Một thời để nhớ

17:06 12/06/2016

   

 

 

Phóng viên Văn Luyện trong chuyến công tác tại huyện đảo Bạch Long Vỹ, tháng 4-1994

Tháng 6 lại về, hoa phượng đã rợp trời thành phố Cảng và Báo An ninh Hải Phòng vừa tròn tuổi 25, chất chứa bao hy vọng ở phía trước. Trong mỗi chúng tôi, những phóng viên - chiến sỹ của báo từ buổi đầu thành lập lại ào về bao kỷ niệm khó quên về những tháng ngày lặn lội, theo sát bước chân của đồng đội đang ngày đêm vì bình yên của thành phố…

“Nhầm” điểm tập kích

Đã thành thói quen, buổi sáng hàng ngày, ngay sau khi đến tòa soạn, tôi lại lượn một vòng quanh các phòng ban Công an thành phố để nắm thông tin, tìm tư liệu mới để làm tin bài. Sáng hôm đó cũng như thường lệ, đang đứng ở cổng tòa soạn, chợt thấy một số cán bộ chiến sỹ Công an quận Kiến An cùng trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự và điều tra viên Phòng Cảnh sát điều tra tất bật ra vào.

Tiếp đó, lại thấy đại tá Trần Đồn khi đó là Phó giám đốc Công an Hải Phòng (phụ trách lực lượng cảnh sát), kiêm Tổng biên tập báo An ninh Hải Phòng đang chỉ đạo lực lượng chức năng chuẩn bị thay biển kiểm soát xe nghiệp vụ rồi tất cả vội vã lên xe phóng đi. Tôi chỉ kịp nghe loáng thoáng: “Tập kết tại Việt - Tiệp!?”, linh tính cho thấy sắp có trận đánh lớn, song vì lý do bí mật nên ngay đồng chí Tổng biên tập cũng không tiết lộ.

Tôi quay ngay về tòa soạn báo cáo đồng chí Trần Bá Thiều, khi đó là Phó tổng biên tập. Anh Thiều giục: “Ông đi ngay xem thế nào, nhớ không được làm ảnh hưởng tới hoạt động của các đơn vị nghiệp vụ!”. Tôi lập tức lấy máy ảnh, đút quyển sổ tay vào túi rồi phóng xe máy bám theo đoàn xe ô tô của các đơn vị thì chợt có tiếng gọi của một đồng nghiệp: “Đi đâu mà vội thế?”, tôi chỉ kịp đáp “Việt - Tiệp!”.

Khi thấy xe của lực lượng Công an thành phố rẽ nhanh vào sân Cung văn hóa lao động Việt - Tiệp trên đường Lạch Tray, nơi đang diễn ra hội nghị khách hàng của ngành Hải quan toàn quốc, tôi lẳng lặng phóng xe về phía cầu Rào rồi lượn lại thì loáng thoáng thấy bóng dáng những trinh sát thân quen của Phòng Cảnh sát hình sự cùng Công an quận Ngô Quyền và Công an quận Lê Chân mặc thường phục, xuất hiện bên hàng quán, điểm vui chơi dọc phố, nhất là khu vực quanh nhà Phạm Đình Nên, một đối tượng cầm đầu băng tội phạm hình sự mới nổi lên.

Ở phía xa, các tổ công tác của Cảnh sát bảo vệ và Cảnh sát giao thông cũng được tăng cường. Sau khi xác định được “điểm rơi”, tôi đi mua ngay mấy cuộn phim dự phòng rồi vào sân Cung văn hóa Việt - Tiệp, gửi xe thì gặp một anh bạn làm tại đây. Để đảm bảo bí mật cho đồng đội, tôi mượn luôn bộ quần áo dân sự để thay bộ trang phục ngành rồi yên chí vào quán nước gần đó ngồi chờ giờ “G”. Và đúng khi sở chỉ huy trận đánh phát lệnh tập kích, các lực lượng tham gia triển khai các mũi tấn công, nhanh chóng bắt giữ một loạt đối tượng cùng Phạm Đình Nên, thu giữ nhiều vũ khí thì tôi kịp thời có mặt ghi nhận lại toàn bộ diễn biến trận tập kích ngoạn mục…

CBCS Báo ANHP trong những ngày đầu thành lập
CBCS Báo ANHP trong những ngày đầu thành lập

Lúc tôi chuẩn bị rời hiện trường thì mới thấy mấy bạn đồng nghiệp lỉnh kỉnh camera, máy ảnh ào vào. Hỏi ra mới biết là họ cũng bám sát theo tôi nhưng lại nghĩ “Việt - Tiệp” là Bệnh viện Việt Tiệp nên cứ phục tại đó. Tôi chỉ còn biết nháy mắt chia sẻ với các bạn sự nhầm lẫn đáng tiếc này. Còn người bạn tôi, khi nhận lại bộ quần áo thì cứ trách “Ông biết mà chẳng nói, tôi cứ tưởng ông đi… chơi!”.

“Hỏi cung” giúp

Còn nhớ đêm đó, khi đang lấy tư liệu để viết bài tại Công an quận Kiến An thì tôi bắt gặp tổ truy bắt của Đội đặc nhiệm H88, Phòng Cảnh sát hình sự CATP phối hợp cùng công an quận áp giải một đối tượng liên quan đến vụ cướp tài sản trên địa bàn Kiến Thụy vừa bắt giữ tại khu vực Ngã 5 Kiến An. Ngay khi bước vào trụ sở, tên này hung hăng tuyên bố xanh rờn: “Các ông bắt tôi thì dễ, thả ra hơi khó đấy!”. Hỏi ra thì được biết hắn vừa thi hành án trở về. Ngay sau đó, việc đấu tranh khai thác được các cán bộ hình sự tiến hành. Còn tôi, vào giường của mấy trinh sát ở phòng bên tranh thủ ngả lưng. Chừng 1h sáng, vừa thiếp đi thì chợt một cán bộ hình sự lay tôi dậy: “Đồng nghiệp thông cảm, cùng trinh sát của chúng tôi canh chừng tên vừa tóm một lát. Đấu tranh mãi mà hắn chưa khai nhận. Mệt quá, mình nghỉ một lát”.

Tôi liền sang bên đó, kê ghế ngồi hỗ trợ anh em. Đối tượng nhìn tôi chằm chằm rồi e dè hỏi: “Anh cũng bị tạm giữ à?”, tôi ậm ừ gật đầu. Thế là hắn nhìn bảng ảnh đối tượng tệ nạn xã hội treo trên tường và bắt đầu “nổ”, nào là em quen “con này”; đã từng vào “sới” của nó; nào là nó cũng từng là gái hạng sang… Rồi chợt hắn hỏi “Anh có biết luật không?”, tôi hỏi “Luật gì?” - “Thì luật pháp ấy, em bị oan lắm, mấy chú công an cứ cho là em phạm tội cướp nên quần dữ quá!”. Tôi thủng thẳng đáp: “Cũng biết tí. Đầu đuôi thế nào, kể xem!”. Thế là hắn ta tông tốc kể: “Cách đây vài ngày, mấy đứa bọn em bàn đi cướp xe ôm.

Đến chiều tối cách đây 2 ngày thì phân công một thằng ra khu vực chân cầu Rào làm “chim mồi”, chọn lão xe ôm nào có con xe máy đẹp thì thuê chở về ngã 3 Đa Phúc, Kiến Thụy; còn mấy đứa em mang theo khẩu súng ngắn có đạn, phục sẵn ở đó chờ “thịt”. Thế nhưng, khi đang phục cạnh đống rơm ven đường thì chợt thấy chiếc xe ô tô “lọ mực” của công an tuần tra đi tới gần; tưởng lộ, bọn em vội dúi khẩu súng vào đống rơm rồi cả bọn lủi nhanh, cuốc bộ về nhà con H., bồ của em.

Tại đó, em và bồ em ngủ trên giường, còn mấy đứa kia ngủ ở góc nhà đến sáng thì mò về Kiến An...”. “Thế còn thằng “chim mồi”?” - tôi hỏi. “Thì nó dong lão xe ôm đến ngã 3 Đa Phúc, trời tối lại không thấy bọn em đâu nên không dám ra tay, cũng chuồn thôi” - hắn lắc đầu vẻ tiếc rẻ.

Ngồi im một lúc, tên này lại buột miệng: “Anh thấy đấy, rõ ràng bọn em chưa hề làm gì, thế mà mấy chú ấy cứ tra em là tổ chức cướp tài sản nên em ì ra, không khai nhận. Thật quá oan, phải không!”. Cố nín cười, tôi bảo hắn cứ thử viết toàn bộ sự việc ra giấy và đề nghị xem xét “giải oan” xem sao. Ngẫm nghĩ một lát, hắn gật gù và nhờ tôi đi xin giúp giấy bút.

Tôi ra gọi đồng chí cán bộ hình sự thụ lý án đang tranh thủ chợp mắt. Vừa nghe tôi kể lại, anh vỗ đùi đánh đét, nói: “Xong rồi! Cảm ơn nhà báo nhé!” rồi đưa ngay giấy bút, mở khóa tay để đối tượng viết bản tự khai. Hắn viết một mạch những điều vừa như kể; bên ngoài, trời đã tảng sáng.

Làm ảnh thờ cho nạn nhân

Vụ án Lưu Bá Phượng trong lúc bức xúc trước sự hỗn xược của đứa con trai nghiện ngập mà xuống tay hạ sát con rồi chặt ra làm 7 khúc, thả trôi trên mương ở quận Ngô Quyền, đã từng nổi sóng trong dư luận thành phố. Chúng tôi được Ban biên tập giao nhiệm vụ theo sát hành trình phá án của lực lượng công an để phản ánh trung thực, khách quan, đúng định hướng.

Chỉ sau một thời gian ngắn, lực lượng điều tra đã làm rõ đối tượng và bắt giữ tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngay sau đó, đồng chí Bùi Văn Tẳng - nguyên Trưởng công an quận Ngô Quyền, thông báo cho chúng tôi: “Sáng mai tổ chức “đón” đối tượng áp giải về sân bay Cát Bi”. Chúng tôi liền đề nghị cùng đi và được anh đồng ý. Vậy là sáng sớm hôm sau, chúng tôi có mặt tại Công an quận Ngô Quyền, lên xe ra sân bay. Song khi tới gần thì nhà ga thông báo: Vì trời mưa, chuyến bay sẽ chậm lại hơn 1 giờ và do quá nhiều mây nên máy bay khó hạ cánh, phải quay sang Nội Bài hạ cánh.

Đồng chí Tẳng quay ra bàn với chúng tôi: “Ta quay xe “phi” thẳng Nội Bài, quyết để các ông ghi được hình ảnh anh em ta áp giải đối tượng từ cầu thang máy bay xuống. Có vậy, bài báo mới sinh động”. Song vừa quay xe đi Hà Nội được ít phút thì chúng tôi lại nhận được cú điện thoại, thông báo máy bay sẽ xuống Cát Bi, thế là lại quay lại chờ. Rồi ý định của chúng tôi cũng đã thực hiện được như kế hoạch.

Ít ngày sau, khi đến hiện trường vụ án, cũng là nhà của đối tượng, lúc cơ quan điều tra tổ chức thực nghiệm, tôi tranh thủ gặp người thân của đối tượng và cũng là của nạn nhân để khai thác tư liệu viết bài. Khi trao đổi, được biết gia đình đang muốn có tấm ảnh để thờ nạn nhân. Rất may trong lúc xem tập ảnh lưu niệm và hồ sơ xin đi lao động nước ngoài của nạn nhân, tôi chợt thấy tấm ảnh chân dung cỡ 4x6 dán trong hồ sơ nên nhận lời giúp. Ngay hôm đó, vừa viết bài để kịp đăng báo, tôi vừa tranh thủ đi in hai tấm ảnh nạn nhân, sau đó trao tận tay gia đình để kịp lập ban thờ.

3 năm sau, gia đình nạn nhân có ý nguyện xin mảnh hộp sọ của nạn nhân lưu tại cơ quan kỹ thuật hình sự để tiến hành cải táng. Chúng tôi đã hỗ trợ họ làm thủ tục đề nghị CATP và cơ quan chức năng và đã được nhận lại để trọn vẹn tâm nguyện của người ở lại với người đã ra đi, giúp họ vơi đi nỗi đau và sớm hòa nhập cộng đồng, hướng thiện… Từ đó, gia đình nạn nhân và cũng là gia đình thủ phạm của vụ án đã luôn trở thành bạn đọc gần gũi của Báo An ninh Hải Phòng.

Văn Luyện


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông