Những năm gần đây lại xuất hiện tình trạng xuất cảnh trái phép ra nướcngoài. Các xã ven biển huyện Kiến Thụy, Đồ Sơn được coi là địa điểm "lýtưởng" tập kết trốn đi nước ngoài. Tuy nhiên, hàng chục vụ tổ chức xuấtcảnh trái phép đã được ngăn chặn.
| Biên phòng cửa khẩu cảng Hải Phòng tuần tra bảo vệ an ninh cảng biển - Ảnh Sơn Hà |
Đó là nhận xét ban đầu về an ninh vùng biển Hải Phòng của đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng Ngô Thái Dũng. Theo đó ai cũng ngầm hiểu giữa thời bình lực lượng BĐBP nói chung và BĐBP Hải Phòng nói riêng cũng như lực lượng công an chưa hết cuộc chiến bảo vệ an ninh trật tự. Đại tá Ngô Thái Dũng dẫn dụ khi đấu tranh chuyên án 207T vào đầu năm 2007 để xóa phá một tổ chức chuyên đưa người sang Hồng Kông đã phải dầy công phối hợp vây bắt, vất vả, khó khăn khôn tả.
Tháng 3-2007, từ thông tin nắm bắt được của Đồn biên phòng 38 và 42, nhiều đối tượng xuất cảnh trái phép sang Hồng Kông đã bị cưỡng hồi hương vẫn ngấm ngầm tổ chức vượt biên. Chỉ trong thời gian ngắn xác minh thông tin trên, các đơn vị nghiệp vụ xác định được 21 đối tượng thuộc các xã ven biển Kiến Thụy và Đồ Sơn từng sang Hồng Kông ít nhất là một lần, nay tiếp tục vắng mặt tại địa phương.
Trong số đó đối tượng nổi lên là Đồng Đức Trường, sinh 1976 (thôn Quần Mục, xã Đại Hợp, Kiến Thụy). Trường từng 7 lần xuất cảnh trái phép sang Hồng Kông đều bị chính quyền sở tại cưỡng ép hồi hương về Việt Nam. Sở dĩ Trường thường xuyên trốn sang Hồng Kông vì còn có người bố đẻ vẫn đang lén lút làm ăn bên đó. Tổ chức người khác vượt biên trái phép như một mối làm ăn của Trường.
Trong thời gian này, qua công tác nghiệp vụ được biết thêm, Trường còn câu kết với Hoàng Đình Sao, sinh 1964 (phường Ngọc Xuyên, Đồ Sơn). Sao cũng là đối tượng trốn sang Hồng Kông từ năm 1991 và năm 1992 hồi hương về Việt Nam. Từ đó, Sao thường quan hệ với các đối tượng nghiện ma tuý và tổ chức, lôi kéo người khác để vượt biên kiếm tiền dẫn dắt. Căn cứ kết quả xác minh, điều tra, Ban chỉ huy BĐBP quyết định xác lập chuyên án và kế hoạch đấu tranh xoá phá.
Lúc 20h ngày 16-4-2007, Bùi Văn Tuân (một trong những đối tượng được Trường, Sao tổ chức cho đi vượt biên) đã mua xong ma tuý ở khu vực đường tàu Lê Chân đang đi xe buýt về Đồ Sơn tập kết. Chớp thời cơ, Ban chuyên án quyết định tiếp tục theo dõi Tuân và bắt quả tang việc tàng trữ ma tuý trong người để thu giữ thêm tài liệu, chứng cứ làm cơ sở bắt khẩn cấp Hoàng Đình Sao và Đồng Đức Trường.
Đấu tranh với Tuân, lực lượng nghiệp vụ không chỉ thu được tang vật phạm pháp (0,88g heroin), mà còn biết rõ kế hoạch ngày hôm sau sẽ được Trường, Sao tổ chức cho đi vượt biên với những người khác. 10h ngày 17-4, theo lệnh của Ban chuyên án, Đồn biên phòng 38 bắt khám xét khẩn cấp Hoàng Đình Sao và Đồng Đức Trường. Qua đấu tranh khai thác, cả 2 đối tượng cầm đầu đều thừa nhận hành vi tổ chức cho người vượt biên trái phép của mình.
Cụ thể, Hoàng Đình Sao đứng ra tổ chức gom những người muốn sang Hồng Kông, thu mỗi người 3 triệu đồng, Sao được hưởng 700.000 đ/người; Đồng Đức Trường là người trực tiếp đưa đi sẽ được hưởng 2.300.000đ/người. Đến thời điểm bị bắt, Sao và Trường đã thu tiền của 5 người đều ở khu vực Kiến Thụy và Đồ Sơn. Theo thẩm quyền điều tra, sau khi hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý Ban chuyên án 207T đã bàn giao toàn bộ hồ sơ vụ án cho cơ quan An ninh điều tra CATP tiếp tục làm rõ đưa ra xử lý trước pháp luật.
Đó chỉ là một trong nhiều chuyên án lực lượng BĐBP đã tổ chức đấu tranh xoá phá trong 2 năm qua. Cuộc chiến giữ vững an ninh vùng biển không hề kém phần cam go, quyết liệt. Chỉ huy trưởng, đại tá Ngô Thái Dũng còn cho biết thêm, chỉ tính riêng năm 2008 vừa qua, BĐBP thành phố đã tổ chức điều tra hình sự và xử lý vi phạm hành chính 505 vụ với 590 đối tượng vi phạm pháp luật.
Đặc biệt về hình sự đã khởi tố 28 vụ và 30 đối tượng về các hành vi buôn bán phụ nữ, vận chuyển ma tuý, buôn lậu bằng đường biển, trộm cắp tài sản của người nước ngoài. Với đặc thù quản lý, bảo vệ an ninh vùng biển, các lực lượng BĐBP trong lúc đấu tranh với bọn tội phạm trên biển không những gặp khó khăn mà còn phải chịu nhiều gian khổ. Chuyên án 468D đấu tranh với hoạt động tàng trữ vật liệu nổ trên biển Cát Bà (huyện Cát Hải) là một điển hình.
Bắt đầu từ đối tượng Đặng Thị Đức, sinh 1958 (khu 3 thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải) chuyên làm nghề buôn bán hải sản trên biển và có quan hệ với nhiều chủ tàu khai thác thuỷ sản. Từ năm 2006, Đức lại bổ sung vào nghề buôn bán mới là đầu mối cung cấp vật liệu nổ cho các tàu đánh bắt thuỷ sản trên biển. Nhưng Đặng Thị Đức mua vật liệu nổ của ai, nguồn đó ở đâu ra, chính là lý do Ban chỉ huy BĐBP thành phố lập chuyên án đấu tranh triệt phá.
Sau hơn 30 ngày xác minh điều tra và tổ chức lực lượng mật phục, ngày 11-5-2006 Đồn biên phòng 54 thu được 9kg thuốc nổ chứa trong một bao tải được cất giấu ở một khe đá khu vực vịnh Cát Bà. Qua trinh sát điều tra được biết, số vật liệu nổ trên của chính Đặng Thị Đức. Ngày hôm sau, qua nhiều thông tin khác, BĐBP biết hiện ở nhà Đức đang tàng trữ 13 túi (khoảng 25kg vật liệu nổ) và 70 kíp điện chuẩn bị cung cấp cho các đối tượng trên các tàu biển đánh bắt thuỷ sản.
Ngay sau đó, Ban chuyên án quyết định phá án. Và đúng 20h30' ngày 15-5-2006 các lực tượng đã được bố trí sẵn, mai phục tổ chức vây bắt quả tang tại nhà Đặng Thị Đức. Quả nhiên tang vật thu được ngay tại chỗ gồm 130 thỏi vật liệu nổ (27kg chứa trong 13 túi), 70 kíp điện đã được gần dây.
Với chứng cứ quả tang, Đặng Thị Đức đã thú nhận tất cả các hành vi phạm pháp của mình. Việc buôn bán, tàng trữ vật liệu nổ của Đức từng diễn ra trong thời gian dài. Điều tra vụ án, các đối tượng liên quan và nguồn cung cấp vật liệu nổ trái phép cũng được làm rõ. Cơ quan ANĐT - CATP đã làm rõ và đưa ra xử lý trước pháp luật.
Không thể kể hết những chiến công bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự vùng biển Hải Phòng của lực lượng BĐBP trong một bài viết ngắn ngủi, chỉ biết hàng trăm vụ án, hàng nghìn vụ vi phạm hành chính trên biển đã được phát hiện đấu tranh xử lý kịp thời góp phần không nhỏ giữ gìn một vùng biển yên bình. Điều chắc chắn là giữa thời bình cuộc chiến giữ gìn an ninh thành phố cảng của lực lượng BĐBP vẫn và sẽ không kém phần quyết liệt, gian khổ để đổi lấy bình yên.
VIỆT HÀ |