Chỉ vài lát bánh chưng, đôi miếng thịt muối, thêm bát hành chua, rồi những tiếng sóng gầm gừ như muốn nuốt chửng con tàu, đạn bom, những giây phút quyết tử… là những gì mà các chiến sỹ trải qua trong thời khắc thiêng liêng của năm mới.
| |
Họ đã cùng sinh tử trong những giây phút nguy nan nhất, cùng chia sẻ tâm tình của những người lính khi đón tết cổ truyền giữa trùng dương. Họ chính là những thủy thủ tàu Không số năm xưa. Và hôm nay, đón xuân trong cảnh đất nước thanh bình, sung túc, những ký ức gian khổ mà hào hùng của một thời oanh liệt lại hiện về nguyên vẹn.
1. Ông Trần Kim Chung, 71 tuổi (ở đường Trường Chinh, quận Kiến An), mấy hôm nay thấy bứt rứt, trong người cứ dậy lên một cảm giác bùi ngùi khó tả. Có lẽ cái bệnh thoái hóa cột sống lại làm tội ông những lúc thời tiết thay đổi. Mà không, ông đã quen với bệnh người già này rồi. Hóa ra, cứ mỗi độ tết đến, xuân về là ông Chung lại bồi hồi nhớ những người đồng đội trên con tàu Không số khi xưa. Đã mấy chục năm sau thời chiến, ông Chung được sum vầy vui tết, đón xuân bên đàn con cháu, còn nhiều đồng đội của ông thì không, họ mãi mãi nằm lại với biển, với miền Nam thân yêu trong tư thế hiên ngang, bất khuất…
Nhấp một ngụm trà nóng, rồi xoay xoay cái chén trong tay, người lính già Trần Kim Chung trầm ngâm hỏi tôi, năm nay là tết con rắn Quý Tỵ phải không cháu? À mà đúng rồi, năm đầu tiên mà ông ăn tết cùng anh em trên tàu Không số ở biển cũng là tết con rắn đó, Ất Tỵ thì phải. Khi đó ông là thủy thủ pháo số 3 của tàu, mang mật danh 143. Sau chuyến vào Nam vận chuyển 70 tấn vũ khí tới vùng Thạch Phong, Thạch Phú, Bến Tre, thành công ngoài mong đợi, tàu trở ra Bắc đúng vào những ngày giáp tết âm lịch. Anh em chiến sỹ tàu phấn khởi lắm, chiến công đầu tiên mà, kiểu này ăn tết vui phải biết. Tuy nhiên, vừa mới hưởng được một chút không khí tết thì ngày 29 tháng chạp năm đó, tàu lại được lệnh khẩn cấp chuyển 63 tấn vũ khí và hàng hóa, quà bánh vào cho chiến sỹ miền Nam ăn tết. Nhiệm vụ này quả là cao cả và thiêng liêng nên đêm 30, rạng mồng một tết Ất Tỵ (nhằm ngày 1-2-1965), anh em nhanh chóng cho tàu rời bến cảng Bính Động, hướng vào bến Lộ Riệu (Bình Định)…
Thuyền trưởng Lê Văn Thêm và chính trị viên Phan Văn Bảng động viên anh em chiến sỹ tàu vừa di chuyển vừa đón tết trên biển. “Thật là không thể quên cái tết đó cháu ạ. Trời rét căm căm, gió mùa Đông Bắc thốc từng cơn khiến anh em ai cũng xuýt xoa. Có người cứ chăm chăm nhìn vào đất liền, vểnh tai nghe tiếng pháo nổ đì đùng. Năm mới đã sang, giữa trùng khơi, con người dường như quá nhỏ bé, song lại ấm lên bởi tình đồng đội và lòng yêu nước lớn lao khiến cho ai nấy cảm thấy vững dạ hơn. Thuyền trưởng Thêm còn đích thân bóc bánh chưng mời mọi người cùng ăn. Ôi chao, cũng bánh chưng, cũng thịt mỡ, dưa hành như bao cái tết khác nhưng sao hôm đó thiêng liêng, ấm cúng đến vậy. Tất cả anh em trên tàu 143 đều hạ quyết tâm sớm đưa tàu về tới đích, đón xuân cùng quân giải phóng và nhân dân miền Nam” - ông Chung thổn thức…
2. Đêm 30, rồi ngày mồng 1 tết trôi đi êm đềm nhưng tâm trạng của những người lính thì rộn ràng biết bao cảm xúc, bao nỗi niềm trào dâng. Giữa trùng dương, tàu 143 lúc ẩn, lúc hiện mang theo bao tấm lòng hướng về miền Nam ruột thịt. Nhưng rồi, do tàu chiến của địch hoạt động quá nhiều, được lệnh của trên, tàu 143 đành phải rẽ vào khu vực gần đảo Hải Nam (Trung Quốc) chờ đợi. Bấy giờ thì anh em thủy thủ lại có thêm “điều kiện” để “thưởng tết” ở hải phận quốc tế.
Tuy nhiên, thay vì những câu chuyện về những mùa tết trước, anh em trên tàu lại rôm rả nói về những cái tết sum vầy trong tương lai, ai cũng tin chắc rằng chiến thắng giặc Mỹ và tay sai sẽ không còn xa, khi đó tết sẽ vui hơn nhiều… “Động lực lớn nhất của tôi và anh em trong những ngày tết khi phải lênh đênh trên biển chính là muốn gia đình, người thân và toàn thể đồng bào mình sớm được ăn một cái tết an bình khi sạch bóng quân xâm lược. Niềm tin lúc đó mãnh liệt lắm!” - ông Chung chia sẻ…
Phải đến mồng 10 tết Ất Tỵ thì tàu 143 mới có thể rời đảo Hải Nam để tiếp tục lên đường. Lần này, tình hình trên biển có nhiều khác lạ. Ban ngày, cứ 4, 5 tiếng lại có một máy bay địch bay dọc theo thân tàu, có lúc hạ xuống rất thấp. Đêm có tàu thủy đi kèm, chiếc phía trước, chiếc phía sau. Tàu 143 đi trên vùng biển quốc tế, lại được ngụy trang khéo léo, giống như một tàu khai thác hải sản nên địch vẫn chưa phát hiện ra. Anh em trên tàu vừa cho tàu di chuyển, vừa giăng lưới đánh cá, câu mực để đánh lạc hướng địch nhưng cũng không quên chuẩn bị các phương án sẵn sàng chiến đấu. Lênh đênh trên biển trong những ngày tết, các thủy thủ đã gói lại tình riêng để vì nhiệm vụ chung và trên hết là bảo vệ con tàu và con đường…
Tàu 143 đang đi thì bất ngờ nhận được điện của sở chỉ huy: không cho tàu vào bến như dự kiến mà vào Vũng Rô, Phú Yên. Thế là 23h rằm tháng giêng, tàu cập bến Vũng Rô bốc dỡ hàng. Đây là giờ phút hạnh phúc nhất của anh em thủy thủ tàu. Dù rằng quà tết đến với những người đồng chí, đồng đội đang chiến đấu trên chiến trường hơi muộn, song quà của hậu phương như tiếp thêm sức mạnh và là niềm cổ vũ các chiến sỹ nơi chiến trường vững chắc tay súng chiến đấu ngoan cường trước kẻ thù...
Bến tàu không số ở Đồ Sơn 3. Một cơn gió lạnh thổi vào, ông Chung co rúm người lại. Tuổi già khiến khuôn mặt của ông có nhiều nếp nhăn chằng chịt nhưng đôi mắt của ông thì vẫn rất sáng. Và đôi mắt ấy đã ngấn lệ khi ông kể lại giây phút sinh tử mà tàu 143 trải qua. Đó là rạng sáng ngày 16 tháng giêng, giao hàng xong định quay ra thì tàu lại bị hỏng tời neo, khắc phục xong thì trời sáng hẳn nên đành ở lại bến. Thủy thủ và du kích cho ngụy trang tàu. Vũng Rô ba bề vách núi dựng đứng, trên những vách núi đó, nhiều cây mọc xòe sát mép nước.
Nước ở đây khá sâu nên tàu 143 dễ dàng ép sát vào chân núi. Nhiều cành cây được chặt xuống phủ lên phía trên tàu. Tàu 143 chẳng khác nào một khối đá nhỏ, nhô ra biển. Lúc này anh em tranh thủ lên bờ tắm giặt, nghỉ ngơi, trên tàu chỉ còn thuyền trưởng Lê Văn Thêm, thuyền phó hỏa lực Hồ Sinh, pháo 3 Trần Kim Chung và 2 chiến sỹ nữa…
Khoảng 12h trưa ngày hôm đó, thấy máy bay trinh sát quần liên tục trên đầu, thuyền trưởng Thêm bảo tàu bị lộ rồi, toàn thể anh em vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Đến 13h, máy bay trinh sát địch ném pháo mù, rồi sau là một loạt bom xăng, khiến lá ngụy trang trên tàu 143 bốc cháy. Tàu 143 hoàn toàn bị lộ.Địch tăng cường nã đạn pháo vào con tàu.
Trong tình thế như vậy, thuyền trưởng Thiêm chỉ huy anh em hết sức bình tĩnh chiến đấu với địch, kể cả hi sinh cũng sẵn lòng. Lúc đó, trong khoang tàu đã cài sẵn 500kg bộc phá đủ sức để nổ tung chiếc tàu. Vì sự chênh lệch lực lượng quá lớn, nếu không rút lui dễ sa vào tay giặc nên thuyền trưởng Thêm yêu cầu anh em phải thoát khỏi tàu. Trần Kim Chung lúc đó chỉ còn kịp ôm lấy lá cờ tổ quốc, cùng với thuyền trưởng Thêm nhảy xuống biển bơi được vào bờ, trú ẩn trong một căn hầm, rồi sau tiếp tục cùng anh em trên bờ chiến đấu với địch.
16h ngày hôm đó, đồng chí Nguyễn Long An và một thủy thủ nữa được lệnh tiếp cận tàu 143 đánh bộc phá hủy tàu, xóa mọi dấu vết. Vượt qua bom đạn, các chiến sỹ bơi ra bám vào thành tàu leo lên. Nhưng lúc này bom địch thả xuống đã khiến con tàu nghiêng hẳn về một bên, do vậy dù lặn xuống nhiều lần, cố gắng hết mức vẫn không vào được khoang máy nên đành phải bơi vào bờ.
Trong khi đó, địch điên cuồng bắn phá, lùng sục cả trên biển lẫn trên cạn với ý định bắt sống cả người và tàu của ta. Lực lượng đôi bên hết sức chênh lệch. Phía ta chỉ có một trung đội du kích Hiệp Hòa, 2 tiểu đội bộ đội địa phương và 18 thủy thủ tàu 143. Nhiều lần địch từ núi cao đánh xuống, song vấp phải sự chiến đấu kiên cường của ta nên bị đẩy lùi trở lại. Tối 17 tháng giêng, một tiểu đội công binh của quân khu được phái xuống giúp thủy thủ tàu 143 hủy tàu. Tuy nhiên bộc phá nổ rồi mà tàu không nổ, chỉ vỡ đôi chìm xuống nước.
Tiếp đó, ngày 18 và 19 tháng giêng, địch đổ bộ lên bờ, anh em du kích và thủy thủ tàu chia nhau từng nhóm nhỏ, chặn mọi lối vào bến, quyết không cho địch tiến vào. Trong những trận đánh ngoan cường đó, phía ta nhiều đồng chí hi sinh. Thuyền trưởng Thêm bị thương, máu chảy dầm dề vẫn cầm súng đánh trả quyết liệt. Còn ông Trần Kim Chung dù bị gãy xương đòn vai mà vẫn không hề hay biết, bởi lúc đó hai chữ “quyết tử” đang cháy trong ông nên vết đau thể xác chẳng hề hấn gì…
Chiến tranh đã đi xa, và cứ khi tết đến xuân về, ông Chung lại hạnh phúc với người vợ đảm đang Nguyễn Thị Hòa và đàn con cháu ở phường Quán Trữ, quận Kiến An. Với ông, dù đã gần 50 năm sau cái tết “định mệnh” của tàu 143 năm Ất Tỵ 1965 nhưng tình cảm với những người đồng chí và đồng bào miền Nam vẫn sắt son trước sau như một. Ông bảo, đời thủy thủ tàu không số, không một ai không từng ăn tết trên biển. Đó là những đêm bấm đốt tay ngồi tính ngày giờ trên đất liền, là mùng 1, mùng 2 hay đã sang mùng 3. Những buổi sáng, nhiều thủy thủ trẻ đứng trước boong tàu hướng về đất liền mong ngóng sớm có một bữa cơm đầm ấm đầy đủ gia đình…
Những cái tết như thế trên con đường huyền thoại không dấu vết được tiếp nối qua nhiều thế hệ, chỉ có niềm tin, có lòng quả cảm… Để hôm nay, qua bao năm đất nước trọn niềm vui thì những người lính tàu không số như ông Trần Kim Chung cảm thấy tự hào vì đã góp sức viết nên những chiến công làm nên con đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh trên biển…
ĐỨC TÙNG |