Nẻo về của những người đàn bà nghiện

15:33 02/02/2013

Cha ông xưa thường nói “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, nhưng đối với những người đàn bà đã trót bán rẻ linh hồn cho “tử thần trắng” thì hầu hết tổ ấm của họ đều lâm vào cảnh ly tán. Khi trở thành con nghiện nặng, họ trượt dài trong những cơn thác loạn của ma túy, để rồi nhiều người trong số họ buộc phải bán thân nuôi miệng trong sự nhục nhã, ê chề. Nẻo về của họ sau cai nghiện vẫn nhiều lắm những trông gai…
Cha ông xưa thường nói “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, nhưng đối với những người đàn bà đã trót bán rẻ linh hồn cho “tử thần trắng” thì hầu hết tổ ấm của họ đều lâm vào cảnh ly tán. Khi trở thành con nghiện nặng, họ trượt dài trong những cơn thác loạn của ma túy, để rồi nhiều người trong số họ buộc phải bán thân nuôi miệng trong sự nhục nhã, ê chề. Nẻo về của họ sau cai nghiện vẫn nhiều lắm những trông gai…

Học viên Q và D.
Học viên Q và D.

Mắc nghiện vì một phút yếu lòng

Ngồi trước mặt tôi trong căn phòng thăm gặp học viên của Trung tâm Thanh Xuân là Đặng Thị Q., sinh 1984, ở thị trấn Cát Bà. Nhìn Q. khá “bụi” mặc dù khoác trên mình chiếc áo của học viên. Đây là lần thứ 4 Q. nhập trại để cai nghiện. Lần nào đi cai, Q. cũng quyết tâm, khao khát làm lại cuộc đời, nhưng tất cả đều vụt tắt khi tái hòa nhập cộng đồng.

Qua câu chuyện được biết Q. và mẹ là vợ lẽ, con thêm của bố khi người vợ cả qua đời. Khi Q. học lớp 5, một lần bố bị hóc xương cá phải nhập viện tại Hà Nội để gắp dị vật. Vốn bản tính ương bướng lại thiếu sự giám sát của bố mẹ trong khoảng thời gian ấy nên Q. bỏ học. Năm 18 tuổi, Q. lập gia đình và sinh đôi hai con gái.

Chồng Q. làm nghề khai thác du lịch ở thị trấn Cát Bà, vài lần được bạn bè nhờ mua giúp ít “hàng trắng” từ nội địa mang ra huyện đảo nên từ đó gã thành kẻ buôn ma túy chuyên nghiệp. Vì thế, thứ bột màu trắng chết người ấy chẳng còn xa lạ gì với Q. Không lâu sau khi chồng bị bắt, Q. dẫn theo hai đứa con nhỏ về bên ngoại sinh sống. Cũng từ đó, Q. lao vào những cuộc chơi và dùng ma túy để quên đi tất cả.

Khi nghiện rồi, tình nghĩa, máu mủ ruột thịt cũng trở nên xa vời với Q. Bỏ lại con nhỏ cho cha mẹ già chăm sóc, Q. ra ngoài sống cùng chúng bạn xã hội. Nói là đi làm kiếm tiền nuôi con nhưng thực chất, số tiền Q. kiếm được cũng chỉ nhằm thỏa mãn những cơn “vã” thuốc: “Ban đầu em chỉ hít, sau đó thì hít không đủ nên em chuyển sang tiêm chích. Ngày em chích khoảng 4 cữ, mỗi lần khoảng 200-300 nghìn. Gần đây em vừa “chơi” ma túy, vừa chơi cả “đá” nên mỗi ngày phải ngốn hết khoảng gần 2 triệu. Ven tay giờ cũng chả lấy được nữa nên em chích vào chỗ kín…”- Q. giãy bày về tình cảnh nghiện ngập của mình.

Hỏi Q. lấy đâu ra từng ấy tiền để thỏa mãn cơn nghiện, cô ta thẳng thắn: “Em bán dâm!”. Mỗi ngày em phải “đi khách” 15 lần mới đủ tiền cho những lần phê ma túy…”. Q. kể, vào trại tuy có được xét nghiệm máu để xác định về HIV/AIDS nhưng chẳng bao giờ những học viên như cô được biết kết quả, đó là nguyên tắc ở đây.

Nhắc đến con, giọng Q. chùng hẳn xuống. Q. bảo, nhìn hai đứa con, cô ta thêm quyết tâm để cai nghiện, lần thứ 4 xin vào cai tự nguyện cũng là vì thế. Tự Q. cũng xác định, chẳng thể chắc điều gì bởi “trong trại tỉnh táo thì ý thức được về cuộc sống, lúc ra ngoài đời, nghiện trở lại thì chả nghĩ được gì…”. Nhưng chắc chắn một điều, Q. thực sự khát khao ngày về nẻo thiện, bởi thực sự khát khao nên lần thứ tư Q. đã nhập trại trong tâm thế của một người sẵn sàng làm lại cuộc đời từ chính những sai lầm của mình.

Theo chồng thử “hàng” rồi… nghiện

Phải nhờ cán bộ Trung tâm thuyết phục nhiều lần, cuối cùng tôi mới tiếp xúc được với học viên Lã Thị D., sinh 1975, ở Trần Nguyên Hãn, Lê Chân. Đây cũng là lần thứ 2, D. được đưa vào trung tâm để cai nghiện ma tuý. Nhìn bề ngoài, ít ai biết D. là một tay chơi có tiếng ở khu vực đường tàu Trần Nguyên Hãn và đã có thâm nghiện ma tuý hơn 10 năm. Ma tuý đã cướp của D. tất cả: nhan sắc, sự nghiệp, danh dự, tiền bạc, gia đình…

Năm 1999, D. lấy chồng. Tuy nhiên sống với nhau không được bao lâu, D. nhận ra chồng mình là một gã giang hồ, có nhiều tiền án, lại là kẻ nghiện ma tuý có thâm niên. Nhiều đêm D. khóc cạn nước mắt, khuyên chồng cai nghiện ma tuý, chung tay xây dựng một tổ ấm vẹn toàn. Rồi chồng D. cũng đồng ý cai nghiện, nhưng chẳng được bao lâu lại tái nghiện. Chồng D. cai lại tái, tái lại cai đến hơn chục lần nhưng đều bất thành vì bị bạn nghiện lôi kéo.

Cuối cùng D. đành chấp nhận buông theo số phận. Năm 2001, D. chán đời nên đã tò mò thử dùng ma tuý của chồng để tìm cảm giác lạ. Rồi D. trở thành bạn nghiện của chồng từ lúc nào cũng không biết. Cùng cảnh nghiện ngập, hàng ngày chồng D. rủ những chiến hữu đi trộm cắp, đòi nợ thuê, còn D. bắt đầu lân la đến những tụ điểm mại dâm để bán đi vốn tự có…

Tưởng rằng cuộc sống gia đình sẽ thay đổi khi D. sinh 2 đứa con kháu khỉnh, nào ngờ, cả hai vợ chồng D. ngày càng nghiện nặng. Trong một lần đi cung cấp “hàng” bán lẻ cho con nghiện để kiếm lời, chồng D. bị công an bắt và tiếp tục vào tù. Không còn chồng cung phụng ma tuý, D. phải gửi đứa con lớn về bên ngoại, đứa nhỏ nhờ bên nội nuôi giúp rồi tìm đường làm ăn. Mỗi sáng thức giấc, D. phải trải qua những cơn “vã” thuốc khủng khiếp, tưởng chừng không thể vượt qua được.

Để có tiền mua thuốc, D. tìm khách bán dâm. Những đồng tiền bán thân D. đều nướng sạch vào món hàng cấm. Những lúc tỉnh, D. lại tự dằn vặt mình không làm tròn trách nhiệm của người mẹ. Chỉ vì nghiện nên hai đứa con của D. không có mái ấm gia đình, không được mẹ yêu thương vỗ về.

D. bảo: “Cuộc đời sẽ ngập trong đau khổ và vô nghĩa nếu cứ kéo dài cuộc sống như thế này. Mình phải tự kéo mình lên, lấy hết sức và ý chí bắt đầu cai nghiện. Những ngày đầu trong trại, những cơn “đói” thuốc vật vã, cơ thể mình đau nhức như có hàng nghìn con bọ đang đục vào đến tận xương tuỷ…”. Đó là lần đầu tiên D. cai nghiện ở Trung tâm Thanh Xuân vào năm 2008. Sống trong trung tâm cai nghiện được 2 năm, D. trở về gia đình, nhìn hai đứa con đang khôn lớn từng ngày, D. tự nhủ lòng mình không được vấp ngã một lần nữa.

Thế nhưng, D. không đủ sức để làm điều đó. Mỗi lần bị bạn nghiện lôi kéo, D. không chỉ tái nghiện mà ngày càng nghiện nặng. Cuộc sống bế tắc, D. lại lao đi bán dâm để có tiền mua thuốc. Tháng 10-2010, trong một lần đi khách, D. bị lực lượng công an bắt quả tang và tiếp tục nhập vào Trung tâm Thanh Xuân. Khi vào đây, được gặp lại thầy cô trong trung tâm, D. cảm thấy nhục nhã và ê chề, D. chỉ biết khóc tự trách bản thân mình.

Sau hơn 1 năm cai nghiện tại trung tâm, giờ đây, D. khẳng định rằng mình không còn cảm giác thèm ma tuý như trước nữa. D. hào hứng nói với tôi về những dự định tương lai: “Sau này ra xã hội, mình sẽ tìm công việc ổn đình, rồi đón 2 đứa con ra ở cùng để chăm lo, bù đắp lại cho các con sau những tháng ngày mẹ con xa cách. Mình sẽ sống mạnh mẽ, lấy hết sức để vươn lên, dù tương lai còn biết bao khó khăn, thách thức…”.

Câu chuyện của Q. và D. chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp những người đàn bà nghiện ma túy mà chúng tôi đã được tiếp xúc tại Trung tâm Thanh Xuân. Mỗi người một hoàn cảnh, sự đưa đẩy để họ tìm đến ma túy, nhưng sau một thời gian cai nghiện tại trung tâm, hầu hết họ đều đã cắt được cơn nghiện, sức khỏe dần ổn định. Khi đã nhận ra những tác hại khôn lường của ma túy, có những người vì thiếu bản lĩnh, mãi mãi lún sâu vào ma túy không tìm được lối thoát, nhưng cũng có không ít những người đàn bà đã trải qua những tháng ngày vật vã với một nghị lực lớn để tìm đường trở về.

Tuy nhiên, theo bà Phạm Bích Thủy, Giám đốc Trung tâm Thanh Xuân, động lực quan trọng nhất để các học viên tự tìm lại chính mình đó phải là khao khát từ đáy lòng về một cuộc sống có ý nghĩa. Bởi hàng năm, tại trung tâm có không ít học viên nhập lại trung tâm từ 2-3 lần nhưng vẫn không bỏ được ma túy. Để giúp các học viên nữ sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng, điều quan trọng là sự quan tâm giúp đỡ, động viện, chia sẻ của những người thân trong gia đình; đồng thời giúp học viên có công ăn việc làm ổn định để họ sống tốt hơn, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.


HỒNG HẢI


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông