Dù nắng rát hay mưa phùn, dù giông bão hay rét mướt, và dù khói bụi lẫn mùi xăng có xộc lên mũi hay mồ hôi thấm vào mắt cay xè… thì họ vẫn luôn có mặt trên mọi cung đường để điều phối, xử lý giao thông. Không ai hết, họ chính là những chiến sỹ cảnh sát giao thông (CSGT).
| |
Chúng tôi gặp thượng tá Bùi Đình Chiến, Trưởng phòng CSGT bộ, sắt - Công an thành phố Hải Phòng, vào một buổi sáng đầu tuần. Vồn vã tiếp chuyện phóng viên nhưng vị trưởng phòng vẫn phải liên tục trả lời điện thoại của nhân dân gọi tới. Ôn tồn, nhẹ nhàng, thượng tá Chiến giải thích cặn kẽ, thoả đáng những thắc mắc và cả những “khiếu nại” của người dân về các lỗi vi phạm khi tham gia giao thông… Thế nhưng, đáp lại thịnh tình của vị trưởng phòng là những lời lẽ khiếm nhã không nên có…
Vẫn giữ vẻ điềm tĩnh, thượng tá Bùi Đình Chiến quay sang nói với chúng tôi: “Làm CSGT phải chịu nhiều áp lực và điều tiếng lắm các anh ạ, chúng tôi đã quá quen với những lời trách cứ và cả xúc phạm của một bộ phận nhân dân không hiểu hoặc cố tình không hiểu công việc của những người thực thi Luật giao thông. Họ đâu có biết rằng, CSGT tạm giữ và xử lý nghiêm những trường hợp phạm luật là vì nhiệm vụ, vì sự an toàn của chính họ, ấy thế mà…”. Nói đến đây, giọng của thượng tá Chiến như chùng xuống, rồi tiếp: “Thôi, các nhà báo muốn hiểu hết công việc và nỗi gian truân, vất vả của CSGT thì xuống luôn cơ sở nhé!”…
Và theo sự giới thiệu của Trưởng phòng Bùi Đình Chiến, chúng tôi có mặt tại Trạm CSGT Quán Trữ. Mặc dù khá bận rộn nhưng trung tá - Trưởng trạm Đỗ Văn Miêng vẫn dành cho phóng viên một cuộc trò chuyện khá thân tình và cởi mở. Anh cho biết: Trạm CSGT Quán Trữ được phân công phụ trách địa bàn từ cầu Niệm - Hải Phòng đến giáp cầu Nghìn - Thái Bình (trải dài 1 quận và 3 huyện) trong đó có quốc lộ 10 là huyết mạch giao thông quan trọng nối Hải Phòng với nhiều tỉnh Bắc bộ và Trung bộ. Tuyến đường này hằng ngày có lưu lượng ô tô, xe máy hoạt động khá lớn, song ý thức chấp hành Luật giao thông của người điều khiển phương tiện giao thông qua đây nói chung là chưa cao. Địa bàn rộng và khá phức tạp như vậy nhưng quân số của trạm lại rất mỏng (trạm hiện chỉ có 34 CBCS) khiến cho công việc của anh em thêm bội phần vất vả.
Tìm hiểu lịch công tác của CBCS nơi đây, chúng tôi thấy thời gian làm việc của một kíp công tác gần như là kín mít. Này nhé, sáng từ 6h30' đến 8h trực cao điểm tại cầu Niệm; 8h đến 11h đi tuần cảnh báo tai nạn và xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, sau đó được nghỉ 1 giờ ăn cơm trưa tại trạm; từ 12h đến 18h tuần tra, xử lý trên quốc lộ 10, tiếp đó về trạm dùng bữa tối và trực luôn tại đơn vị, giải quyết những công việc đột xuất cho tới sáng hôm sau… Cứ như vậy, ngày qua ngày, họ không còn biết kiếm đâu ra một khoảng thời gian đủ dài để về nhà ăn với vợ bữa cơm, hay đưa đón con đi học.
Riêng Trưởng trạm Miêng nhiều lần trở thành “hoà giải viên” bất đắc dĩ để giúp cán bộ của mình làm lành với gia đình họ. Thật là, làm CSGT không sung sướng một chút nào, trái lại quá là nhiều khó khăn và áp lực. Cho nên những ai thực sự thấu hiểu đặc thù công việc của CSGT thì mới thông cảm cho những người chuyên phải “gác chuyện nhà… hết lòng vì việc cơ quan” như các anh.
Trung tá Miêng tâm sự: “Đôi khi tôi cảm thấy tủi thân thay cho các anh em của trạm, công việc thì luôn ngập đầu nhưng lúc nào cảm giác cô đơn cũng vây lấy anh em CSGT. Nhà báo thử nghĩ xem, ngày thường thì không nói, nhưng ngày nghỉ, lễ tết, nhìn những gia đình vui vầy đi chơi bên nhau, hay là cùng nhau sum họp bên mâm cơm gia đình thật đầm ấm, hạnh phúc thì lòng những CSGT như thắt lại, thấy mình có lỗi với vợ con, gia đình. Bởi những ngày ấy, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông hơn khiến tình hình giao thông có những diễn biến phức tạp nên lực lượng CSGT phải căng mình ra làm việc cật lực, mong muốn góp một phần nhỏ cho niềm vui của nhân dân được trọn vẹn”…
Trung tá Vũ Văn Đố - người đã như gắn bó cả đời với nghiệp CSGT - không giấu được vẻ ưu tư khi nói về nghề của mình. Với anh thì sự thiệt thòi và mệt nhọc thường nhật của CSGT là lẽ đương nhiên, đã vào nghề là phải chấp nhận. Nhưng điều mà anh Đố lấy làm buồn chính là thái độ ngông cuồng của một bộ phận thanh thiếu niên khi tham gia giao thông. Những kẻ đầu xanh, đầu đỏ này không những bất chấp luật lệ giao thông mà còn tỏ ra côn đồ, sẵn sàng giở thói lưu manh mỗi khi gặp CSGT.
Chính trung tá Đố cũng đã bị một thanh niên lao xe máy vào người khi anh cùng đồng đội đang làm nhiệm vụ ở thị trấn Vĩnh Bảo. Đó là vào khoảng tháng 9-2008, anh Đố cùng tổ công tác phát hiện một thanh niên đi xe máy quá tốc độ liền ra tín hiệu dừng xe. Thế nhưng gã thanh niên đó bất ngờ tăng ga lao thẳng xe làm anh ngã đập đầu xuống đường, gãy chân phải và sang chấn sọ não, giảm 34% sức lao động. Giờ đây, mỗi khi trái gió trở trời là vết thương ở đầu và chân lại tấy nhức, trí nhớ giảm sút…
Trầm ngâm một lát, anh Đố tâm sự: “Bản thân tôi bị như thế này, ức lắm nhưng dù sao vẫn còn được sống, còn được theo nghề, chứ đau thương hơn vẫn là những CBCS đã phải hy sinh khi làm nhiệm vụ. Chắc nhà báo chưa quên tấm gương hy sinh của thiếu tá Đỗ Tiến Đức (Trạm CSGT Quán Toan) khi bị tài xế Lê Hoàng Việt ở Bình Lục, Hà Nam cố tình điều khiển xe container lao thẳng vào người hồi đầu tháng 1 năm nay. Dù đã quen với nguy hiểm mỗi khi làm nhiệm vụ nhưng khi được tin đồng chí Đức hy sinh, chúng tôi không khỏi bàng hoàng, không ai cầm được nước mắt, uất ức lắm, ai có thể ngờ rằng tên tài xế đó lại vô tâm và độc ác đến vậy. Thế đó nhà báo ạ. Đối với CSGT chúng tôi thì sự nguy hiểm gần như thường trực...”.
Trung tá Đố còn tâm sự với chúng tôi những nỗi niềm và cả sự “khó xử” khi thực hiện nhiệm vụ. Như chuyện đuổi hay không đuổi “quái xế” luôn lạng lách đánh võng trên đường, nếu không đuổi bắt xử lý thì trở thành dung túng cho những kẻ không chấp hành Luật giao thông, còn nếu đuổi thì nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao, nguy hiểm cho người dân.
Chuyện trò thêm được một lúc thì trung tá Đố vào ca trực. Anh em phóng viên đề nghị đi thực tế cùng tổ công tác, Trưởng trạm Miêng vui vẻ đồng ý. Thế là chúng tôi cùng trung tá Đố, trung tá Phạm Văn Lâm và một số chiến sỹ khác đến làm nhiệm vụ tại khu vực gần cầu Nguyệt (huyện An Lão). Lúc đó, trời đã sắp về chiều nhưng nắng thì vẫn còn khá gay gắt. Nắng chiếu vào đường nhựa rồi phả vào mặt rát rạt. Trong khi đó dòng xe cộ cứ hoạt động ầm ầm, lật tung cả bụi mù. “Nắng thì mặc nắng, bụi cứ mặc bụi, đã theo cái nghiệp “đứng đường” này thì điều đó chẳng hề hấn gì” - trung tá Phạm Văn Lâm nói với phóng viên như vậy. Chỉ theo chân các anh chưa đầy tiếng đồng hồ nhưng mồ hôi trên người chúng tôi cứ túa ra như tắm, chỉ muốn chui vào bóng râm trú nắng. Còn với những chiến sỹ CSGT thì vẫn “phơi mình” cùng bộ quân phục “màu nắng” thực hiện nhiệm vụ mà chẳng có cái khẩu trang bảo hộ hay kính che mắt nào. Nhìn các anh, chúng tôi thấy ở họ toát lên một sức chịu đựng thật phi thường, đáng nể phục.
Chia tay các đồng chí CSGT, quay trở về cơ quan qua những cung đường, chúng tôi lại gặp những cán bộ, chiến sỹ CSGT đang điều tiết giao thông và xử lý nghiêm những sai phạm để những tuyến đường luôn thông suốt. Dòng đời vẫn cứ chảy. Hết mưa thì lại nắng. Nghề nào cũng có nỗi vất vả. Nghề CSGT lại có vất vả riêng. Nhà thơ Nguyễn Bính viết rằng “nắng mưa là bệnh của trời”. Bệnh của trời nhưng người phải gánh chịu nhiều nhất “căn bệnh” đó có lẽ là những chiến sỹ Cảnh sát giao thông. Nói như vậy để ta có cách nhìn toàn diện hơn về lực lượng CSGT.
VIỆT TÙNG |