Ngăn chặn mất vệ sinh an toàn thực phẩm: Cần chế tài nghiêm minh

09:40 13/09/2017

“Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ ngắn và dễ dàng đến thế”. Cho đến giờ, câu nói khá nổi tiếng trên của ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội Luật gia, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Khóa 13 TP Hải Phòng tại diễn đàn Quốc hội vẫn được nhiều người nhắc đến như một lời cảnh báo về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay.

Nhức nhối thực phẩm bẩn

Vừa qua, tại Hội thảo khoa học “Vệ sinh an toàn thực phẩm -  Thực trạng và giải pháp” do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng phối hợp cùng Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tiếp tục được đưa ra bàn luận sôi nổi.

Một lần nữa, câu nói của ông Trần Ngọc Vinh lại được các đại biểu dự hội thảo dẫn lời để nói về thực trạng nhức nhối, vấn nạn thực phẩm bẩn đang len lỏi trong mỗi bữa ăn hàng ngày của các gia đình Việt Nam. Đi tìm giải pháp giải quyết thực trạng ấy vẫn luôn là bài toán trăn trở của các cấp ngành.

Mỡ bẩn bị các cơ quan chức năng thu giữ tại Hải Phòng

Thầy thuốc ưu tú – Bác sĩ Nguyễn Quang Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu -  Truyền thông tư vấn sức khỏe và phát triển bác sĩ gia đình nhấn mạnh về tình trạng rau 2 luống, lợn 2 chuồng, trồng rau trên gác thượng và trồng rau ở đất bỏ hoang là việc rất đáng lo ngại hiện nay. Người dân chỉ còn biết tin vào chính mình, tự trồng, tự sản xuất thực phẩm cho gia đình.

Nhưng đâu phải ai cũng có điều kiện để làm việc đó? Và ngày ngày nguồn thực phẩm bẩn đa dạng, phong phú  vẫn đang được bày bán trên thị trường.

Bằng mắt thường rất khó để phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn đâu là thực phẩm sạch. Đặc biệt nguy hiểm hơn nữa, các loại hóa chất: chống thối, bảo quan, kích thích sinh trưởng cũng được mua bán, trao đổi dễ dàng, càng làm tăng thêm mối nguy hại cho người tiêu dùng.

Theo thống kê của Sở Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2017, Hải Phòng ghi nhận 263 người mắc, có 3 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể không rõ nguyên nhân với tổng số 148 người mắc.

Tuy nhiên, theo TS. BS Nguyễn Quang Chính, Giám đốc Trung tâm Truyền thông GDSK Hải Phòng, đây chỉ là thống kê về những vụ ngộ động được xử lý tại các cơ Sở Y tế.

Còn những vụ ngộ độc đơn lẻ, người dân tự xử lý, hay việc các chất độc từ thực phẩm ngấm dần vào cơ thể thì không thể có con số thống kê chính xác. Cũng theo BS Chính, Hải Phòng mỗi năm có trên 3.000 người mắc ung thư và ước tính đến năm 2020, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam sẽ lên gần 200.000 ca.

Trong đó, có đến 35% tỷ lệ mắc ung thư do thực phẩm bẩn, tỷ lệ cao nhất, còn lại là do hút thuốc lá – 30%, do di truyền – 10% và do các nguyên nhân khác.

Cần giải pháp quyết liệt

Trong giai đoạn hiện nay, tình hình đảm bảo VSATTP luôn có diễn biến phức tạp đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các đơn vị chức năng liên quan.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy trong công tác quản lý nhà nước về ATTP vẫn còn nhiều bất cập đáng quan tâm. GS.TS Phan Thị Kim, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật ATTP Việt Nam thẳng thắn chỉ ra rằng “Chỉ khi nào Việt Nam có cơ quan riêng biệt, chuyên trách và có đủ thẩm quyền xử lý vi phạm về vấn đề ATTP thì mới hi vọng vấn nạn này sớm được khắc phục.

Bởi lẽ, như hiện nay, ATTP do 3 ngành chịu trách nhiệm là Y tế, Công thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, còn rất khó để có sự phối hợp đồng nhất trong việc thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm đảm bảo VSATTP”.

Theo đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy định về ATTP có quá nhiều loại văn bản, thay đổi thường xuyên, dẫn đến cả doanh nghiệp lẫn các cơ quan quản lý không nắm bắt kịp. Các văn bản chồng chéo, vừa thừa, vừa thiếu…

Kiểm tra điều kiện VSATTP tại cơ sở sản xuất

Bàn về các giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi chính sách pháp luật về ATTP, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến chế tài và tính nghiêm minh trong việc xử phạt các vi phạm.

Ông Nguyễn Bình Minh, Chủ tịch Hội Đo lường và Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng Hải Phòng nói: “Quá trình thanh kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý vi phạm còn thấp, còn đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành liên quan.” Thực hiện nghiêm minh, mạnh mẽ trong xử lý hình sự về vi phạm VSATTP, xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức chịu trách nhiệm trong lĩnh vực này là những giải pháp được đề ra.

Theo đánh giá, Luật ATTP đã có nhưng quá trình thực thi còn yếu. Bộ Y tế đang dự thảo nghị định mới thay thế cho NĐ 178 để nâng cao mức xử phạt hành chính đồng thời mở rộng tội danh xử lý hình sự đối với các vụ vi phạm ATTP.

Đây là giải pháp rất quan trọng để tăng chế tài xử phạt, đảm bảo đủ tính răn đe. Suy cho cùng, để làm tốt công tác VSATTP thực chất cần thực hiện liên kết nhiều giải pháp từ nhà sản xuất chế biến, nhà kinh doanh buôn bán, đến nhà quản lý và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trên hết vẫn là sự thống nhất trong quá trình thực hiện.

Huyền Trâm

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông