Mặt bằng giá mới tiềm ẩn nỗi lo cho thị trường thực phẩm cuối năm

10:03 20/12/2022

Tính chung cho mức bình từ đầu năm, có lẽ giá thực phẩm năm nay trên thị trường thành phố biến động nhiều nhất, kể từ 5 năm trở lại đây. Đến thời điểm này, khi chỉ còn một tháng nữa là tết Nguyên đán Quý Mão, thị trường thực phẩm đnag khá ổn định. Tuy nhiên điều đáng chú ý là hầu hết các loại thực phẩm truyền thống thiết yếu đều đang ổn định ở mức khá cao, so với mức bình quân của cả năm 2021.
Giá rau củ quả tăng mạnh trong cả các siêu thị và chợ truyền thống những ngày qua.

          Nếu như trong 5 năm qua, kể cả giai đoạn khó khăn nhất giữa vòng xoáy dịch bệnh Covid-19, nỗi lo bất ổn thị trường thực phẩm chỉ mang tính cục bộ vài thời điểm và chủ yếu đối với mặt hàng lợn thịt.

          Thì bước sang năm 2022, nhất là từ khi xảy ra chiến tranh Nga-Ukraine, thị trường thế giới chao đảo đã tác động lớn tới thị trường trong nước, giá thực phẩm liên tục bất ổn không theo chu kỳ truyền thống. Nguyên nhân lớn nhất thuộc về biến động cung cầu và giá xăng dầu, của giao thương quốc tế và tình hình kiểm soát biên mậu Việt – Trung.

          Trong nhiều diễn đàn vĩ mô, kể cả diễn đàn Quốc hội, vấn đề biến động giá thực phẩm nói riêng cũng như lạm phát nói chung đã được đề cập khá rõ. Mặc dù so với các nền kinh tế lớn trên thế giới và khu vực, chúng ta đã kiểm soát khá tốt lạm phát, giữ vững cán cân cung cầu, nhưng nỗi lo về mặt bằng giá mới hình thành ở mức cao hơn đã hiển hiện. Đáng lo hơn, khi theo thông lệ truyền thống, thị trường rất “nóng” vào dịp cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm.

          Đơn cử những ngày này, giá rau củ quả các loại đang ở mức khá cao, bình quân cao hơn tháng 11 tới 60% theo khảo sát thực tế. Nếu tính chung thị trường quý 4, thì rau đang dẫn đầu về sự tăng giá, hiện giá bán lẻ tại các chợ truyền thống như sau: muống từ 15 nghìn đồng đến 17 nghìn đồng/bó (chất lượng rất thấp do đáo vụ); dền – cải – mồng tơi 12 nghìn đồng đến 15 nghìn đồng/bó; ngải 15 nghìn đồng/bó; bắp cải 20 nghìn đồng/kg; súp-lơ 45 nghìn đồng/kg, đậu co-ve 35 nghìn đồng/kg…

          Như đã nói ở trên, với mức này, giá rau hiện đang cao hơn khoảng 60% so với tháng trước và tăng bình quân gấp 2 lần so với cùng thời điểm năm 2021. Theo chị Đào Thị D., một thương lái ở xã Thụy Hương (Kiến Thụy), thì hiện rau loại có lá, cũng là loại truyền thống của Hải Phòng đang rất khan hàng, khiến thương lái không gom được để bán.

          Tiếp theo phải kể đến các loại thủy sản. Nếu như tháng trước thủy sản giảm giá mạnh do đáo hạn mùa du lịch, thì khoảng 2 tuần trở lại đây giá thủy sản tăng khá mạnh. Cụ thể các loại thông thường như cá nục từ 40 nghìn đồng tăng lên 45 nghìn đồng/kg; cá thu đàn từ 45 nghìn đồng lên 55 nghìn đồng/kg; cá thu vẩy từ 60 nghìn đồng lên 65 nghìn đồng/kg; tôm thẻ từ 220 nghìn đồng lên 250 nghìn đồng/kg; cá trắm sống từ 70 nghìn đồng lên 90 nghìn đồng/kg…

Giá thịt các loại trong siêu thị cao hơn khá nhiều so với chợ truyền thống

          Tuy nhiên, nhóm thủy sản vẫn có một số loại giữ giá như tôm sú, mực các loại, ngao, cá thu phấn, cá tầm, cá hồi… Giải thích về sự tăng của thủy sản, một thương lái ở chợ Lương Văn Can cho biết, do ảnh hưởng của thời tiết, sản lượng khai thác giảm, đồng thời ở nhiều vùng nuôi các chủ đầm đang giữ tôm cá đợi dịp tết mới thu hoạch, dẫn đến nguồn cầu biến động.

          Mặc dù vậy, so với rau xanh và thủy sản, các loại thịt gia súc và gia cầm đang tương đối ổn định. Chẳng hạn như thịt lợn, sau đợt giảm mạnh hai tháng 10 và 11, bước sang tháng 12 đã ngừng đà giảm, hiện đắt nhất ở chợ truyền thống là sườn thăn và ba chỉ loại ngon với mức bình quân 120 nghìn đồng/kg, nạc mông – vai 110 nghìn đồng/kg, các loại khác bình quân 100 nghìn đồng/kg.

          Cũng ở chợ truyền thống, giá thịt gà ta nuôi công nghiệp đang ở mức bình quân 110 nghìn đồng/kg, thịt vịt 70 nghìn đồng/kg, thịt ngan 100 nghìn đồng/kg… giảm đáng kể so với hồi giữa năm. Nhưng mặt hàng liên quan là các loại trứng gia cầm lại có dấu hiêu tăng trong mấy ngày qua, sau khi có đợt giảm đột ngột hồi đầu tháng 12.

          Vấn đề đáng lưu tâm ở chỗ, trên đây mới chỉ là nhóm thực phẩm mang tính thiết yếu và phổ biến trong sinh hoạt thường ngày của người dân, còn thị trường dịp tết Nguyên đán nguồn cầu sẽ thêm rất nhiều sản phẩm khác. Trong khi đó, tại các siêu thị đang bán với mức giá cao hơn chợ truyền thống bình quân 15% với các sản phẩm tương ứng.

          Khoảng 2 tháng trở lại đây nhiều loại thực phẩm nhập khẩu trong siêu thị cũng âm thầm được điều chỉnh tăng, đơn cử như đùi gà đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ tăng từ 42 nghìn đồng lên 52 nghìn đồng/kg; thịt trâu Ấn Độ tăng khoảng 7%; thịt ếch tăng bình quân 15%... chưa kể mặt bằng giá của các loại thực phẩm chế biến đang rất cao so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Trở lại với chợ truyền thống, việc tăng giá của từng nhóm hàng đều rõ nguyên nhân. Ví dụ rau xanh, một phần là diện tích gieo trồng tại chỗ của Hải Phòng vụ đông năm nay giảm mạnh.

Không những thế, diện tích giảm nhưng cơ cấu cây trồng cũng thay đổi, một phần lớn là các loại cây mầu không phải rau đang chiếm khá nhiều diện tích trong tổng diện tích rau màu. Tương tự, ở lĩnh vực chăn nuôi, các nhà đầu tư vẫn đang gặp khó khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, việc tái tạo gặp nhiều trở ngại.

           Theo các tiểu thương, đây là thời điểm “nước rút” tiến tới điểm rơi là thị trường tết Nguyên đán (tính từ ngày cúng ông Táo 23 tháng Chạp)  phụ thuộc nhiều vào việc mua sắm của người dân. Nếu việc dự báo không chính xác, thì thị trường thực phẩm hiện tại với mức giá đang cao, sẽ gây khó cho người tiêu dùng vào dịp cuối năm.

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích