Ngày làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 7 HĐND TP: Phải đảm bảo khả thi và rõ giải pháp

02:20 06/12/2013

Tiếp tục ngày làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố khóa XIV (ngày 4-12), HĐND thành phố đã dành nhiều thời gian thảo luận về nhiệm vụ kinh tế- xã hội và các đề án của UBND thành phố trình tại kỳ họp.

Đại biểu HĐND thành phố thảo luận, đóng góp ý kiến
Đại biểu HĐND thành phố thảo luận, đóng góp ý kiến

Đóng góp ý kiến vào 3 nội dung quan trọng trình tại kỳ họp (gồm: nhiệm vụ, giải pháp thực hiện điều chỉnh cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững và hội nhập của nền kinh tế thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; chương trình phát triển nhà ở xã hội đến năm 2015, định hướng đến năm 2025; quyết định nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nguồn nước ngọt tại các sông Đa Độ, Giá, Rế, Chanh Dương, kênh Hòn Ngọc và hệ thống trung thủy nông huyện Tiên Lãng đến năm 2016, định hướng đến năm 2020), hầu hết đại biểu cho rằng các đề án là cấp thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố, song để đảm bảo tính khả thi cần chỉ rõ nguồn lực thực hiện và có các giải pháp cụ thể.
Đại biểu Phạm Văn Mợi, Bí thư Huyện ủy An Lão, cho rằng việc nâng cao ý thức trách nhiệm về khai thác, bảo vệ nguồn nước ngọt cần nhấn mạnh vai trò của cấp ủy, chính quyền, địa phương trong việc phối kết hợp chặt chẽ với các ngành chức năng. Ngoài ra, để bảo vệ nguồn nước có hiệu quả phải gắn với quy hoạch từng vùng, địa bàn, quy hoạch nông thôn mới, rà soát đánh giá các điểm sản xuất kinh doanh, các khu cụm công nghiệp, làng nghề, bệnh viện… để xử lý các điểm bất hợp lý.
Đại biểu Phạm Xuân Lương, Chủ tịch Hội nông dân, cho rằng các chỉ tiêu của đề án đến năm 2015 nên đặt “vừa phải” để đảm bảo thực hiện được. Ngoài ra, theo ông Lương, phần nhiệm vụ giải pháp của đề án cũng cần thể hiện rõ nguồn lực, trách nhiệm các ngành, các cấp và có chế tài xử lý nghiêm các đối tượng xả thải gây ô nhiễm nguồn nước.
Liên quan đến thực hiện điều chỉnh cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh thành phố, đại biểu Bùi Trọng Tuấn, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho rằng cần gắn tái cơ cấu với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp và nông thôn Hải Phòng. Theo ông Tuấn, tái cơ cấu nông nghiệp cũng đặt ra cấp thiết và cần tập trung vào các vấn đề: xác định sản phẩm chủ lực, tích tụ ruộng đất, đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao…
Riêng đối với đề án chương trình phát triển nhà ở xã hội đến năm 2015, định hướng đến năm 2025, đại biểu Đỗ Trọng Đạt, Giám đốc Sở Xây dựng, kiến nghị thành phố có những cơ chế ưu tiên hơn nữa, có biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng như hỗ trợ chi phí làm hạ tầng đấu nối đến hàng rào dự án, hỗ trợ công tác GPMB, mở rộng đối tượng mua nhà ở thu nhập thấp….
Tuy nhiên, một số đại biểu tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của đề án khi chưa rõ nguồn lực đầu tư thực hiện. Dẫn chứng về điều này, đại biểu Mai Xuân Phương, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải, cho rằng từ nay đến năm 2015 cần số vốn hơn 6.000 tỷ đồng để thực hiện như trong đề án là điều rất khó khăn. Trong khi đó, đại biểu Vũ Thị Bích Thủy đánh giá, kết quả thực hiện phát triển nhà ở xã hội từ tháng 4-2011 đến nay rất chậm. Theo bà Thủy, thành phố cần nghiên cứu kỹ hơn, tránh đầu tư xây dựng dàn trải. Ngoài ra, để thực hiện các dự án cần tìm nhà đầu tư có năng lực tài chính, đồng thời rà soát, chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội...
Theo chương trình làm việc, hôm nay (ngày 5-12), kỳ họp tiếp tục với các nội dung thảo luận của đại biểu, của UBND thành phố báo cáo giải trình những vấn đề bức xúc qua tiếp xúc cử tri và chất vấn, trả lời chất vấn.

ĐH


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông