Lần đầu tiên trong lịch sử, nợ công của Mỹ đã chạm mức trần 14.300 tỷ USD, tăng hơn hai lần trong 10 năm qua và chiếm tới 90% GDP.
| Ông Obama cũng bó tay? |
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng “nợ đầm đìa” được cho là do chính phủ Mỹ thời gian qua đã tiến hành các chương trình cắt giảm thuế và chi mạnh tay cho các gói hỗ trợ, nhằm kích thích nền kinh tế nhanh chóng bứt ra khỏi khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ngày 13-7, Tổng thống Mỹ Obama (ảnh) nói ông không thể đảm bảo những người cao tuổi sẽ nhận được tiền an sinh xã hội trong tháng 8 nếu hai đảng trong quốc hội không đạt được một thỏa thuận nâng mức trần nợ công.
Trần nợ của Mỹ là giới hạn được thiết lập bởi quốc hội nước này về số nợ chính phủ liên bang có thể vay mượn theo quy định của pháp luật. Giới hạn này áp dụng cho các khoản nợ công (chủ nợ là những người đã mua trái phiếu chính phủ Mỹ) cộng với nợ quỹ an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người già. Mới đây nhất, ngày 28-1 vừa qua, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu cho phép chính phủ vay thêm 1.900 tỷ USD, nâng trần nợ công của Mỹ từ 12.400 tỷ USD lên mức cao kỷ lục 14.300 tỷ USD. Đây là mức trần nợ công cao nhất từ trước tới nay.
Hiện nay, số nợ công của chính phủ Mỹ đã đạt mức trần 14.300 tỷ USD. Chính phủ của ông Obama muốn quốc hội tiếp tục nâng mức trần nợ công lên 16,800 tỷ USD để đi vay tiếp (phát hành trái phiếu mới). Và nếu tới ngày 2-8 tới, Quốc hội Mỹ không nâng mức nợ trần, Bộ Tài chính Mỹ sẽ không còn quyền tổ chức các cuộc đấu giá trái phiếu hay nói cách khác, không còn được phép đi vay. Lúc này, chính phủ Mỹ phải khắc phục bằng cách cắt giảm chi tiêu để nợ không phình to thêm (như đảng Cộng hoà mong muốn). Đến một lúc nào đó, khi không có nguồn thu để hoạt động và để trả lãi số nợ cũ thì phải “tuyên bố phá sản”.
Cuối tuần qua, ông Obama và giới chức đảng Dân chủ (kiểm soát Thượng viện) đã họp bàn với đảng Cộng hoà (kiểm soát Hạ viện) về việc nâng trần nợ công, mở đường cho chính phủ được “vay” thêm từ việc phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, đảng Cộng hoà chỉ trích chính quyền Obama là “vung tay quá trán” và nhất quyết không thông qua trần nợ mới nếu Nhà Trắng vẫn tăng thuế. Phía Cộng hoà nói chính quyền phải giảm chi tiêu mạnh tay thì mới thông qua trần nợ, trong khi Dân chủ nói việc giảm chi tiêu sẽ làm ảnh hưởng đến người dân.
Nói tóm lại, nếu các nhà hoạch định chính sách Mỹ thất bại trong việc quyết định nâng mức nợ trần quốc gia, họ sẽ phải đối mặt với hai lựa chọn khó khăn. Một là cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế để giúp tăng thu ngân sách vài trăm tỷ USD tới cuối tháng 9, thời điểm kết thúc năm tài khóa của nước Mỹ. Đây sẽ là một quyết định khó khăn và dường như là bất khả thi để tiến hành một khi xét tới những phản ứng kinh tế nghiêm trọng.
Hoặc họ sẽ phải nhận thức rõ ràng rằng nước Mỹ sẽ không có khả năng thanh toán hoàn toàn các khoản nợ của mình, và theo đó sẽ rơi vào tình huống vỡ nợ. Khi đó, các khoản nợ quá hạn sẽ được tính lãi suất rất cao và giá trị đồng USD sẽ suy giảm, chưa kể các tác động khác. Lựa chọn này sẽ làm nền kinh tế Mỹ gục ngã và đẩy thị trường toàn cầu tuột dốc.
VIỆT ANH (tổng hợp) |