Mái ấm của người già không nơi nương tựa

13:37 28/05/2016

 

 

Những phận già bất hạnh luôn nhận được sự chăm sóc tận tình
Những phận già bất hạnh luôn nhận được sự chăm sóc tận tình

Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh, nhưng tại khu chăm sóc người già neo đơn thuộc Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ xã hội thành phố, những phận già gặp nhiều bất hạnh luôn được sống trong tình thương, sự quan tâm chia sẻ, cùng sự chăm sóc tận tình của cán bộ và nhân viên nơi đây…

Ngôi nhà chung bình yên

Đến thăm các cụ tại khu nuôi dưỡng người già cô đơn của trung tâm, chúng tôi cảm nhận được niềm vui trên từng khuôn mặt của những cụ già đang sống trong ngôi nhà chung bình yên này.

Mặc dù đã là buổi trưa, hết giờ làm việc nhưng ông Vũ Huy Quang, Giám đốc trung tâm, vẫn đang tất bật dưới khu nhà dành cho các cụ bị bại liệt, tận tình hướng dẫn, bảo ban các điều dưỡng cách vệ sinh cho các cụ. Dẫn chúng tôi đi thăm khuôn viên trung tâm, ông Quang giới thiệu: “Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ xã hội thực hiện nhiệm vụ dưới sự chỉ đạo của Sở Lao động - Thương binh và xã hội thành phố trong công tác bảo trợ xã hội, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa, không có thu nhập, bảo đảm cuộc sống bình đẳng, yên vui và hạnh phúc. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trong chương trình kế hoạch của UBND TP giao về bảo đảm an sinh xã hội".

Ông Quang cũng cho biết: “Trung tâm hiện đang nuôi dưỡng hơn 90 người già cô đơn, từ 60 đến trên 90 tuổi. Trong đó, số người cao tuổi bị tàn tật, phải phục vụ hoàn toàn hoặc hỗ trợ trong sinh hoạt thường xuyên chiếm trên 49%. Mỗi người được tiếp nhận vào Trung tâm có một cuộc sống, hoàn cảnh riêng.

Để họ tìm lại được ý nghĩa cuộc sống, cán bộ, viên chức của trung tâm luôn xác định làm việc không đơn thuần chỉ là trách nhiệm, mà cao hơn cả chính là tình thương, sự sẻ chia, đùm bọc để những phận người, phận đời bất hạnh cảm nhận được tình người ấm áp và thêm niềm tin, hy vọng trong cuộc sống. Hiện nay, chế độ nuôi dưỡng tại trung tâm luôn bảo đảm theo quy định của nhà nước. Ngoài ra, trung tâm còn sử dụng thêm nguồn xã hội hóa vào chế độ sinh hoạt thường ngày cho các đối tượng nhằm đáp ứng đủ dinh dưỡng, chất lượng bữa ăn được cải thiện, phù hợp với tuổi già, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình chế biến…”.

Ông Quang bộc bạch: Có những cụ từ khi vào đây đến khi chết, mấy chục năm ròng nhưng không có người thân đến thăm nuôi một lần. Có nhiều cụ lúc khỏe mạnh thì con cháu thỉnh thoảng vào thăm. Nhiều cụ già lúc mất cũng chẳng có người thân bên cạnh. Chăm sóc các cụ là công việc không hề đơn giản, nhất là với những cụ đã lẫn bởi tuổi già, lúc tỉnh táo thì không nói, thỉnh thoảng lại la hét, chửi bới.

Chuyện xảy ra như cơm bữa nhưng cán bộ nhân viên và những con người đang sống trong trung tâm chẳng ai để bụng. Người già hầu hết ai cũng mắc các bệnh về đường hô hấp, bệnh lây nhiễm nhưng không vì thế mà cán bộ trung tâm xa lánh các cụ…

Được tận mắt chứng kiến công việc của các điều dưỡng viên, chúng tôi mới thấy hết sự vất vả của các chị. Ngày nào cũng vậy, những điều dưỡng viên phải có mặt từ sớm để chờ các cụ ngủ dậy, rồi bắt tay ngay vào công việc: vệ sinh cá nhân, thay bỉm, lau người và bón ăn sáng cho những cụ bị bại liệt.

Tuy công việc vất vả và bận rộn nhưng chính cái tâm, cái tình người, biết xót thương, cảm thông cho những số phận gặp nhiều bất hạnh đã giúp các chị chăm sóc các cụ như chăm sóc chính những người thân trong gia đình mình.

Chị Nguyễn Thị Sao, ở xã An Thắng, An Lão, đã gắn bó với công việc chăm sóc người già cô đơn tại trung tâm đã gần 10 năm. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng là bộ đội thường xuyên công tác xa nhà, một nách hai con nhỏ, nhưng sáng nào chị Sao cũng đưa các con đến trường, rồi đến trung tâm từ sớm để vệ sinh cá nhân cho 10 cụ bị bại liệt. Sau khi lau chùi chỗ các cụ sạch sẽ, chị lại bón cho các cụ ăn sáng, rồi quay ra giặt quần áo và chăn màn cho từng cụ.

Công việc tuy vất vả nhưng chị Sao không bao giờ than phiền. Chị tâm sự: “Cuộc đời của các cụ đã chịu nhiều bất hạnh rồi. Chúng tôi xem các cụ như cha mẹ mình, chỉ mong góp chút sức nhỏ bé đem lại niềm vui cho các cụ khi tuổi già”.

Với một khối lượng công việc không nhỏ, đòi hỏi sự cần mẫn, tận tụy, thời gian làm việc lại khắt khe, các nhân viên ở đây dường như chẳng còn thời gian để chăm sóc cho chính bản thân mình. Phần lớn nhân viên ở trung tâm đều là nữ…

Ấm lại những cảnh đời

Ông Nguyễn Văn Khuê, 76 tuổi, ở phường Lạc Viên, quận Ngô Quyền, đã coi trung tâm như mái ấm thân yêu nhất của mình, bởi ông đã gắn bó với mảnh đất và con người nơi đây đã tròn 36 năm. Ông Khuê có số phận đặc biệt éo le, không nơi nương tựa. Năm 26 tuổi, lúc đó ông vừa tốt nghiệp đại học được mấy năm, đang tuổi ăn tuổi làm thì bất ngờ mắc bệnh viêm đa khớp dạng thấp khiến toàn thân đau nhức.

Mặc dù cha mẹ đã bán hết tài sản đưa ông đi chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình của ông ngày càng nặng hơn. Căn bệnh khớp mãn tính đã biến ông thành người tàn phế, các khớp trên cơ thể dính lại, toàn thân thẳng như khúc gỗ, ông không thể ngồi được, mất sức lao động hoàn toàn, mọi sinh hoạt cá nhân cũng khó khăn hơn. Năm 1980, cha mẹ qua đời, ông làm đơn xin được vào Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ xã hội thành phố để nương thân...

Bà Chín động viên ông Khuê vượt qua nỗi đau bệnh tật
Bà Chín động viên ông Khuê vượt qua nỗi đau bệnh tật

Sống tại trung tâm, ông Khuê gặp bà Phạm Thị Chín, 62 tuổi, ở thôn Đồng Dụ, xã Đặng Cương, An Dương, là người phụ nữ đơn thân, bị mù cả hai mắt do bị sức ép bom đạn thời chiến. Không nơi nương tựa, bà được trung tâm tiếp nhận và nuôi dưỡng lúc tuổi già sức yếu. Mặc dù không nhìn thấy ánh sáng, nhưng bà vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát lắm. Thấy hoàn cảnh ông Khuê, bà thương cảm và thường xuyên đến giúp ông những sinh hoạt cá nhân.

Từ ngày có bà Chín làm bạn, ông Khuê đã dần vơi đi những đau đớn do bệnh tật hành hạ, còn bà Chín cũng tìm được người bạn già để chia sẻ buồn vui trong cuộc sống.

Khi hỏi về cuộc sống trong trung tâm, ông Khuê tâm sự: “Tôi sống ở đây đã quen, không gian thoáng đãng, yên bình, tôi cảm thấy thoải mái như đang ở chính trong nhà mình. Từ ngày vào đây, tôi được an ủi, chăm sóc tận tình, cảm giác nhớ nhà cũng vơi đi”.

Cũng giống như ông Khuê, bà Chín, bà Vũ Thị Là, 54 tuổi, ở xã Ngũ Đoan, Kiến Thụy, cũng đã có gần 30 năm được tiếp nhận vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại trung tâm. Bà Là nhớ lại: “Năm 4 tuổi, cả gia đình bị tai nạn bom mìn. Bố mẹ đều chết do chiến tranh, tôi bị sức ép bom khiến cơ thể tàn phế. Không nơi nương thân, năm 24 tuổi, tôi được chính quyền đưa vào trung tâm để được nuôi dưỡng và chăm sóc. Về ngôi nhà chung nơi đây, tôi được phẫu thuật chỉnh hình nên chân tay cử động tốt, đi lại cũng dề dàng hơn.

Điều quan trọng ở đây, tôi đã tìm lại được cảm giác đầm ấm của gia đình, giúp tôi có được niềm vui thực sự trong cuộc sống. Kể từ khi được vào ở tại trung tâm, tôi rất mừng vì được lãnh đạo trung tâm quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần, ăn uống đầy đủ, có chết cũng không còn phải lo và suy nghĩ điều gì nữa. Tình cảm bà con cùng hoàn cảnh ở đây rất thân thiện”...

Dù có nhiều “ngả đường” đến với Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ xã hội, mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau, có người còn con cái nhưng không ở cùng được, có người không có người thân nào để cậy nhờ… Nhưng đến bằng con đường nào thì các cụ già ở đây luôn thấy ấm lòng bởi sự ân cần đối xử của những người không phải do họ sinh ra.

Đã từ nhiều năm nay, Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ xã hội thành phố đã trở thành mái ấm của những người già cô đơn và người tàn tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa trên địa bàn thành phố. Với sự tiếp sức của những tấm lòng nhân ái trong cộng đồng xã hội, sự quan tâm, chăm sóc của cán bộ và nhân viên trong trung tâm, những phận già không trọn vẹn niềm vui đã tìm được sự đầm ấm trong một gia đình chung và niềm hạnh phúc lúc mãn chiều xế bóng…

Hồng Hải


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông