Tại phiên họp toàn thể Hạ việnNhật Bản lúc 13h00 chiều qua (giờ địa phương), Chủ tịch Hạ viện Yohei Kono đãđọc sắc lệnh do Nhật hoàng ký, tuyên bố giải tán cơ quan này.
| Ông Aso tiếp tục chạy đua trên con đường chính trị |
Sáng qua 21-7, ông Aso đã chính thức đề nghị giải tán Hạ viện tại phiên họp nội các, và tất cả thành viên nội các đã ký vào văn kiện giải tán Hạ viện, bao gồm cả Bộ trưởng Tài chính Kaoru Yosano và Bộ trưởng Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thuỷ sản Shigeru Ishiba - hai người từng tỏ ra thất vọng về quyết định giải tán Hạ viện của ông Aso trong tuần trước.
Sau khi giải tán Hạ viện, ông Aso sẽ triệu tập một phiên họp nội các bất thường để chính thức quyết định kế hoạch bầu cử Hạ viện, chiến dịch tranh cử sẽ bắt đầu vào ngày 18-8 và cuộc tổng tuyển cử sẽ được tiến hành vào ngày 30-8. Hạ viện Nhật Bản có 480 thành viên, trong đó 300 thành viên được bầu bằng bỏ phiếu với đa số bầu tại các huyện thành viên riêng lẻ, 180 thành viên còn lại được bầu bằng chế độ bầu cử theo tỷ lệ từ danh sách ứng cử viên do các đảng phái chính trị lựa chọn. Nhiệm kỳ của các đại biểu là 4 năm.
Đây sẽ là cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản đầu tiên kể từ tháng 9-2005, khi thủ tướng lúc bấy giờ Jinichiro Koizumi đã giúp Đảng Dân chủ Tự do giành được 300 ghế tại Hạ viện gồm 480 ghế. Vấn đề chính trong cuộc bầu cử tới là liệu liên minh cầm quyền giữa Đảng Dân chủ Tự do và Đảng Komeito mới của ông Aso có thể sẽ duy trì được quyền lực hay không, hay sẽ được thay thế bằng một chính phủ mới do Đảng Dân chủ Nhật Bản đối lập đứng đầu.
Thủ tướng Aso vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại hạ viện vào tuần trước. Song tại thượng viện, nơi nghị sĩ của đảng Dân chủ chiếm đa số, kịch bản tương tự không xảy ra. Ngay cả một số thành viên trong LDP cũng muốn ông từ chức trước khi hạ viện giải tán, bởi họ tin rằng ông sẽ đưa đảng tới thất bại lịch sử. Quyết định giải tán Hạ viện được Thủ tướng Aso đưa ra trong bối cảnh nội bộ đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đang bị chia rẽ nghiêm trọng.
Toàn thể Hạ viện Nhật khi bị giải tán Theo nhận định của một số vị lãnh đạo trong Đảng Dân chủ Tự do cho rằng kể từ khi nhậm chức từ tháng 9-2008, ông Aso đã có những phát ngôn gây dư luận không tốt trong dân chúng. Đồng thời chính sách của ông đưa ra cũng chưa hợp lòng dân. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm giảm chỉ số tín nhiệm chính quyền của ông Aso trước thềm tổng tuyển cử.
Bên cạnh đó, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ ủng hộ LDP thấp hơn nhiều so với Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đối lập. Theo kết quả thăm dò dư luận cuối tuần qua do báo Manichi tiến hành, có tới 56% số người được hỏi ủng hộ DPJ lên nắm quyền, trong khi chỉ có 23% ủng hộ LDP. Theo các nhà phân tích, LDP, đảng gần như cầm quyền liên tục kể từ khi thành lập năm 1955, có thể bị thất bại nặng nề trước đảng DPJ đối lập trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới, chủ yếu do người dân không hài lòng với các chính sách của Thủ tướng Aso và sự chia rẽ gay gắt trong nội bộ đảng.
Theo các cuộc thăm dò dư luận do hai báo Asahi và Mainichi công bố ngày 20-7, Đảng Dân chủ đối lập Nhật Bản giành ưu thế hơn hẳn so với đảng cầm quyền LDP. Nếu ngày 30-8, đảng Dân chủ đối lập giành chiến thắng thì Thủ tướng mới của nước này sẽ là ông Yukio Hatoyama. Ông Hatoyama chủ trương giảm bớt mức độ thân cận với Mỹ, gia tăng vai trò của Nhật Bản trong các sứ mệnh gìn giữ hòa bình, giảm bớt vai trò của chính phủ trong việc điều hành nền kinh tế. Được biết, từ ngày 18 đến 20-7, ông Yukio-Hatoyama đã tới các tỉnh Kagawa, Tokưsima, Okinawa và Kanagawa để tiến hành vận động tranh cử sớm tại các địa phương này.
Như vậy, chính trường Nhật Bản sau 4 năm lại bước vào giai đoạn đua tranh quyền lực mới. Liệu liên minh cầm quyền hai đảng Dân chủ tự do và đảng Công minh có tồn tại được hay không? Bức màn chính trị của đất nước mặt trời mọc sẽ hé mở sau 40 ngày nữa.
VIỆT ANH (tổng hợp) |