10:13 18/09/2022 Bài 2: NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH QUÉT SẠCH CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN Tại hội nghị lầnthứ 4 (khóa 13), Ban Chấp hành Trung ương dành thời gian thảo luận, bàn và thông qua nhiều nội dung quan trọng về tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, vấn đề đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân được đề cập khá nhiều. Trung ương nhận định: sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân. Nhận diện và đấu tranh “quét sạch” là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và của mỗi cán bộ, đảng viên.
Nhận diện rõ các biểu hiện
Sự suy thoái về đạo đức, lối sống được Trung ương chỉ ra, nhận diện rất rõ. Đó là: sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân.Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Như vậy, liên tục trong 3 nhiệm kỳ (khóa 11, khóa 12, khóa 13), hội nghị Trung ương lần thứ 4 đều dành trọng tâm cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hội nghị lần này đã bổ sung một số vấn đề mới, quy định mới để xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong đó, quét sạch chủ nghĩa cá nhân là một yêu cầu tất yếu.
Trong tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" chỉ có 700 chữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh thông điệp: chừng nào còn chủ nghĩa cá nhân sẽ làm giảm lòng tin của dân với Đảng, đe dọa sự tồn vong của Đảng. Vì vậy, Bác không dùng từ "Chống" mà là "Quét sạch chủ nghĩa cá nhân". Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ một cách hệ thống 10 loại bệnh nảy sinh từ "virus" chủ nghĩa cá nhân: bệnh quan liêu, bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, bệnh "hữu danh, vô thực", bệnh không trông xa, thấy rộng, bệnh tị nạnh, bệnh xu nịnh, a dua và bệnh kéo bè, kéo cánh.
Nhìn rộng ra, chủ nghĩa cá nhân không chỉ xuất hiện ở các cán bộ cao cấp, giữ các chức vụ quan trọng mà còn có ở nhiều nơi, trong các cơ quan, đơn vị và ngay cả các cán bộ, đảng viên. Đó là tình trạng người đứng đầu coi cơ quan, đơn vị như là nhà riêng của mình và cho mình có quyền được chi phối tất cả, bỏ qua vai trò của Đảng ủy; tập thể lãnh đạo; độc đoán, chuyên quyền. Nhiều người nhận xét, họ đang “cai trị” cơ quan chứ không phải lãnh đạo.
Đặc biệt, còn có biểu hiện đặc quyền, đặc lợi, xây dựng “cánh hẩu” mặc dù không có năng lực; loại bỏ người có khả năng; làm giảm nhiệt huyết, năng suất của người lao động. Thêm nữa là còn có biểu hiện quan hệ trai gái mờ ám.Tại những cơ quan như vậy, ai cũng thấy “sợ”, bởi lẽ chỉ cần ho he một chút là bị trù dập, bị vô hiệu hóa. Có người lợi dụng lòng tốt của những người đi trước giúp đỡ, kèm cặp, sẵn sàng ẩn mình hàng chục năm, sau khi ngoi lên được nắm chức vụ, có quyền lực là lập tức “đổi màu”, qua cầu rút ván khiến dư luận bất bình. Đáng chú ý, họ không chú trọng nhiều tới công việc chuyên môn, không nỗ lực học hỏi rèn luyện nâng cao trình độ sau khi được giao chức vụ mà vội vã “sống gấp”, hưởng thụ, sử dụng quyền lực để ban phát cho những ai họ thích. Nếu những người này không được nhận diện, để họ ngoi lên được các chức vụ cao hơn thì hậu quả thật khôn lường.
Kiên quyết loại bỏ
Rõ ràng, việc đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân được thực hiện thường xuyên, liên tục trong nhiều năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhất là trong hơn 10 năm thực hiện nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11, khóa 12, khóa 13), các biểu hiện suy thoái, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm đã được nhận diện và có chế tài xử lý. Tuy nhiên, số lượng cán bộ, đảng viên vi phạm vẫn khá nhiều, trong đó có cả những cán bộ cấp cao.
Tại hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng tổ chức ngày 9-12-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết, từ năm 2016-2020, có 1.623 đảng viên tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực. Từ năm 2016- 2020, có hơn 25.000 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (0,5% tổng số đảng viên) bị xử lý kỷ luật. Đó là các đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống; suy thoái về tư tưởng chính trị; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…
Như thế, đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân chính là một trong những ưu tiên hàng đầu trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trước yêu cầu mới, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thêm một số nội dung quan trọng về rèn luyện tư tưởng chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, góp phần ngăn ngừa và khắc phục một cách mạnh mẽ hơn và quyết liệt hơn những biểu hiện suy thoái, tiêu cực; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng.
Theo đó, phải chú trọng nêu gương những người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái; đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, “lợi ích nhóm”; rà soát, hoàn thiện, thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; công tác cán bộ, công tác kiểm tra; công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên; phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí, của công luận.
Đây cũng chính là điều mỗi tổ chức Đảng; mỗi đảng viên cần nhận thức, nhận diện rõ để tự răn mình. Bởi sa vào chủ nghĩa cá nhân, quấn vào vòng xoáy của quyền lực và tiền bạc là đi ngược lại đường lối của Đảng; nhất định sẽ bị loại trừ. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Tiền bạc lắm làm gì, danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất, phải trọng liêm sỉ, đừng có bị chủ nghĩa cá nhân kéo xuống để thân bại danh liệt”.
Hồng Thanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024