Ngày 9-2, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ Patrick Leahy tiết lộ,sẽ có một cuộc điều tra toàn diện đối với chính quyền Bush.
| |
Quan chức cấp cao này khẳng định: "Đây không phải là việc làm bẽ mặt hay trừng phạt mọi người. Điều chúng ta cần là tìm ra sự thật để không phải lặp lại những lỗi lầm tương tự".
Theo ông Patrick Leahy, các nhà điều tra nên bắt đầu tìm hiểu mọi việc từ năm 2000 - năm ông Bush bắt đầu nắm quyền ở Nhà Trắng. Ông nói: "Nhiều người Mỹ cho rằng, chúng tôi cần phải tìm ra tận gốc những việc làm sai trái của chính quyền này. Tôi đồng ý như vậy. Chúng ta cần phải đọc trang trước của một quyển sách trước khi lật sang một trang mới". Vị Thượng nghị sĩ này cũng nhấn mạnh, Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder chưa bao giờ khẳng định sẽ không truy tố các nhân viên chính quyền Bush có liên quan tới những việc làm bất hợp pháp như tra tấn hay nghe trộm điện thoại khi không có lệnh.
Cũng theo ông Patrick Leahy, Thượng viện Mỹ nên "ủy quyền cho một nhóm người được xem là công bằng, tận tụy và không chùn bước trước khó khăn, để điều tra những hành động của chính quyền Bush". Thượng nghị sĩ Leahy cho biết, nếu cần thiết ủy ban này có thể ban lệnh gọi những người liên quan ra hầu tòa và sau đó sẽ điều tra mọi thứ đã khiến đất nước sa lầy vào cuộc chiến tranh ở Iraq, từ hành động tra tấn đến việc nghe lén thông tin.
Như vậy, đây không phải là lần đầu tiên một quan chức cấp của của Mỹ muốn điều tra chính quyền Bush. Ngày 18 tháng trước, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng bày tỏ quan điểm muốn mở một cuộc điều tra xem liệu chính quyền của Tổng thống Bush có vi phạm luật pháp hay không khi sa thải một nhóm công tố viên liên bang. Bà Pelosi đưa ra tuyên bố này sau khi các Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ đề nghị mở một cuộc điều tra hình sự để xem liệu các quan chức của chính quyền cũ có vi phạm luật pháp dưới danh nghĩa vì an ninh quốc gia hay không.
Đề nghị này được đưa ra ngày 13-1 bởi các thành viên đảng Dân chủ trong Ủy ban tư pháp Hạ viện Mỹ. Các Hạ nghị sĩ Dân chủ muốn chính quyền mới lật lại những vi phạm của chính quyền tiền nhiệm, cụ thể là điều tra hành động thẩm vấn những nghi can nước ngoài, nghe lén điện thoại, trấn áp những người chỉ trích, thao túng tin tức tình báo và sa thải các công tố viên. Cùng với lời kêu gọi điều tra hình sự, bản báo cáo còn kêu gọi thành lập một ủy ban kiểu như ủy ban 11-9 có nhiệm vụ thu thập bằng chứng và đưa ra những đề xuất để ngăn chặn việc sử dụng sai quyền lực.
Liệu ông Obama có ra lệnh điều tra?
Trước những đề nghị của các nghị sĩ, dư luận và giới truyền thông Mỹ đã đặt ra câu hỏi liệu chính quyền Obama có điều tra "những tội ác của chính quyền Bush, bao gồm cả tội tra tấn và nghe trộm điện thoại mà không có lý do xác đáng" không? Câu trả lời hiện thời là chưa. Cụ thể, ông Obama cho biết một cách lấp lửng: "Chúng tôi vẫn đang xem xét để quyết định xem nên giải quyết toàn bộ những vấn đề này như thế nào. Vì rõ ràng nếu làm như thế thì đồng nghĩa với việc chúng tôi đang đào bới lại quá khứ. Tôi tin rằng không ai có thể nằm ngoài luật pháp. Mặt khác, tôi cũng muốn hướng tới tương lai chứ không thích nhìn lại quá khứ...".
Khi được hỏi liệu ông có từ bỏ việc truy tố hay không? Vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ ám chỉ rằng, quyết định này sẽ thuộc về vị Bộ trưởng Tư pháp. Ông Obama nói: "Tôi cho rằng ông ấy là luật sư của tất cả mọi người. Eric Holder đã được bổ nhiệm để làm việc đó".
VIỆT ANH (tổng hợp) |