Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết sẽ kết thúc nhiệm vụ chiến đấu củaquân Mỹ tại Iraq vào ngày 31-8 tới mặc dù các vụ bạo lực vẫn tiếp diễntrong thời gian gần đây.
| |
Ngày 2-8, trong buổi nói chuyện với hơn 2.500 cựu chiến binh Mỹ tại thành phố Atlanta, bang Đông Nam Georgia, ông Obama khẳng định việc rút toàn bộ binh lính đang đồn trú tại Iraq về nước sẽ là một trong những chiến dịch hậu cần lớn nhất trong nhiều thập niên qua, thực hiện một cam kết ông đưa ra khi nhậm chức hồi năm ngoái, đó là chuyển giao toàn bộ trách nhiệm cho người Iraq. Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh: “Vào 31-8-2010, sứ mệnh chiến đấu của quân Mỹ ởIraq sẽ kết thúc. Và đó chính xác là những gì chúng tôi sẽ làm, đúng như cam kết và như kế hoạch đặt ra”. Ông Obama cũng cho là đây là một thắng lợi, tuy còn nhiều bất trắc.
Các quan chức trong chính phủ Mỹ xác nhận ngày 31-8 tới đây sẽ đánh dấu sự kết thúc của "Chiến dịch Giải phóng người dân Iraq" do cựu Tổng thống George W. Bush khởi xướng. Tuy nhiên, Washington vẫnduy trìmột lực lượng quá độ tại Iraq trong những tháng tới và sẽ rút toàn bộ quân đội về nước vào cuối năm 2011. Và nhiệm vụ mới có tên gọi "Chiến dịch Bình minh mới" và binh sĩ Mỹ sẽ tập trung vào nhiệm vụ huấn luyện binh sĩ Iraq, hỗ trợ các chiến dịch chống khủng bố của nước sở tại và các hoạt động dân sự.
Đến cuối tháng 8, quân đội Mỹ ở Iraq sẽ cắt giảm trang thiết bị của họ từ 3,4 triệu đơn vị xuống còn 1,2 triệu đơn vị, cần thiết để phục vụ số quân còn lại. Số trang thiết bị này sẽ được chuyển sang Afghanistan, các kho dự trữ của quân đội Mỹ và lực lượng an ninh Iraq. Cũng đến cuối tháng này, quân đội Mỹ cũng có kế hoạch sẽ giảm từ 121 căn cứ xuống còn 94 căn cứ mà họ chiếm đóng tại Iraq. So với thời kỳ cao điểm, tháng 6-2009, quân đội Mỹ đã chiếm đóng 357 căn cứ của Iraq. Theo hãng tin AP, vào lúc cao điểm tháng 10-2007, Mỹ triển khai 170.000 quân tại Iraq và hiện con số này là khoảng 65.000 người. Tính đến cuối tháng trước, đã có ít nhất 4.413 lính Mỹ thiệt mạng tại Iraq và 31.897 người bị thương. Mỹ đã chi gần 737 tỷ USD cho cuộc chiến này.
Với viễn ảnh cuộc bầu cử tháng 11 đang tới gần, phe Dân Chủ đang hy vọng phô diễn sự tiến bộ ở Iraq như là thành công của chính phủ Obama. Còn đối với người Iraq, sự rút quân của Mỹ sẽ tạo cơ hội cho họ xây dựng một quốc gia bình thường như bao quốc gia khác. Việc quân Mỹ đóng tại Iraq vốn là lý do chính gây ra sự bất ổn về mặt xã hội, môi trường chính trị không ổn định và tình hình an ninh đang dần xấu đi ở nước này. Vì thế, chính quyền của Tổng thống Bush trước đây và của Tổng thống Obama hiện giờ đều muốn rút toàn bộ quân Mỹ ra khỏi Iraq.
Trên thực tế, theo giới quan sát, người Iraq nên tự mình quyết định tương lai của đất nước, không nên trông chờ vào nước Mỹ bởi kế hoạch rút quân của người Mỹ không phụ thuộc vào lợi ích của người Iraq mà chỉ phụ thuộc vào lợi ích của Mỹ ở Iraq. Washington nhận ra rằng, việc họ đóng quân tại Iraq không phải là cách tốt nhất để Mỹ duy trì lợi ích ở nước này. Mỹ thừa hiểu việc để một số lượng binh lính đóng tại Iraq sẽ không có lợi về mặt kinh tế và không giúp Mỹ xoá bỏ được hình ảnh một kẻ xâm lược ở Iraq.
VIỆT ANH (tổng hợp) |