NHỮNG “UNG NHỌT” TỪ CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN NHẬN DIỆN RÕ, CẮT BỎ NHANH ĐỂ XÂY DỰNG ĐẢNG TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH

10:12 18/09/2022

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: chủ nghĩa cá nhân là “kẻ thù hung ác”, “một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm” , là “bạn đồng minh” của kẻ thù thực dân đế quốc và những tập quán lạc hậu.Vì vậy, đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân là một trong những nội dung vô cùng quan trọng và cần thiết để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, được Đảng ta đặc biệt quan tâm và đấu tranh không khoan nhượng. Thế nhưng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, chủ nghĩa cá nhân nó ẩn nấp trong mỗi người, chực chờ cơ hội để ngóc đầu dậy nên đây là cuộc đấu tranh lâu dài, thời nào cũng có và cũng rất cam go, phức tạp. Vì thế, nhận diện rõ, cắt bỏ nhanh “ung nhọt” chủ nghĩa cá nhân đã, đang và sẽ là vấn đề nóng bỏng trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Bài 1:

                                           “CON QUỶ” CỦA CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN XÂM NHẬP VÀO MỘT BỘ PHẬN CÁN BỘ

      Số liệu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 12 đến hết năm 2021, cấp ủy và UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 87.000  cán bộ, đảng viên (trong đó, có hơn 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý...). Từ đầu năm 2022 đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 27 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 20 trường hợp so cùng kỳ năm trước). Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thi hành kỷ luật 56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 10 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng. Đây là những con số rất đau xót, không mong muốn nhưng buộc phải làm bởi mỗi vi phạm, dù lớn, dù nhỏ đều bắt nguồn từ sự trỗi dậy của “con quỷ” chủ nghĩa cá nhân, làm tha hóa, biến chất một bộ phận cán bộ, đảng viên.

                                                                         Từ những “quả non chín ép”

      Dư luận  gần đây có nhiều ý kiến về trường hợp ông Lê Hùng Sơn, nguyên Bí thư, Chủ tịch huyện Cô Tô (Quảng Ninh) bị xử lý kỷ luật, bị khai trừ Đảng, cách hết các chức vụ trong Đảng, chính quyền. Đây là điều vô cùng đáng tiếc vì ông Sơn được coi là cán bộ trẻ đầy triển vọng, là một trong những Bí thư huyện có tuổi đời trẻ nhất cả nước, đã từng đảm nhiệm những vị trí rất đáng ngưỡng mộ tại các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể của tỉnh Quảng Ninh. Thế mà chỉ trong tích tắc, mọi thành quả bị xóa sạch.

     Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Sơn vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc, Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương; thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, sống buông thả, quan hệ bất chính với nhân viên dưới quyền, vi phạm tiêu chuẩn đảng viên và tiêu chuẩn cấp uỷ viên. Những vi phạm của ông Lê Hùng Sơn gây dư luận rất xấu, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; làm mất uy tín của tổ chức đảng và cá nhân ông Sơn. Ban Bí thư đánh giá vi phạm của ông Lê Hùng Sơn là rất nghiêm trọng, làm tổn hại đến uy tín của tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị công tác và của cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội, đến mức phải thi hành kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng.

Ông Lê Hùng Sơn, nguyên Bí thư, Chủ tịch huyện Cô Tô (Quảng Ninh) bị xử lý kỷ luật, bị khai trừ Đảng,

      Trước ông Sơn, cũng có nhiều “tấm gương tày liếp” của những “quả non chín ép”. Đó là trường hợp nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa 12, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, được coi là một trong những “hạt giống đỏ”, tuổi trẻ nhưng có rất nhiều thuận lợi trong sự nghiệp, liên tục “lên chức tăng quyền”. Nhưng thời gian tại nhiệm chưa được bao lâu, ông Nguyễn Xuân Anh đã bị “mất hết” vì vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền; thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng ôtô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội.

       Cũng ở Đà Nẵng là trường hợp ông Nguyễn Bá Cảnh, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy vì vi phạm Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình và vi phạm Quy định 47 của Trung ương về những điều đảng viên không được làm. Ngoài ra, còn có trường hợp như Vũ Minh Hoàng mới 26 tuổi đã được bổ nhiệm không đúng quy định làm Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế thuộc Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Lê Phước Hoài Bảo, mặc dù chưa đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn “thần tốc” giữ chức Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam…

    Điểm chung của những “quả non” này là ít tuổi, ít năm công tác nhưng lại sớm được giao đảm nhận những vị trí lãnh đạo quan trọng, đứng đầu tổ chức Đảng hoặc chính quyền, đoàn thể ở các cơ quan, đơn vị, địa phương nên dễ nảy sinh tư tưởng tự kiêu, tự phụ. Do thiếu năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn khi thực thi nhiệm vụ, lại thêm bản tính “cá nhân” quá lớn, tự cho mình là người tài giỏi, họ thường đưa ra các quyết định, quyết sách không chuẩn; lạm quyền, lộng quyền và thậm chí đấu đá phe nhóm trong nội bộ, lách cơ chế để vụ lợi cá nhân. Nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình vốn được xem là động lực xây dựng tổ chức Đảng, xây dựng con người liêm chính và cơ quan vững mạnh bị thao túng, trở thành chỗ dựađể họ báo cáo sai với cấp trên và là vũ khí để họ loại khỏi ê kíp những người dám bảo vệ lẽ phải. Thêm vào nữa là bệnh ham quyền lực, nôn nóng đổi mới, muốn thể hiện mình, muốn tỏ ra là mình vượt trội so với các thế hệ đi trước, lại suy thoái về đạo đức, lối sống, quan hệ bất chính nên đã dẫn họ từ sai lầm này tới sai lầm khác, ngộ nhận về mình và bị sa xuống hố của chủ nghĩa cá nhân.

     Trong rất nhiều bài viết, bài nói chuyện, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập rất nhiều tới công tác cán bộ, nhất là việc quản lý, nhận xét, đánh giá cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, thật sự "cần, kiệm, liêm, chính", "chí công vô tư", thật sự tâm huyết vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo. Tổng Bí thư nhiều lần nhắc nhở "đừng "nhìn gà hóa cuốc", "đừng thấy đỏ tưởng là chín",  đừng “đỏ vỏ xanh lòng”, đừng bị cám dỗ bởi những lợi ích xấu xa, những việc làm vô liêm sỉ.  Trẻ hóa cán bộ là xu hướng tất yếu, là đòi hỏi của thực tiễn. Người trẻ có đức, có tài ắt phải được trọng dụng. Nhưng những người trẻ như trên và hiện vẫn có nhiều người khác đang lẩn khuất ở một số cơ quan, đơn vị, sớm bị tha hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, không “chóng thì chày” sẽ sớm bị loại bỏ khỏi guồng máy của hệ thống chính trị các cấp. Bài học về những “quả non chín ép” vẫn luôn là sự cảnh tỉnh, răn đe, để mỗi cán bộ trẻ, dù ở cấp nào cũng phải luôn rèn luyện, phấn đấu, không được đánh mất mình trước những cám dỗ tiền tài, vật chất, danh vọng và tình ái.

                                                                   Những quả “già” không vượt qua được chính mình

     Một sự thật khá đau xót là ngay cả những cán bộ dày dạn kinh nghiệm, được đào tạo, thử thách qua nhiều lĩnh vực, nhiều chức vụ cũng không vượt qua được chính mình để rơi vào vòng lao lý, bị kỷ luật, bị cách hết các chức vụ trong Đảng, trong chính quyền.

     Có thể kể tới rất nhiều trường hợp như vậy như nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng; nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng; nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung; nguyên Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hồ Chí Minh Tất Thành Cang; nguyên các Phó chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín; Nguyễn Thành Tài; Trần Vĩnh Tuyến; nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam; 2 cựu Bí thư và 2 cựu Chủ tịch tỉnh Bình Thuận… Mới đây nhất là trường hợp các ông: Chu Ngọc Anh, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Nguyễn Thanh Long, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế; Phạm Công Tạc, nguyên Thứ trưởng Bộ KHCN bị xử lý kỷ luật, cách hết các chức vụ trong Đảng, chính quyền và bị bắt tạm giam vì liên quan tới vụ Việt Á.

      Cũng thật đáng buồn khi trong danh sách bị kỷ luật có cả những tướng lĩnh, sĩ quan cấp cao trong quân đội như nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Hải quân Nguyễn Văn Hiến và hầu hết Ban lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển...Trong lực lượng công an cũng có nhiều trường hợp bị kỷ luật như Trung tướng Bùi Văn Thành; Thượng tướng Trần Việt Tân rồi Phan Văn Vĩnh; Nguyễn Thanh Hóa…

                                        

Phiên tòa xét xử cựu Bí thư Bình Dương Trần Văn Nam

    Đây được coi là những người được Đảng và nhân dân rất tin tưởng, giao cho nhiều trọng trách lớn lao. Thế nhưng, cũng chỉ vì “cái tôi”, vì lợi ích cá nhân mà đã bỏ qua các quy định, làm trái pháp luật, phụ lại lòng tin của Đảng của nhân dân dẫn tới sai phạm, đến mức phải xử lý kỷ luật, bị cách hết các chức vụ trong Đảng, chính quyền.

     Gần đây nhất là một loạt cán bộ nữa bị xử lý liên quan tới vụ Việt Á. Họ đã bị tiền, vinh hoa  phú quý làm mờ mắt, dám nhận “hoa hồng” khủng trên mồ hôi, nước mắt và cả tính mạng của hàng triệu người dân đang oằn mình chống chọi với dịch bệnh thế kỷ COVID-19. Đối với họ, quyền lợi cá nhân đã cao hơn tất cả và việc phanh phui, trừng trị những đối tượng này làm tăng uy tín của Đảng, củng cố lòng tin trong nhân dân.

      Một trường hợp tha hóa khác cũng thuộc lớp “quả già” gây bất bình trong dư luận. Đó là ông Lê Minh Trung, nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng bị kỷ luật vì quan hệ bất chính, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương, vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.

     Những “tấm gương tày liếp” đó cho thấy con quỷ của chủ nghĩa cá nhân đáng sợ tới mức nào.

                                                                                                                                            HồngThanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông