Luật Căn cước công dân (sửa đổi) - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn (kỳ 2)

19:17 27/04/2023

Kỳ 2: Hỗ trợ thực hiện hiệu quả Đề án 06/CP, tạo bước đột phá về chuyển đổi số

Một vấn đề bất cập trong Luật Căn cước công dân năm 2014 hiện hành là việc luật này không quy định về cấp số định danh cá nhân cho trường hợp người gốc Việt Nam đang sinh sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Do nhiều yếu tố liên quan đến lịch sử, chiến tranh… nên thực tế hiện nay còn rất nhiều trường hợp nêu trên cần phải có chính sách, quy định của pháp luật để giải quyết vấn đề này, cũng là bảo đảm cơ chế để họ có thể tham gia vào các giao dịch dân sự, dịch vụ công, nhất là những dịch vụ thiết yếu bảo đảm cuộc sống. Luật Căn cước công dân cũng chưa có quy định về việc hủy, xác lập lại số định danh cá nhân đối với trường hợp công dân có quyết định thôi quốc tịch, công dân được nhập trở lại quốc tịch Việt Nam… Luật này cũng chưa có quy định về cấp lại thẻ Căn cước công dân theo hồ sơ đề nghị cấp thẻ gần nhất trên hệ thống căn cước công dân nên có trường hợp công dân vừa được cấp thẻ Căn cước công dân nhưng bị thất lạc, hư hỏng… đều phải trực tiếp đến cơ quan Công an để thực hiện cấp lại thẻ Căn cước công dân khác.

Việc cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự

Cùng với đó, Luật Căn cước công dân là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, quy định việc chuyển đổi từ cấp, sử dụng Chứng minh nhân dân sang sử dụng bằng thẻ Căn cước công dân. Tuy nhiên, nhiều cơ quan, tổ chức đã yếu cầu công dân bắt buộc phải thực hiện các thủ tục để cập nhật, điều chỉnh lại thông tin trên giấy tờ, tài liệu đã được cấp trước đây cho công dân (có thông tin về Chứng minh nhân dân) bằng thông tin về thẻ Căn cước công dân (như trong các lĩnh vực: tài nguyên và môi trường, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng…), gây khó khăn, phiền hà cho công dân. Do vậy, việc cần bổ sung vào Luật Căn cước công dân quy định chuyển tiếp để bảo đảm việc sử dụng, thay thế từ Chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân của công dân được thuận lợi hơn.

Thực tế hiện nay, các quy định của Luật Căn cước công dân về việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân còn chưa được đầy đủ, bao quát. Luật Căn cước công dân mới chỉ tập trung vào việc quản lý công dân qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua thẻ Căn cước công dân mà chưa có quy định về tài khoản định danh điện tử đối với tổ chức, cá nhân trên môi trường điện tử. Quy định của pháp luật về vấn đề này chủ yếu thể hiện trong một số văn bản dưới luật… Trong khi đó, đây là vấn đề lớn, tác động rộng rãi đến nhiều chủ thể khác nhau, bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp được giao thực hiện một số dịch vụ công và tổ chức, cá nhân khác nên cần được luật hóa để bảo đảm đúng tinh thần của Hiến pháp là các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân cần phải ban hành dưới hình thứ luật, bảo đảm, bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân.

Mặt khác, tại Đề án 06/CP của Chính phủ cũng đã xác định các nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy giá trị, tiện ích của thẻ Căn cước công dân như: Hoàn thành việc tích hợp, cung cấp dịch vụ thông tin số Chứng minh nhân dân (9 số) với Căn cước công dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia để 100% tài khoản định danh điện tử của cá nhân được tạo lập bởi Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh thực hiện được việc xác thực với danh tính điện tử do Bộ Công an cung cấp.

Công an phường Cầu Tre (quận Ngô Quyền) tổ chức xe lưu động hướng dẫn người dân cài đặt sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến

Việc sửa đổi Luật Căn cước công dân cũng sẽ bảo đảm từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chỉ cần sử dụng thẻ Căn cước công dân, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) , trong đó tập trung thực hiện ngay đối với một số giấy tờ như: Bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, mã số chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề, tiêm chủng, giáo dục, thẻ cán bộ, công chức, viên chức…

Luật Căn cước công dân (sửa đổi) sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng góp phần triển khai ứng dụng các tính năng của chip điện tử gắn trên thẻ Căn cước công dân và ứng dụng VNeID trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là các lĩnh vực chuyển đổi số mạnh như: Ngân hàng (mở tài khoản, nhận biết khách hàng, thanh toán, cho vay, ví điện tử…), tài chính, viễn thông, điện, nước…

Bên cạnh đó, Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển dữ liệu quốc gia tạo nền tảng cho triển khai Chính phủ số, bảo đảm cung cấp, chia sẻ dữ liệu chất lượng thông suốt giữa các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật để hỗ trợ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đã xác định nhiệm vụ nâng cao việc ứng dụng cơ sở dữ liệu, phát huy giá trị của thẻ Căn cước công dân vào các hoạt động quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và khu vực, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia theo Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Do vậy, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định cụ thể thì việc sửa đổi luật này là cần thiết để tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta.

THẾ KHOA

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông