Người lao động được hưởng nhiều quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện

16:02 09/05/2022

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là chính sách bảo hiểm mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc nhóm người tham gia BHXH bắt buộc thì đều được tham gia BHXH tự nguyện.
Cán bộ BHXH thành phố Hải Phòng gặp gỡ, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện

Với mức tham gia chỉ vài trăm ngàn đồng mỗi tháng, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng nhiều quyền lợi như: nhận lương hưu hằng tháng gấp nhiều lần so với mức đóng, được cấp thẻ BHYT miễn phí…

Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng lương hưu hằng tháng khi đóng BHXH đủ 20 năm trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định (nam đủ 60 tuổi sáu tháng; nữ đủ 55 tuổi tám tháng). Trường hợp đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu (tối đa 10 năm) để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng BHXH: Lao động nam là 20 năm; lao động nữ là 15 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, NLĐ cả nam và nữ được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%, (lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ BHXH).

Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện

Mức hưởng BHXH được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; hai tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm, mức hưởng bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng hai tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (mức hưởng BHXH một lần của người tham gia BHXH tự nguyện không bao gồm số tiền Nhà nước đã hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, trừ trường hợp là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định của Bộ Y tế).

BHXH thành phố Hải Phòng ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH

Người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt quá trình hưởng lương hưu, với mức quyền lợi hưởng chi phí khám bệnh, chữa bệnh là 95% (trong khi mức hưởng của người tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình là 80%). Theo khoản 2 Điều 87 Luật BHXH năm 2014, mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập tháng.

Trong đó, mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện tối thiểu bằng mức chuẩn hộ nghèo đối với khu vực nông thôn (mức chuẩn hộ nghèo hiện hành là 1,5 triệu đồng/người/tháng) và tối đa bằng 20 lần lương cơ sở (mức lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng). Như vậy, kể từ ngày 1-1-2022, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 330.000 đồng/tháng (22% x 1,5 triệu đồng); mức đóng BHXH tự nguyện tối đa là: 6.556.000 đồng/tháng (22% x 29.800.000 đồng).

Người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng bằng nhiều phương thức: Đóng định kỳ hằng tháng; ba tháng một lần; sáu tháng một lần; 12 tháng một lần; nhiều năm một lần (không quá năm năm/lần) và Đóng một lần cho những năm còn thiếu (không quá 10 năm) để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Để tham gia BHXH tự nguyện, người lao động tự do có thể thực hiện các thủ tục đăng ký tại cơ quan BHXH nơi mình cư trú (có thể ở nơi tạm trú hoặc thường trú) hoặc các đại lý thu BHXH, BHYT (UBND các xã, phường, thị trấn, bưu điện, hội đoàn thể…).

Về chế độ tử tuất, trợ cấp mai tang, trường hợp người tham gia có thời gian đóng BHXH từ đủ 60 tháng trở lên hoặc người đang hưởng lương hưu khi chết, người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở.

Thái Bình

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích