"Qua đây, tôi muốn nói với tất cả những ai đang nghiện ma tuý, thì hãy cố gắng bỏ đi, đừng để cuộc đời của mình lụi tàn trước khi quá muộn”.
| Công nhân Cty Đức Việt Anh say sưa làm việc |
Theo lời giới thiệu của ông Nguyễn Quang Toàn - Giám đốc Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội Gia Minh, chúng tôi tìm đến Cty TNHH Thương mại Đức Việt Anh, quận Dương Kinh để gặp những con người từng có một quá khứ lầm lỗi. Họ đã từng một thời gắn chặt với ma túy, "đốt" không biết bao nhiêu tiền của, làm đau lòng mẹ cha, hạnh phúc gia đình tan vỡ… Nhưng giờ đây, khi được sống và làm việc dưới mái nhà Cty Đức Việt Anh, họ đã quyết tâm từ bỏ "cái chết trắng" để sống có ích cho mình, gia đình và xã hội…
Biết chúng tôi là PV, Giám đốc Trần Văn Thắng hồ hởi dẫn khách đi tham quan một vòng khu sản xuất, nơi ăn ở của công nhân và giới thiệu: “Cty Đức Việt Anh thành lập năm 2004, chuyên sản xuất giấy vàng mã để xuất khẩu sang Đài Loan, sản xuất thiết bị ngành giấy và gạch lọc nước. Hiện tại cty có 150 công nhân, trong đó hơn 10% là người đã từng cai nghiện ma tuý tại Trung tâm Gia Minh. Việc tiếp nhận học viên từ Trung tâm Gia Minh vào làm việc được cty phối hợp thực hiện từ năm 2007, và đã có tất cả 104 người tìm đến. Nhưng vì nhiều lý do, hiện chỉ còn 16 học viên còn bám trụ”.
16 học viên - 16 mảnh đời đã từng lún sâu vào ma tuý, và nếu không quyết chí cai thì cuộc đời họ sẽ gắn liền với 2 chữ "tàn lụi". Tàn lụi về tài sản, sức khoẻ, tương lai và sự nghiệp, ấy là chưa kể nỗi đau đớn tận cùng mà họ gây ra cho cha mẹ, vợ con, cho những người thân, cho xã hội, thậm chí còn trở thành tội phạm. Với những hậu quả kinh khủng như vậy, không một người nghiện nào không vài ba lần quyết chí cai. Nhưng sự "quyến rũ ma quái" của ma tuý luôn luôn rình rập và kéo họ trở lại “con đường đau khổ”. Tuy nhiên với quyết tâm, khát vọng hoàn lương, nhiều người đã cai thành công để trở về với cuộc sống đời thường và cộng đồng.
Anh Nguyễn Thiết V., sinh 1965, ở Cát Dài, Lê Chân kể: “Trước đây, tôi có một cuộc sống gia đình hạnh phúc, có vợ giỏi giang và đứa con ngoan. Bản thân tôi cũng có một công việc ổn định và thu nhập khá. Tuy nhiên cuộc sống êm đềm đó đã bị chính tôi phá nát khi "bập" vào ma tuý từ năm 2001. 7 năm nghiện, ma tuý đã cướp đi của tôi tất cả: gia đình, sự nghiệp. Tôi đau khổ lắm, đã cố tự cai nhiều lần nhưng không thể.
Năm 2007, tôi vào Trung tâm Gia Minh để cai, một năm sau tôi đã dứt hẳn với ma tuý và được giới thiệu về làm công nhân tại Cty Đức Việt Anh. Ở đây tôi nhận được sự quan tâm, đùm bọc của lãnh đạo cty và anh chị em công nhân. Với mức thu nhập xấp xỉ 2 triệu đồng, điều kiện làm việc tốt và được ăn ở ngay tại cty, tôi cảm thấy rất hài lòng. Tôi quyết tâm làm việc thật nhiều để tăng thu nhập và cũng là để lo cho tương lai của đứa con trai năm nay đã 18 tuổi”…
Còn anh Hoàng H., sinh 1969, ở phường An Dương, Lê Chân, cũng có thâm niên làm bạn với ma tuý gần 10 năm. Vốn sinh ra trong một gia đình kinh tế khá giả, anh có một công việc ổn định và thu nhập khá. Chăm chỉ và có nghiệp vụ, anh được cơ quan cử đi học để về làm cán bộ. Và lẽ ra, tương lai của anh sẽ rất sán lạn nếu không bị bạn bè xấu rủ rê dính vào ma tuý. Và cái chất trắng đó đã bào mòn thân xác cũng như tiền bạc của anh và gia đình. Thậm chí người bố của anh đang làm giám đốc một cty xây dựng làm ăn phát đạt, biết đứa con trai trưởng nghiện ma tuý đã lâm bệnh nặng, còn vợ anh quá chán chường đã bỏ đi theo người khác.
Anh H. đã mất hết, khi phải ngồi tù vì tội tàng trữ trái phép chất ma tuý. Ra tù, nhìn những ánh mắt đau khổ oán trách của gia đình, sự kỳ thị của người xung quanh, anh đã quyết tâm làm lại cuộc đời. Đó là năm 2007, anh được vào cai nghiện tại Trung tâm Gia Minh, cho đến đầu năm 2008, anh vào làm công nhân bốc vác tại Cty Đức Việt Anh. Một cuộc sống mới có thể là chưa sung túc nhưng cũng đủ làm anh cảm thấy mình vẫn còn có ích.
Anh H. tâm sự: “Với sức vóc của mình, ở ngoài kia tôi có thể xin được việc làm với mức lương cao hơn, nhưng nỗi ám ảnh về thái độ thờ ơ, lãnh đạm của người thân, sự lôi kéo của bạn bè sẽ rất dễ trở lại con đường cũ. Còn ở đây, giám đốc Thắng và những người đồng nghiệp đối xử rất tốt, tôi nguyện sẽ nổ lực phấn đấu để không phụ lòng mọi người, và hơn hết là để từ bỏ vĩnh viễn ma tuý”…
Người hạnh phúc nhất mà chúng tôi gặp hôm đó có lẽ là anh Vũ Ngọc B., sinh 1976, ở đường Thiên Lôi, phường Vĩnh Niệm, Lê Chân. Vào làm việc tại cty từ tháng 4-2008 sau khi đã cai nghiện 1 năm tại Trung tâm Gia Minh. Anh B. thú thực: “Trước đây, hoàn cảnh gia đình tôi quá khó khăn. Không nghề nghiệp, lại sống trong một môi trường đầy cám dỗ, năm 22 tuổi, tôi theo bạn xấu lao vào ma tuý, của cải trong nhà lần lượt đội nón ra đi theo làn khói trắng. Rồi tôi cũng bị một tiền án 30 tháng tù vì tội tàng trữ trái phép chất ma tuý. Ra tù, tôi lại lấy ma tuý để "quên sầu".
Cho đến khi thân xác tiều tuỵ, sức khoẻ kiệt quệ, tưởng chừng như không còn gì để bấu víu, lúc đó tôi mới quyết định đi cai. Và giờ đây, tôi không những đã từ bỏ ma tuý mà còn có được một việc làm khá tốt. Rồi niềm hạnh phúc cũng đến với tôi, đầu năm 2009, tôi kết hôn với Trần Thị B., cũng là công nhân làm cùng cty và đã có một cháu gái. Hiện thu nhập của 2 vợ chồng được hơn 4 triệu, cuộc sống tuy còn nhiều vất vả nhưng với chúng tôi như vậy là tốt lắm rồi. Qua đây, tôi muốn nói với tất cả những ai đang nghiện ma tuý, thì hãy cố gắng bỏ đi, đừng để cuộc đời của mình lụi tàn trước khi quá muộn”.
Cai nghiện ma tuý và giải quyết vấn đề hậu cai vẫn đang là bài toán khó. Ở Hải Phòng, trong nhiều năm qua công tác thu gom người nghiện và cai nghiện ma tuý đã được qua tâm và thực hiện có hiệu quả. Song, tỷ lệ tái nghiện là khá cao. Nguyên nhân tỷ lệ tái nghiện cao là do hiện nay chỉ áp dụng phác đồ an thần kinh để hỗ trợ cắt cơn mà chưa có thuốc đặc trị. Bản thân người cai không có ý chí cao, khi mới trở về cộng đồng cũng rất quyết tâm, nhưng sau đó bị bạn bè xấu rủ rê lại tái nghiện, còn các gia đình chưa có giải pháp giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng.
Ngoài ra, ở một số nơi nhận thức của nhiều người dân chưa đầy đủ, còn xem nhẹ công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Trong khi đó, vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để tình trạng bán lẻ, tổ chức sử dụng ma túy tại địa phương nên người nghiện dễ dàng bị lôi kéo trở lại đường cũ. Và vẫn còn đó sự phân biệt đối xử với người nghiện khiến họ tự ti, thiếu hợp tác trong cai nghiện… Thế nên, bên cạnh công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra thì công tác tiếp nhận, quản lý và tổ chức cai nghiện, chữa trị, giáo dục, phục hồi hành vi nhân cách cũng phải từng bước nâng cao chất lượng.
Điều cốt yếu là vấn đề giải quyết việc làm cho những đối tượng sau cai nghiện phải được chú trọng. Như việc Cty Đức Việt Anh đã phối hợp với Trung tâm Gia Minh tiếp nhận nhiều học viên sau cai nghiện đến làm việc là một hành động rất đáng hoan nghênh. Theo lời của giám đốc Cty Trần Văn Thắng thì: chúng ta không đồng tình với những hành vi buôn bán trái phép, quấy rối trật tự xã hội liên quan đến ma túy, nhưng chúng ta không thể quay lưng với những người muốn cai nghiện, và được làm việc sau cai nghiện mà hãy tạo cho họ có cơ hội sống có ích.
Được biết, sắp tới đây, cty sẽ tiến hành đóng bảo hiểm xã hội cho những học viên làm việc tại đây để họ yên tâm lao động. Với những nỗ lực đó, tin rằng, Cty Đức Việt Anh sẽ là chỗ dựa tin cậy cho những đối tượng sau cai làm lại cuộc đời…
VIỆT TÙNG |