bán hộ, khi phải vào trại giam ngồi tù, các con có còn trách cứ bà không?
“Đứa nào cũng nói mẹ nhiều lắm mặc dù trong lòng chúng nó thương đấy” - bà bảo vậy và kể rằng lúc đó không biết nói sao với các con. Chỉ tiếc cái tuổi già như bà lẽ ra phải được vui vầy cùng con cháu, thế mà lại làm những việc để mang tai mang tiếng. “Nói vậy chứ ai nhặt được “của” lại bỏ đi, bà cũng như ai vậy thôi. Người dân tộc thật thà như bà cũng biết phải bán đi lấy tiền tiêu chứ. Không may bị công an phát hiện thì phải chịu…” - bà Lan còn láy lại theo cái lý của người dân tộc làm tôi cảm thấy tội nghiệp cho bà. Bà lại bảo, vào tù khổ nhất là nhớ con, nhớ cháu, khi ốm đau chỉ có các cán bộ và bạn tù thăm hỏi, đêm ngủ thấy tủi thân. Sợ nhất mình có mệnh hệ gì chẳng có con, có cháu bên cạnh. Ban ngày, nhờ cán bộ ngày nào cũng hỏi thăm xem hôm nay sức khoẻ thế nào, có ăn được hết cơm không…, thế là bà cũng thấy yên tâm một phần…
2. Cùng ngồi đây còn có cả “cụ” Ngô Thị Khánh, xêm xêm tuổi “cụ” Lan, cũng phạm tội mua bán ma tuý và vận vào mình 16 năm tù. Có điều bà Khánh hơn bà Lan là án ngắn hơn và đã ở tù được 9 năm. Ngày về đang đến rất gần, nhưng bà Khánh vẫn thấy dài lắm. Thấy tôi nói chuyện với bà Lan khá lâu, thỉnh thoảng bà Khánh lại nhấm nhẳng: “Cán bộ hỏi gì thì nói cái đó, tai điếc lại nói nhiều… nói nhanh lên để đến lượt tôi”. Vậy nên tôi chuyển sang hỏi chuyện bà Khánh. Hai bà nhìn nhau vẻ giận dỗi làm tôi vừa buồn cười, vừa thương xót.
Nhanh nhẩu hơn, bà Khánh tâm sự rằng, quê bà gốc ở tỉnh Bắc Ninh nhưng theo bố mẹ lên Lạng Sơn từ lúc 3 tuổi. Lớn lên, bà đi lấy chồng ở Yên Phúc, Văn Quan và sinh được 8 người con (4 trai, 4 gái). Các con của bà đều đã có gia đình riêng. Năm 2000 chồng bà mất, bà vẫn ở với vợ chồng người con trưởng. Từ ấy bà không phải đi làm ruộng nữa, ngày ngày chỉ chơi với các bạn già xóm láng và trông nom các cháu nội. Thế mà năm 2001, bà Lưu Thị Thạch - người quen cùng xã Yên Phúc - nhờ bà hỏi giùm con mấy người bạn già trong xã hay đi ra ngoài thị xã Lạng Sơn có mua được ma tuý để bà Thạch bán lẻ cho mấy đứa thu gom sắt vụn, kiếm ít tiền tiêu.
Bà Khánh xăm xắn gặp Nguyễn Văn Hồng là người giao lưu rộng, hỏi xem có giúp được không. Hồng đã nhận lời ngay và chỉ vài ngày sau, bà Khánh báo tin ấy cho bà Thạch, dẫn bà Thạch đưa cho Hồng 8.800 nhân dân tệ, nhờ lấy 10 chỉ ma tuý. Nhận được tiền, Hồng lấy cho bà Khánh đủ số ma tuý và giao cho bà Thạch. Cầm được số ma túy, bà Thạch hứa khi bán hết hàng sẽ chia tiền lời cho bà Khánh. Không ngờ bà Thạch bị bắt quả tang khi giao dịch với Hồng một lần nữa làm bà Khánh bị “vạ lây”.
Hôm công an tống đạt lệnh bắt tạm giam, bà Khánh lúc đó mới ngớ ra mình đã vi phạm pháp luật. Bị 16 năm tù đối với bà Khánh là ngắn nhất trong vụ mua bán ma tuý này. Bà Khánh bảo “Tiếc cho cuộc đời tôi là con cái đã trưởng thành, yên bề rồi thì lại phải vào chốn lao tù. Thiên hạ người ta buôn bán lớn chẳng sao, đằng này chỉ một lần giới thiệu, mà chưa được một đồng xu nào tiền hoa hồng vẫn phải đeo đẳng án tù. Thật xấu hổ và ân hận với các con, các cháu, chúng nó có để mẹ thiếu thốn gì đâu…”.
Có lẽ lời tâm sự của bà Khánh sâu sắc hơn, tôi mủi lòng thay cho bà. Tôi gắng gượng hỏi thêm? Bà Khánh chỉ nói, ở tuổi như các bà và sống trong trại giam không thể nói là khoẻ, thoải mái như ở nhà được. Vì già nên được ưu tiên không phải lao động, nhưng mình là nông dân quen vận động chân tay, kể cả việc vặt, còn làm được gì thì phải làm. Ngồi không thì buồn lắm, dễ sinh ra bệnh nhớ con, nhớ cháu còn khổ tâm hơn nhiều. Thế nên các bà vẫn xin cán bộ trại những ngày khoẻ được tham gia cuộn chỉ may hoặc quét dọn sân khu nhà giam cho đỡ buồn chân, buồn tay, cốt để nhanh qua ngày, hết tháng. Còn vài cái tết nữa thôi, ngày hết án đang đến gần làm bà Khánh mong mỏi giữ sức khoẻ chờ ngày mãn hạn về với gia đình. Sức già có hạn nên nỗi khát khao ấy thấp thỏm làm sao. Nhiều đêm bà chẳng chợp mắt được
VIỆT HÀ |