“Các cháu giúp bà với, bà kiệt sức mất rồi…”. Câu nói của người đàn bà ăn mày có 10 đứa con bị điên ấy cứ khiến tôi day dứt suốt quãng đường về...
| Những giọt nước mắt của người mẹ tội nghiệp vẫn đang rơi xuống |
Căn nhà rách nát tuềnh toàng, đồ đạc đơn sơ mấy cái nồi cùng vài bộ quần áo cũ nằm trong ngách 9/239 Đà Nẵng (Ngô Quyền) là nơi cư trú của mẹ con bà Nguyễn Thị Nở. Chúng tôi vào thăm bà đúng lúc trời đổ mưa rào, những trận nước thay nhau tạt qua kẽ cánh cửa đã bị mục nát từ lâu. Mỗi lần mưa như thế này là mẹ con bà lại ngồi ôm nhau thu lu ở một góc tường, mong sao trời nhanh tạnh để đồ đạc trong nhà không bị ướt hết. Lần này cũng như bao lần mưa trước, chỉ khác là bà Nở vừa ngồi ôm cô con gái út điên khùng vừa kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời bà.
Bà Nở quê ở xã Cộng Hiền (Vĩnh Bảo), vì nhà nghèo nên bà phải đi làm thuê làm mướn từ nhỏ. Đến lúc trưởng thành, bà vào làm công nhân bốc vác trong nhà máy xi măng Hải Phòng. Rồi bà gặp ông Phạm Văn Phong quê ở Hà Nội, cũng là công nhân trong nhà may xi măng, hai người nên vợ nên chồng trong cái hoàn cảnh nghèo khó ấy. Những đứa con xinh xắn lần lượt ra đời trong niềm hân hoan của đôi vợ chồng nghèo nhưng thật oan trái thay, cứ đến 15-16 tuổi là chúng phát bệnh tâm thần, chạy chữa khắp nơi nhưng chẳng ăn thua gì.
Giọng bà như lạc đi : “Chồng bà mất cách đây 5 năm rồi, lúc còn sống ông ấy sửa xe đạp dạo ở vườn hoa, bà thì dậy từ 3h đêm đi lấy rau ở chợ Lũng rồi vào các chợ trong thành phố bán. Hôm nào đắt hàng thì lãi được 10-20 nghìn, những hôm ế thì cả nhà phải ăn rau thay cơm. Hai vợ chồng rau cháo nuôi lũ con tâm thần rồi đùng cái ông ấy bị liệt, sống thực vật một năm. Ngày ông mất, bà cũng muốn chết quách cho xong, nhưng nghĩ đến mấy đứa con, lòng bà như thắt lại, chúng chẳng có tội tình gì…”.
Từ ngày người chồng xấu số qua đời, gánh nặng trên vai bà Nở như nặng thêm. Gánh rau oằn trên lưng người đàn bà già nua trước tuổi vì vất vả khổ cực, đôi mắt mờ đục, thất thần cùng bộ quần áo nhàu nhĩ, sờn bạc. Căn bệnh co thắt đại tràng hành hạ mỗi ngày khiến cho thân hình gầy gò của bà lại càng tiều tụy hơn. Không còn sức để làm việc nặng nhọc, bà phải lang thang hết đầu đường xó chợ để ăn xin, quãng đường đi thì nhiều nhưng tiền xin chẳng được bao nhiêu. Có ngày bà còn bị kẻ xấu lấy hết tiền nhưng tình mẫu tử thâm sâu, thương mấy đứa con, bà lại lê bước đi tiếp.
Lục tìm mãi trong chiếc hòm gỗ đã xỉn màu, bà Nở lôi ra 1 tờ giấy rồi bảo: “Thư của 3 đứa con bà trong trại nuôi dưỡng tâm thần gửi về, bà không biết chữ nên cũng chẳng biết chúng viết gì”. Những dòng chữ nguệch ngoạc, từ đâu đến cuối chỉ một vài câu: "Mẹ đừng vào thăm chúng con nữa, ở nhà chăm sóc em Bích, chúng con thương mẹ nhiều...". Thư không dài nhưng bà Nở chăm chú lắng nghe rồi bảo chúng tôi đọc đi đọc lại đến mấy lần. Bức thư kết thúc cũng là lúc người mẹ tội nghiệp ấy òa khóc, bà nói trong nước mắt: “Sinh được mười đứa con thì 10 đứa không bình thường, 3 đứa con gái đầu bị lừa bán sang Trung Quốc, mười mấy năm nay không có tin tức gì.
ồi đầu năm, người hàng xóm có con lấy chồng bên Trung Quốc gần chỗ đứa con cả của bà bảo giờ nó điên nặng, bị chồng nhốt trong cũi. Ba đứa sau đang trong trại tâm thần bên Vĩnh Bảo, 1 đứa trên Bắc Giang, 1 đứa đã chêt, 1 đứa đi lang thang trong miền Nam còn con út bị bệnh gan nằm đây. Khổ thân nó quá, bác sĩ bảo nó bị bệnh gan nặng lắm rồi, không chữa được, chỉ chờ ngày…”. Nói đến đây bà Nở òa khóc to hơn, nước mắt thấm ướt cả cái vạt áo đã sờn cũ. Tôi quay đi giấu tiếng thở dài.
Trên bàn thờ chỉ có một tấm ảnh của cậu con trai mới mất trong trại tâm thần, bát hương lạnh lẽo lưa thưa ít tàn vì bà cũng chẳng có tiền mà mua hương. Chồng bà mất, một tấm ảnh cũng không có, ngày giỗ chỉ bát cơm với quả trứng. Ngôi nhà rêu cáu bám đầy được người thầy giáo tốt bụng trong phường đến sửa sang, lát nền đá hoa cho sạch sẽ nhưng cũng chỉ được vài hôm thì anh Hậu lên cơn, phóng hỏa đốt trụi.
Chính quyến phường Cầu Tre khi biết hoàn cảnh của bà đã làm thủ tục trợ cấp hàng tháng cho 3 mẹ con nhưng số tiền 480.000 đồng không đủ để mua thuốc điều trị cho cô con gái Phạm Thị Bích và cậu con trai Phạm Văn Hậu mỗi khi lên cơn. Hàng xóm láng giềng ai cũng thương hoàn cảnh của bà, thỉnh thoảng lại có người sang cho bà vài chục, một trăm, nhưng “kiến giả nhất phận”, bà vẫn phải ngày ngày đi xin ăn. Ngày mai, người mẹ khốn khổ ấy sẽ lại dốc những đồng tiền ăn xin giành dụm được để mua đồ sang Vĩnh Bảo thăm 3 đứa con vì theo lời bà: “Dù điên dù dại chúng cũng là con mình”.
Cuộc đời cơ cực của bà Nở và những đứa con điên rất cần sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương và những vòng tay nhân ái.
KIÊN DƯƠNG |