Người Hải Phòng có mặt ở Sài Gòn tự bao giờ? Dù là 10 năm, 100 năm hoặc lâu hơn nữa, thì họ vẫn vậy, cái bản tính “ăn sóng nói gió” của họ vẫn làm nên một phong cách riêng giữa thành phố mang tên Bác…
| |
Buổi sáng ngày 28-5, Hội trường Yasaka Bảo Trân nằm liền kề thương xá Tax tại số 135 đại lộ Nguyễn Huệ, vỡ òa dưới cái nắng rực rỡ của thành phố Hồ Chí Minh. Hơn 200 đại biểu đại diện cho 21 chi hội thuộc Hội đồng hương Hải Phòng hẹn nhau về gặp mặt. Địa điểm sang trọng bậc nhất tại khu vực trung tâm nhất của thành phố lớn nhất cả nước đã đủ nói lên sự cầu thị, nhưng dường như vẫn còn khiêm tốn so với tình cảm nồng nàn, của những người con đất Cảng từ hai miền Nam - Bắc mang đến. Lại thêm một ý nghĩa lớn lao nữa, rằng cách đây vừa đúng 100 năm, tại miền đất này Bác Hồ rời Tổ quốc bằng con tàu Amiral Latouche Tréville, vượt qua sóng gió trùng khơi của năm châu bốn bể, tìm đường giải cứu dân tộc khỏi ách lầm than nô lệ. Ý nghĩa ấy được ông Đỗ Ngọc Núi - Phó chủ tịch thường trực của hội nhắc đến đầy tự hào
Dù hình thành qua nhiều giai đoạn lịch sử với những thế hệ, hoàn cảnh khác nhau, nhưng nhiều năm qua đồng hương Hải Phòng tại TP Hồ Chí Minh đã gắn kết thành một cộng đồng thắm đượm tình nghĩa, cùng giúp đỡ nhau tạo dựng sự nghiệp ở miền quê mới. Hướng về cội nguồn, họ luôn tích cực tham gia vào các hoạt động kinh tế, xã hội của Hải Phòng. Nhiều doanh nhân đã trở về quê hương đầu tư phát triển, mà điển hình trong đó như Khu du lịch quốc tế Hòn Dáu của doanh nhân Hoàng Văn Thiềng, Khu đảo nhân tạo Hoa Phượng thuộc tập đoàn DASO của doanh nhân Đặng Ngọc Hòa… Riêng thời gian từ 2010 đến nay, Hội đồng hương đã đóng góp vào công tác xã hội từ thiện của Hải Phòng gần 1,92 tỷ đồng và tham gia nhiều chương trình khác của thành phố.
Vốn dĩ là một cuộc gặp thường niên, nhưng có lẽ chưa lần nào ngày hội của những người đồng hương xa quê lại rộn rã như lần này. Đoàn đại biểu đến từ Hải Phòng do ông Nguyễn Văn Thành - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy dẫn đầu. Cùng đi còn có Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Văn Thuận, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Đan Đức Hiệp, đại diện lãnh đạo các ban ngành, quận huyện và cơ quan báo chí của thành phố... Trong số những đại biểu tham dự còn có bà Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên TW Đảng, Phó bí thư thành ủy TP Hồ Chí Minh, ông Trần Quốc Huy - Ủy viên TW Đảng, Bí thư tỉnh ủy Đắc Nông… Trên ghế ngồi của các chi hội đồng hương, xuất hiện gương mặt của cụ bà Nguyễn Thụy Nga (tức Bảy Vân), phu nhân cố Tổng bí thư Lê Duẩn, nguyên Ủy viên Ban biên tập báo Hải Phòng. Rồi cả những người từng gắn bó với Hải Phòng như ông Trần Chí Đáo - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo, Phó giáo sư tiến sĩ Lê Bửu - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thể dục thể thao, NSND Trà Giang…
Trên sân khấu xuất hiện một người với dáng dấp vạm vỡ, màu da đen ánh, tóc dài để búi, khoác cây đàn ghi-ta thật nghệ… Hình hài “cháy” như lửa Tây Nguyên, ấy vậy mà khi ông cất lời ca, cả hội trường lặng đi, hóa ra ông là Toàn Nguyễn, một cựu thủy thủ người Hải Phòng. Bắt đầu chương trình hội ngộ bằng một bài hát của tác giả Đồng Dương Chiều cũng của Hải Phòng: “Nhớ mãi Hải Phòng ơi!”, phải nói bài hát có ca từ đằm thắm mượt mà, khi Toàn Nguyễn hát, nhiều người ở dưới chìm trong cảm xúc: “Hải Phòng ơi, giờ đây mấy chục năm rồi, tôi vẫn nhớ những đường phố thân quen… nhớ những mùa hoa phượng… Những tâm hồn giản dị sáng trong, giữa cuộc đời chìm nổi bão giông…”. Toàn Nguyễn là chủ một tiệm cà phê có tiếng ở Sài thành, anh có chất giọng truyền cảm đến độ sâu lắng, mỗi một lần luyến láy vai anh lại rung lên: “Mấy chục năm rồi hoa vẫn thắm trong tôi, mấy chục năm rồi em vẫn sống trong tôi…”. Cái tình cảm thật sự rưng rức trong lòng người xa quê là thế.
Tiếp là những bài hát nối nhau, dập dìu nỗi nhớ về cố hương, vẫn là ca từ quen thuộc “Những bến Bính, Xi Măng, Cầu Rào, Cầu Đất, Lạc Viên, những cái tên nghe chẳng thơ đâu…” nhưng nghe Mạnh Khang, Toàn Nguyễn… với hồn quê xa lắng sao mà chứa chan. Thăm thẳm chiều dài hơn 2.000 km của đất nước hình như đang co lại, người Vĩnh Bảo, Đồ Sơn rồi Kiến Thụy… lần lượt lên sân khấu, ai cũng muốn nhân dịp này “xả” hết lòng. Ở phía dưới, ngồi gần trên hàng ghế đầu, nghệ sỹ Trà Giang - “minh tinh màn bạc” một thời của điện ảnh Việt Nam lặng lẽ nghe với đôi mắt đượm buồn. Hình như bà đang nhớ lại thời thơ ấu ở Hải Phòng, nơi có thể nói là khởi nguồn sự nghiệp điện ảnh của bà, khi bà còn là học sinh Miền Nam tập kết ra Hải Phòng. Phó chủ tịch Hội kiêm M.C Đỗ Ngọc Núi nói khẽ: “Chị Trà Giang là thế, cứ nhắc đến Hải Phòng là khóc, nên hôm nay không dám mời chị lên…”.
Mỗi người một hoàn cảnh, một tâm trạng, nhưng dường như tất cả đều chung niềm đau đáu nhớ về cội nguồn. Ông Trịnh Anh Tuấn - người con của miền quê Núi Voi (An Lão) - giờ với cương vị Phó tổng giám đốc Tập đoàn hóa chất Việt Nam tâm sự: “Ra chiến trường từ năm 1972, thời loạn ly dành tinh thần cho chiến đấu, đến khi hòa bình ở lại miền Nam thì lo bươn chải kiếm sống, giờ không còn khó khăn về kinh tế thì lại bận bịu với công việc…”. Có lẽ vì thế nên suốt 39 năm xa quê, dường như không có khi nào hình ảnh những bờ tre, gốc lúa, mái nhà tranh không chập chờn trong ông, rưng rưng mỗi buổi đêm trầm mặc. Vẫn biết rằng triết lý cuộc đời là thế, không có cao thì sao biết thấp, không có cội thì sao có cây, không có nguồn thì sao có nước… nên tình người khi xa quê mới hiểu hết nghĩa thế nào là đằm thắm. Hội đồng hương Hải Phòng như nhịp cầu nối, để mỗi người đứng trên ấy nghỉ ngơi trút gánh nỗi niềm, mà thư giãn cho tâm hồn vốn thường ngày trôi nổi phù du.
Suốt cả cuộc gặp mặt tưng bừng, tôi và các đồng nghiệp bên đài PTTH và báo Hải Phòng chạy như thoi đưa giữa những tiếng gọi, ghi lại những cái bắt tay, những cái ôm chầm vồn vã. Vừa bấm máy “bắn liên thanh” vào một đám đông, chợt nhận ra một ánh mắt quen thuộc, rồi rạng ngời đến ngỡ ngàng. “Chú Tường…”, tôi vui mừng buông máy ùa tới, tôi quen ông Cao Thiệu Tường từ ngày ông còn là Phó giám đốc Cty da giầy Hải Phòng, ấy vậy mà đã mấy chục năm… “Ngoài ấy giờ thế nào?”, rồi người này giờ đang làm gì? người kia còn hay đã khuất? Khoảnh khắc bất ngờ cho câu chuyện của mấy mươi năm, những câu hỏi đưa ra dồn dập, hào hứng và bùi ngùi theo sóng hình “sin”.
Cuộc vui nào cũng đến lúc tàn, các ly rượu rót đầy rồi phải cạn, “Hội ngộ rồi chia ly, cuộc đời vẫn thế, dẫu là mặt trời nồng nàn khát khao, hay đêm mịt mù lấp lánh ngàn sao…” như lời nhạc phẩm “Điều giản dị” của nhạc sỹ Phú Quang. Nữa là đây, những con người bình thường, ai cũng vì một lẽ nào đó mới phải tha hương, kết niềm hân hoan lại lao vào dòng đời đầy sóng gió. Trong tột cùng niềm vui vẫn có những điều ngậm ngùi, bịn rịn kẻ ở lại trời Nam, người quay về đất Bắc, nén lòng cất lên giai điệu “nhịp cầu nối những bờ vui”…
Chào tạm biệt những đồng hương Hải Phòng, những bông hoa phượng du phong, mỗi hạ về lại rực rỡ sắc riêng, đỏ đến chói chang trên bến Nhà Rồng lịch sử.
LMT |