Ngày 15-9 là tròn một năm ngày Lehman Brothers - một trong những ngân hàng đầu tư lâu đời và uy tín nhất thế giới - tuyên bố phá sản. Sự sụp đổ của Lehman Brothers chính là “ngòi nổ” của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
| Sự phá sản của Lehman Brothers đánh dấu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu |
“Cơn ác mộng khủng hoảng” bắt đầu từ hôm 12-9-2008, khi những người đứng đầu các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ được triệu tập tham dự một cuộc họp khẩn cấp tại Cục dự trữ liên bang. Bộ trưởng Tài chính Hank Paulson cảnh báo với các “đại gia” ở phố Wall rằng Lehman Brothers sắp phá sản, và chính phủ sẽ không dang tay cứu giúp. 48 giờ sau đó, ngân hàng này bó tay chịu trận và tuyên bố phá sản vào ngày 15-9. Chỉ một ngày sau đó, 700 tỉ USD lập tức “bốc hơi” khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu. Chỉ số Dow Jones giảm 500 điểm, mức sụt giảm lớn nhất trong một ngày kể từ hôm xảy ra vụ khủng bố 11-9-2001.
Sự phá sản của Lehman Brothers đã dồn các thị trường tài chính - vốn đã lúng túng từ khi xảy ra khủng hoảng tín dụng thứ cấp một năm trước đó - rơi vào hoảng loạn thực sự. Nó khiến dòng chảy tài chính đóng băng hoàn toàn và đẩy hệ thống ngân hàng vào tình trạng nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ theo hiệu ứng đôminô trên một khu vực rộng lớn. Trong ngày 15-9 không thể quân đó, thị trường chứng khoán thế giới lập tức giảm điểm, các ngân hàng lớn ở Mỹ và Anh sống sót nhờ vào các gói cứu trợ của chính phủ, và thế giới bắt đầu rơi vào cuộc suy thoái, được cho là nghiêm trọng nhất trong 60 năm qua...
Để cứu vãn nền kinh tế, chính phủ các nước đã phải bơm nhiều tỉ USD vào các gói kích thích kinh tế. Ngay ở Pháp - nước vốn xa khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhà nước đã phải bảo lãnh gần 8 tỉ euro nợ ngân hàng và "bơm" thêm vào hệ thống ngân hàng khoảng 25 tỉ euro tiền vốn. Dự báo trong 5 năm tới, nợ của chính phủ Anh sẽ tăng từ khoảng 944 tỉ USD lên hơn 2,3 nghìn tỉ USD, trong khi nợ quốc gia của Mỹ tăng gấp đôi lên 10 nghìn tỉ USD.
Sau nhiều tháng vật lộn với những khó khăn do khủng hoảng gây ra, kinh tế thế giới đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, nhất là trong quý 2-2009. Những thống kê kinh tế mới đây của Đức, Pháp và Anh nói chung đều khả quan và đã thổi một luồng sinh khí mới vào các thị trường chứng khoán. Chỉ số chứng khoán tại các thị trường mới nổi đã lập mức cao kỷ lục kể từ sau vụ Lehman. Hoạt động kinh tế tại hầu hết các khu vực trên toàn nước Mỹ đang bình ổn hoặc đang được cải thiện mặc dù thị trường lao động vẫn yếu và doanh số bán lẻ chưa tăng.
Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc cũng thông báo những dấu hiệu phục hồi kinh tế khi những nỗ lực kích cầu của các chính phủ trên toàn cầu bắt đầu cho thấy kết quả. Kinh tế Nga, vốn nằm trong số các nền kinh tế lớn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi suy thoái do giá dầu giảm mạnh và sự ra đi của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, dường như đang trên đà ổn định. Các chuyên gia cũng khẳng định cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã thoát đáy, và nguy cơ xảy ra một vụ sụp đổ khác kiểu Lehman Brothers đã lùi vào dĩ vãng.
Những diễn biến nói trên đang góp phần làm cho bức tranh kinh tế toàn cầu trở nên sáng sủa trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G-20 ở Pittsburgh vào cuối tháng 9 này. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận xét kinh tế thế giới vẫn đang trong giai đoạn khủng hoảng và phải đối mặt với những hậu quả về mặt xã hội như tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục leo thang, ít nhất là trong 1 năm nữa. Đặc biệt, trong phiên họp đầu tháng 9, các Bộ trưởng Tài chính của nhóm G20 cũng nhất trí rằng chưa đến lúc dừng các gói kích thích trị giá hàng nghìn tỷ USD. Có thể nói, con thuyền “tài chính toàn cầu” mới chỉ tạm vượt qua được cơn sóng dữ, chứ chưa thấy bến “bình yên”.
VIỆT ANH (tổng hợp) |