Nửa đêm phát hiện trộm vào nhà, nên và không nên làm gì?

00:01 09/12/2015

Tuy mục đích đột nhập vào nhà dân để lấy tài sản, nhưng các đối tượng thường mang theo vũ khí theo người. Nếu bị chủ nhà phát hiện truy đuổi, chúng sẵn sàng tấn công chống trả. Vậy khi phát hiện trộm trong nhà, cần phải làm gì?

Rạng sáng 7/12, đã xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng tại địa bàn xóm Cầu Chợ (Thôn 9 - Canh Nậu - Thạch Thất - Hà Nội) khiến ông Nguyễn Lương Chuân (sinh năm 1958) và anh Nguyễn Lương Chỉnh (sinh năm 1988) tử vong, riêng vợ ông Chuân và một người con trai khác bị thương.
 
Sau sự việc trên, dư luận lại lo lắng trước mối nguy khi có kẻ gian đột nhập vào nhà. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho những gia đình coi thường đến công tác “phòng thân”.
 

Ngôi nhà nơi xảy ra vụ án trộm cắp.

 
Nhằm giúp bạn đọc có thêm “phương pháp” đối phó, phòng ngừa nếu phải đối mặt với những tên trộm đột nhập, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó trưởng Phòng CSHS Công an TP Hà Nội. Hiện ông là Phó trưởng Công an quận Long Biên, Hà Nội.
 
99% trộm có vũ khí
 
Theo Thượng tá Chức, đã có rất nhiều vụ trộm đột nhập mục đích để lấy tài sản nhưng các tên tội phạm lại trở thành kẻ giết người. Thủ đoạn của chúng đều có đặc điểm khá giống nhau, tuy nhiên trên thực tế nhiều người dân vẫn chủ quan, không nâng cao cảnh giác, không chú trọng đến công tác phòng thân để đảm bảo tính mạng…
 
Ông nhận định: “Mục đích của các đối tượng chủ yếu là đi ăn trộm, nhưng 99% trong số đó đều mang theo hung khí để chống trả lại khi bị phát hiện. Hầu hết trong các vụ việc khi bị chủ phát hiện truy đuổi và tấn công, chúng đều chống trả lại quyết liệt hòng thoát thân”.
 

Thượng tá Nguyễn Viết Chức.

 
Trong trường hợp phát hiện đối tượng đang thực hiện hành vi trộm cắp, Thượng tá Chức khuyên người dân:
 
“Không manh động nếu phát hiện, vì đối tượng thường rất liều mạng, nếu gia đình mình có quân số đủ mạnh để đối phó với các tình huống của đối tượng, thì người dân mới nên bao vây. Lực lượng trong gia đình mỏng thì chắc chắn sẽ nguy hiểm đến tính mạng nên trước hết phải bảo toàn chính mình”.
 
Thượng tá Chức cũng nhấn mạnh: “Nếu số lượng người trong gia đình mỏng, thì hãy bình tĩnh nằm im, giả vờ coi như không biết. Đồng thời hãy cố gắng quan sát đặc điểm, điểm đặc biệt của đối tượng. Nếu có điều kiện thuận lợi và chờ cơ hội đối tượng sơ hở hoặc đi ra khỏi cửa để đảm bảo an toàn thì hô to để quần chúng nhân dân hỗ trợ…”.
 
Phòng ngừa thế nào?
 
Đặc biệt trong những năm gần đây Hà Nội mở rộng quy hoạch, đường sá thay đổi, nhiều nhà dân ở trong làng được ra phố lớn. Vẫn thói quen sống cảnh yên bình nơi thôn làng nên người dân thường thờ ơ với tội phạm. Nhiều người đi khỏi nhà mà không khóa cổng, hoặc có khóa thì cũng rất đơn giản.
 
Chính vì thế ở một quận ngoại thành từng có vụ trộm đột nhập vào nhà, lên tầng 2 ung dung khênh két sắt xuống, khi chúng đi ra đến đầu đầu ngõ thì chủ nhà mới phát hiện sự việc.
 

Theo Thượng tá Nguyễn Viết Chức thì không nên dùng cửa gỗ.

 
Vì vậy, người dân cần ý thức tự nâng cao chú trọng đảm bảo an ninh cho từng hộ, vị Thượng tá đưa ra cảnh báo.
 
“Cửa ra vào tuyệt đối phải an toàn, không nên dùng cổng, cửa gỗ… vì trộm sẽ dùng xà cầy cậy rất dễ.
 
Chú trọng đến cửa tum phải tuyệt đối chắc chắn, chú ý các hộ xung quanh. Nếu tường sát nhà thì phải có rào chắn bằng sắt, cây sát tường, sát mái nhà thì phải chặt cành hoặc rào thép gai kiên cố.
 
Tuyệt đối không để các đối tượng có điều kiện tiếp cận, đột nhập vào gia đình một cách dễ dàng.
 
Trước khi ra khỏi nhà, phải kiểm tra lại những góc khuất, gầm giường, nơi kẻ gian có thể ẩn náu.
 
Nên lắp camera giám sát ở các khu vực mà các đối tượng dễ tiếp cận. Lắp chuông, còi báo động, đèn tự động…”.
 
Thượng tá Chức cũng chia sẻ thêm kinh nghiệm khi nhận dạng về tội phạm, trước khi thực hiện hành vi của mình bởi trộm thường hay đi tuần, dò thám để tìm ra lối đột nhập.
 
“Người dân cần nâng cao cảnh giác, cảnh giới những trường hợp lang thang, vật vờ khi chúng xuất hiện. Nếu nghi vấn các đối tượng có dấu hiệu bất thường thì phải báo ngay cho cơ quan chức năng. Đồng thời thông tin về hiện tượng cho người thân trong gia đình và những người hàng xóm biết để đề phòng”, Thượng tá Chức nói.
 
Đối với tình huống chị em phụ nữ khi phát hiện trộm trong nhà cần làm gì, một lãnh đạo của công an Q. Thủ Đức (TP.HCM) cho biết : Việc trộm vào nhà mục đích chủ yếu là trộm cắp tài sản chứ không chủ đích giết người. Vì vậy nếu phát hiện trộm đã vào nhà thì việc đầu tiên bạn phải thật sự bình tĩnh. Bình tĩnh sẽ giúp bạn sáng suốt lựa chọn những phương án tốt nhất để cứu tính mạng mình và người thân.
 
Bình tĩnh sẽ giúp bạn thông báo đến người thân, hàng xóm, công an một cách nhanh mà không sợ trộm phát hiện. Nếu bạn là phụ nữ và ở nhà một  mình khi phát hiện trộm vào nhà thì tốt nhất im lặng như không biết gì.
 
Tài sản của bạn mất đi kiếm lại được, chứ tính mạng chỉ có một. Nếu khi bạn la lên sẽ làm tên trộm rất hoảng sợ và có thể quay ngược lại sát hại bạn để bịt đầu mối. Vì bản chất của trộm là lén lút nên khi bị phát hiện rất hoảng sợ và tìm mọi cách để không ai biết tung tích của mình và kiếm đường thoát thân. Hơn nữa phụ nữ là đối tượng yếu đuối nên những tên cướp thường ra thay hành động nhanh chóng.
 
Theo Minh Ngọc (Afamily.vn/Trí Thức Trẻ)

 


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông