10:03 20/12/2022 Chiều 19-12, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo. Đồng chí Hồ Đức Phớc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì. Cùng dự có lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; các địa phương.
Dự tại điểm cầu Hải Phòng có đồng chí Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố; lãnh đạo Sở Tài chính; Cục Thuế; Cục Hải quan Hải Phòng; Kho bạc Nhà nước; Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đông Bắc…
Năm 2022, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, ngành Tài chính vẫn vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nổi bật là tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; chủ động điều hành chính sách tài khoá linh hoạt, hiệu quả; quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công; tăng cường quản lý giá cả, thị trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chuyển đổi số; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, công khai tài chính- ngân sách nhà nước; chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả…
Đến ngày 15-12, thu ngân sách Nhà nước đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng, vượt 19,8% so với dự toán. Trong đó, thu ngân sách Trung ương vượt 19,3% dự toán; thu ngân sách địa phương vượt 20,4% dự toán. Chi ngân sách đạt 1.450 nghìn tỷ đồng, bằng 81,2% dự toán. Đáng chú ý, Bộ Tài chính chủ động đề xuất các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí với tổng số khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Năm 2023, Bộ Tài chính đề ra 11 giải pháp nhằm hoàn thành toàn diện nhiệm vụ tài chính- ngân sách.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao kết quả thực hiện các nhiệm vụ của ngành Tài chính, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. Nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của các chính sách tài chính, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục nắm chắc đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước; thực hiện tốt phương châm điều hành năm 2023 "Đoàn kết, kỷ cương; Bản lĩnh, linh hoạt; Đổi mới, sáng tạo; Kịp thời, hiệu quả", kiên định, bản lĩnh, điều hành không cứng nhắc, không giật cục, luôn đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Thủ tướng nhấn mạnh những mục tiêu chính: Bảo đảm tuyệt đối an toàn về an ninh tài chính quốc gia, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, trong đó có cân đối thu chi, phấn đấu bội thu, giảm bội chi, giảm nợ công, nợ Chính phủ; tăng chi cho đầu tư phát triển, xây dựng cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội; cơ cấu lại chi tiêu phù hợp, tập trung cho các ưu tiên, các đột phá chiến lược, các động lực tăng trưởng; kiểm soát, ổn định giá cả, thị trường, nhất là những mặt hàng thiết yếu để bảo đảm an sinh xã hội, ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân; góp phần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, tạo công ăn việc làm, nuôi dưỡng nguồn thu bền vững.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính căn cứ các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023, bám sát tình hình thực tiễn, xây dựng chương trình hành động, thực hiện chính sách tài khoá phù hợp, hiệu quả, tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành và dự kiến ban hành.
Tập trung xây dựng, rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính – ngân sách Nhà nước; tiếp tục nghiên cứu các giải pháp chính sách thuế, phí, lệ phí phù hợp với tình hình thực tế để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tiết giảm chi phí cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển KTXH.
Tập trung làm tốt công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế. Quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử; quyết liệt xử lý, đôn đốc thu hồi nợ thuế, giảm tỉ lệ nợ đọng thuế; phấn đấu tăng thu ngân sách Nhà nước.
Tổ chức điều hành chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; kiên quyết cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết, tiết kiệm chi thường xuyên. Bảo đảm nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng, ưu tiên Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, khắc phục hậu quả thiên tai dịch bệnh và các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí để phân bổ phân sách phù hợp, chống "xin – cho", "chạy chọt", tiêu cực, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc; các địa phương chỉ nên đề xuất cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từ đó giúp ngân sách tăng thu, "cái bánh" ngân sách to hơn, phần phân bổ cho mỗi địa phương đều nhiều hơn, thay vì "xin" phần to hơn từ "cái bánh" ngân sách; thực hiện đúng tinh thần "ngân sách Trung ương chủ đạo, ngân sách địa phương chủ động".
Hồng Thanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão