16:20 30/10/2023
Khí Carbon monoxide (CO) là một loại khí cực độc phát sinh trong sinh hoạt, sản xuất và đặc biệt là từ các vụ thảm họa cháy, nổ. Ngoài bỏng, chấn thương thì số nạn nhân bị ngạt, ngộ độc khí CO và một số khí độc khác chiếm một tỷ lệ khá lớn.
Điều đáng nói, do nhiều nguyên nhân, kiến thức chung của người dân, thậm chí là ở một bộ phận cán bộ y tế cơ sở về loại ngộ độc khí này còn khá hạn chế dẫn tới các kỹ năng về phòng, chưa được quan tâm, cập nhật đầy đủ.
Khí Carbon monoxid (CO) và tình trạng ngộ độc
Carbon monoxide (CO) là một là một chất khí không màu, không mùi và không gây kích ứng đường hô hấp. Vì vậy rất khó để nhận biết được sự có mặt của CO trong không khí vì không thể nhìn cũng như không thể ngửi thấy. Khí CO được hình thành do sự đốt cháy không hoàn toàn các chất liệu có chứa carbon như: Xăng, khí đốt tự nhiên, gỗ hoặc than củi, rơm, rạ… Như vậy khí thải xe ô tô, khói bếp lò, bếp gas, khí thải từ máy phát điện và hệ thống sưởi… đều có mặt khi CO trong đó. Thậm chí, khi dây dẫn điện ở trong tường nhà bị cháy, khí CO sẽ được hình thành và thấm qua tường cũng có thể khiến người trong phòng bị nhiễm độc.
Về cơ chế, nhiễm độc CO sẽ gây buồn nôn, đau đầu và có thể khiến nạn nhân bất tỉnh và tử vong, bởi khi vào phổi nó sẽ khuyếch tán vào máu rồi chiếm chỗ vận chuyển ô xy của hồng cầu (Hemoglobin) khiến hồng cầu không thể chuyển ô xy đến các tế bào và các mô của cơ thể, gây nên hiện tượng thiếu ô xy của toàn bộ cơ thể, đặc biệt là não, các mô thần kinh khác và tim. Một điểm cần lưu ý là tất cả mọi người đều bị ngộ độc nếu hít phải khí này.
Quá trình bị ngộ độc và triệu chứngCác nguồn ngộ độc CO phổ biến bao gồm:
1. Khói từ đám cháy.
2. Lò đốt khí gas, bình nóng lạnh đun bằng khí ga hoặc dầu hoạt động không tốt.
3. Lò sưởi dầu hỏa, lò nướng than, bếp cắm trại và máy phát điện chạy bằng xăng, dầu hoặc gas.
4. Ô tô hoặc các phương tiện khác được để lại trong nhà, nhà kho và gara đỗ xe.
5. Đốt rơm, rạ trong những vụ gặt ở gần khu dân cư cũng là nguồn tạo ra một lượng khí CO cao.
Các triệu chứng ngộ độc CO có thể giống như bệnh cúm nhưng không kèm theo sốt. Cụ thể:
1. Đau đầu
2. Lú lẫn hoặc chóng mặt
3. Cảm thấy rất mệt mỏi
4. Khó thở (do thiếu oxy)
5. Cảm thấy đau bụng (buồn nôn)
Nếu có những triệu chứng này, có thể nạn nhân đã ở gần khu vực có nồng độ khí CO cao, cần di chuyển đến nơi có không khí trong lành ngay lập tức và gọi xe cứu thương.
Đáng nói, nếu hít phải lượng CO rất cao, triệu chứng là:
1. Bất tỉnh hoặc mất ý thức
2. Các vấn đề về não - Chúng có thể bao gồm đau đầu, khó tập trung hoặc suy nghĩ, có thể bị suy trí nhớ, thay đổi tính cách và cử động bất thường. Những vấn đề này thường xảy ra trong vòng 15 - 20 ngày sau khi bị ngộ độc CO và có thể kéo dài một năm hoặc thậm chí lâu hơn.
3. Động kinh - Đây là những làn sóng hoạt động điện bất thường trong não có thể khiến bạn có thể co giật, mất trí nhớ tạm thời hoặc có hành vi kỳ lạ hoặc bất tỉnh.
4. Nặng hơn nữa có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời
Có thể xét nghiệm ngộ độc khí CO không? Cách điều trị?
Bác sĩ có thể biết liệu bệnh nhân có bị ngộ độc CO hay không bằng cách tìm hiểu về các triệu chứng và làm bài kiểm tra về chức năng thần kinh tâm lý. Người bệnh cũng cần xét nghiệm máu để kiểm tra lượng CO trong cơ thể tại các bệnh viện có trang bị máy đo khí máu.
1. Cấp cứu ban đầu: Trước tiên phải đưa bệnh nhân ra khỏi khu vực có nồng độ khí CO cao, đặc biệt là các nạn nhân của các vụ cháy đến chỗ thoáng khí và nếu có điều kiện phải cho thở oxy rồi chuyển ngay về các Trung tâm chống độc hoặt tốt nhất là các cơ sở y tế có năng lực trị liệu Oxy cao áp (OXCA). Các trường hợp nặng hơn phải cho bệnh nhân điều trị bằng Hồi sức cao áp (bạn đọc có thể tham khảo trên các website chính thức của Viện Y học biển Việt Nam và Trung tâm OXCA của Viện).
Người bị ngộ độc khí CO được điều bằng oxy. Oxy có thể được cung cấp theo nhiều cách khác nhau, bao gồm:
2. Mặt nạ đặt trên mũi và miệng
3. Máy thở
4. Buồng điều trị oxy cao áp - Đây là thiết bị chịu được áp lực cao có áp suất thiết kế # 4 Át mốt phe (ATA) và áp suất điều trị tối đa lên tới 3 ATA. Loại buồng cao áp này phải là buồng đa ngăn, đa chỗ mới có thể cho phép nhân viên y tế tiến hành điều trị, hồi sức cho bệnh nhân ngay trong buồng.
Cách nào ngăn ngừa ngộ độc khí CO?
Để giảm nguy cơ ngộ độc khí CO cần phải:
1. Đặt máy dò CO trong nhà bạn (nếu có điều kiện). Đây là một thiết bị giống như thiết bị báo khói. Loại máy dò này chạy bằng điện hoặc bằng pin nên nhất thiết phải có pin dự phòng.
2. Đảm bảo tất cả các thiết bị trong nhà bạn đều hoạt động bình thường. Chú ý phát hiện mùi lạ xuất phát từ đường dẫn điện hoặc động cơ máy…
3. Kiểm tra hệ thống sưởi ấm của bạn (bao gồm tất cả các ống khói và lỗ thông hơi) để đảm bảo nó hoạt động bình thường.
4. Tuyệt đối không sử dụng lò sưởi bằng than (than đá, than tổ ong, củi…) trong phòng đóng kín vào mùa đông - xuân
5. Không bao giờ để ô tô chạy máy trong gara, ngay cả khi cửa gara mở.
6. Không bao giờ chạy máy phát điện trong nhà hoặc gara của bạn. Ngoài ra, đừng bao giờ chạy máy phát điện ngay bên ngoài cửa sổ, cửa ra vào hoặc lỗ thông hơi dẫn vào nhà bạn.
7. Không bao giờ sử dụng bếp nướng than hoặc bếp nướng propan di động trong nhà.
KHUYẾN CÁO
Để cùng cộng đồng chia sẻ những mất mát của các nạn nhân và gia đình, Viện Y học biển sẵn sàng tiếp nhận điều trị và hỗ trợ chi phí điều trị cho các nạn nhân bị ngộ độc khí CO. Mọi chi tiết xin liên hệ với đường dây nóng (Khoa cấp cứu) của Viện Y học biển Việt Nam qua số điện thoại 0225 3 519 317.
GS.TS Nguyễn Trường Sơn
Chuyên gia đầu ngành về Y học biển và Y học cao áp (Viện Y học biển Việt Nam)
13:27 22/11/2024
15:26 16/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão