Năm Tỵ nói chuyện gian nan nghề bắt rắn

12:36 10/02/2013

Trong số 12 con giáp của năm, nếu như rồng chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng dân gian thì rắn lại là loài có thật, con người nhìn thấy, thậm chí có thể sờ nắn khi nó không còn quá nguy hiểm. Đây cũng là con vật mang theo mình không ít truyền thuyết lạ kỳ, bí hiểm và không kém phần uy nghiêm mà minh chứng để lại là những miếu, đình thờ thần rắn có hàng trăm năm nay.
Trong số 12 con giáp của năm, nếu như rồng chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng dân gian thì rắn lại là loài có thật, con người nhìn thấy, thậm chí có thể sờ nắn khi nó không còn quá nguy hiểm. Đây cũng là con vật mang theo mình không ít truyền thuyết lạ kỳ, bí hiểm và không kém phần uy nghiêm mà minh chứng để lại là những miếu, đình thờ thần rắn có hàng trăm năm nay.

Không chỉ ở làng Lệ Mật, Hà Nội, mà cách Hải Phòng không xa, chừng 20 cây số, tại xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, Hải Dương, có đền Quan lớn Tuần Tranh thờ vị thần cai quản khu vực sông nước. Từ ngoài cửa đền đến bên trong khám thờ, trên khung xà, bậu cửa đều chạm khắc hình tượng rắn. Người dân địa phương luôn gọi rắn là ông, bởi theo truyền thuyết dân làng kể lại, nơi đây là điểm giao nhau của các con sông, do vậy năm nào giặc nước cũng hoành hành, đặc biệt là sự xuất hiện của hai rắn thần, một ông đuôi dài và một ông đuôi cộc quấy phá, khiến cuộc sống người dân vô cùng bất ổn.

Thấy vậy, một vị quan thuộc phủ Ninh Giang đã cho dân xây thành đắp lũy, làm nhiều cách trấn áp, thu phục được rắn thần, từ đó mưa thuận, gió hòa, trời yên bể lặng. Người dân ở đây đã lập đền thờ vị quan có công và cả rắn thần, mong nhận được sự bao dung, chở che trước những thiên tai, địch họa. Đối với những người gắn bó với nghề sông nước thì xem đây như vị thần hộ mệnh để vượt qua những rủi ro bất thường, mang lại sự bình an cho những cuộc hành trình mưu sinh.

Ấy là về tâm linh, còn theo các chuyên gia nghiên cứu thì rắn có tới gần 200 loài và được phân thành hai loại: có nọc độc và không có nọc độc. Tuy nhiên, với khả năng chinh phục của con người thì rắn có nọc độc và mức độ càng cao, càng nguy hiểm thì càng có giá trị. Không phải ngẫu nhiên rắn trở thành biểu tượng của ngành y bởi những khả năng tiềm tàng sẵn có. Giờ đây, rắn không chỉ là món đặc sản mà tất cả các bộ phận, từ da, thịt, nọc, mật đến xương đều là những vị thuốc quý, chữa được nhiều bệnh trọng. Đó là lý do khiến một số người săn lùng rắn độc bất chấp hiểm nguy và đây cũng là một nghề mang lại nguồn thu nhập không nhỏ.

Theo giới săn bắt thì Hải Phòng có đủ loại, rắn đồng bằng, rắn biển và rắn sinh sống ở vùng đồi, núi. Song, số lượng nhiều và cũng dễ bắt hơn vẫn là rắn cạn. Ở một số xã  thuộc huyện Kiến Thụy như Ngũ Đoan, Đại Đồng hay xã Hồng Phong, huyện An Dương, đã là đấng mày râu, sinh ra, lớn lên ở làng thì từ trẻ đến già, ít nhiều đều biết vài ngón nghề bắt rắn. Đã thành lệ, cứ khi nào có gió Đông Nam, rắn bò ra khỏi hang để phơi nắng, lột xác thì mọi người trong làng lại rủ nhau đi bắt.

Thời điểm bắt rắn thường từ tháng 2, 3 âm lịch đến tháng 5, 6 hàng năm. Theo những bậc tiền bối về bắt rắn thì khi đã dày dạn kinh nghiệm, chỉ cần nhìn qua gò đất, bờ đê là biết có rắn trú ngụ ở đó hay không. Và cũng chỉ nhìn lỗ rắn, hang rắn là biết đó là loại nào, nặng chừng bao nhiêu? Thậm chí nếu rắn lột xác để lại một vài vẩy thì độ chính xác lên tới 95%, chênh lệch cũng chỉ một vài lạng.

Theo anh Kiều Văn Huần, 41 tuổi, ở thôn Đồng Xuân, xã Hồng Phong, huyện An Dương thì rắn thường ăn nhờ theo lỗ chuột, ở đâu có chuột thì tất yếu sẽ có rắn. Loài rắn cũng có quy luật sinh hoạt khác nhau, nếu là rắn ráo, dọc dừa, cạp long, cạp nia thì cứ tầm xâm xẩm tối là bò ra khỏi hang để tìm thức ăn. Còn dòng hổ mang thì lại muộn hơn, vào khoảng 10 đến 12 giờ đêm. Riêng đối với loài hổ mang chúa thì chỉ sống ở vùng hang đá như ở một số xã miền núi của huyện Thủy Nguyên hay vùng Đông Triều, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương…

Nếu như các tay bắt rắn ở phía Nam phải sử dụng đến gậy tre, quèo sắt thì dân Bắc thường dùng… tay không. Kinh nghiệm cho thấy, nếu rắn ở trong hang thì không thể ngóc cổ lên cắn người, do vậy dân đi bắt rắn sẽ đào theo lỗ chuột, lần từ phần đuôi lên và khi phát hiện thấy rắn sẽ nhanh tay chịt cổ bắt sống. Qua tìm hiểu, mật và nọc của loài động vật máu lạnh này chỉ có tác dụng khi rắn còn sống, còn khi rắn chết, chúng sẽ tự phân hủy hoặc không còn giá trị.

Tuy nhiên, cho dù có kinh nghiệm, đam mê nhưng dân bắt rắn cũng không thể xem nhẹ hay chủ quan giỡn mặt tử thần. Đây cũng là lý do họ thường đi theo nhóm 5-6 người và sẵn sàng phối hợp, hiệp đồng để bắt được con mồi.



Anh Huần bên be rượu ngâm rắn hổ mang chúa


Anh Huần nhớ lại: Vào dịp cuối năm ngoái, khi cả nhóm đi qua vùng núi đá thuộc Đông Triều, Quảng Ninh, phát hiện thấy lớp xác bỏ lại của con hổ mang chúa, anh em đã phải mất gần hai ngày đào bới, tìm tận hang ổ. Chưa nói đến chuyện thu nhập, mà lúc đó động lực là sự say mê, thích thú nên đào hết một ngày chưa thấy, cả đoàn lại lấp cửa hang, thấp thỏm chờ trời sáng đào tiếp.

Đọc vị từ lớp xác để lại, tiên liệu chú hổ mang nặng ít nhất khoảng 10kg nên cả nhóm phải dùng đến cả xà beng, cuốc, thuổng đào sâu đến hơn 1 mét và kéo dài tới 17-18 mét mới thấy tín hiệu khả quan. Lâu nay, hổ mang chúa vẫn được biết đến là loài có những pha quăng mình, cú mổ nhanh hơn cả chớp nên mặc dù huy động đến 6 tay bắt rắn dày dạn nhất làng nhưng cũng phải chật vật mới bắt được.

Còn về nọc độc thì không ai hiểu hơn những người trong cuộc, nếu để răng của hổ mang chúa chạm vào da thịt thì coi như đã đến cửa tử thần, chỉ còn nước chặt tay, chặt chân để nọc độc không chạy thẳng vào tim. Cũng bởi vậy, tay không thu phục được hổ mang chúa, không chỉ những người trực tiếp tham gia bắt hỷ hả, mà cả làng trầm trồ, thán phục. Dù đã có người đánh tiếng trả hơn hai chục triệu cho bình rượu ngâm rắn hổ mang chúa nhưng mấy anh em dứt khoát từ chối, để những lúc nông nhàn lại có dịp bê ra ngắm nghía, ôn lại những khoảnh khắc vừa sợ, lại vừa thích thú ấy.

Chẳng ai bảo ai, song đã dấn thân vào công việc đầy nguy hiểm này, mọi người đều tự trang bị cho mình bảo bối là cách sơ cứu và những vị thuốc chữa rắn cắn để phòng thân, tránh để xảy ra chuyện sinh nghề, tử nghiệp. Không có hạt đậu Lào hút nọc độc như các anh hai miền Nam, vị thuốc giải độc rắn đồng bằng thường là các loại lá có ngay trong vườn hay bên bờ ruộng.

Nếu là dòng hổ mang thì sau khi xát chanh hoặc quất vào vết cắn, nặn máu độc, garô phía trên thì trong vòng 24 giờ, người bị thương phải uống ngay các loại cây lá mát như rau má, lá ngót, cây thảo đất... để giải độc. Còn thủ phạm là cạp nong, cạp nia thì lại phải thêm vị của quả đu đủ xanh và khoảng thời gian cho phép chỉ trong vòng 2 giờ sau khi bị cắn, bởi khi nọc độc của loài này lan đến đâu, máu chuyển màu đen đến đó và khi nhập vào tim thì… vô phương cứu chữa.

Bên cạnh việc tự phòng ngừa, cứu mình, những người bắt rắn kiêm thầy lang bất đắc dĩ này không ai bảo ai, không đặt chuyện tiền bạc làm trọng mà coi việc cứu người không may bị rắn cắn như việc nghĩa, cái đức để lại cho con cháu sau này. 


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông