Nước sạch nông thôn: Kỳ II - Loay hoay “khai tử” nhà máy nước không đạt tiêu chuẩn

10:34 18/07/2017

Mặc dù là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước triển khai hiệu quả chương trình nước sạch nông thôn với 98,6% người dân được dùng nước hợp vệ sinh (tính hết năm 2016) song đến thời điểm hiện tại, khi  chất lượng cuộc sống người dân không ngừng tăng cao thì tiêu chí nước hợp vệ sinh ở nhiều khu vực ngoại thành Hải Phòng đã không còn phù hợp...53,7% nhà máy nước không đạt QC02

Mặc dù là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước triển khai hiệu quả chương trình nước sạch nông thôn với 98,6% người dân được dùng nước hợp vệ sinh (tính hết năm 2016) song đến thời điểm hiện tại, khi  chất lượng cuộc sống người dân không ngừng tăng cao thì tiêu chí nước hợp vệ sinh ở nhiều khu vực ngoại thành Hải Phòng đã không còn phù hợp...

53,7% nhà máy nước không đạt QC02

Hiện, khu vực nông thôn Hải Phòng có 205 nhà máy nước sạch tập trung. Do được xây dựng từ năm 1997 đến nay, hoạt động của phần lớn các nhà máy này đang là vấn đề nan giải đối với cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp, phương hại đến lợi ích chính đáng của bà con.

Cụ thể, theo ông Phạm Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Trong tổng số 205 nhà máy nước có tới 110 nhà máy, chiếm 53,7% có chất lượng nước đầu ra quá thấp, không đạt QCVN: 02/2009/BYT (QC02 - nước sinh hoạt thông thường, không sử dụng để ăn uống trực tiếp hoặc dùng cho chế biến thực phẩm). Đã vậy, trong tổng số 95 nhà máy, chiếm 46,3% đạt chất lượng nước đầu ra theo QC02 chỉ có 9 nhà máy, chiếm 4,4% đạt QC01 là nước dùng để ăn, uống.

Nguyên nhân dẫn đến chất lượng nước đầu ra quá thấp được các địa phương lý giải là do nguồn nước thô tại các tuyến kênh thủy lợi cung cấp nước đầu vào cho các nhà máy nước đang bị “đầu độc” nghiêm trọng. Nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất, chăn nuôi ở các vùng quê gần như đều được xả trực tiếp ra sông suối, kênh mương làm ô nhiễm nguồn nước thô. Hiện, theo đánh giá toàn diện của ngành Y tế, có đến 47% số nhà máy nước khu vực nông thôn có nguồn nước thô đang bị ô nhiễm hoặc có nguy cơ bị ô nhiễm.

Đã vậy, công nghệ xử lý trong các nhà máy nước lại lạc hậu, sơ sài. Trong tổng số 205 nhà máy đã có 27 nhà máy dừng hoạt động (chiếm 13%); còn 178 nhà máy công nghệ lạc hậu (chiếm 87,2%), quá trình xử lý nước chỉ được thực hiện đơn giản bằng cách pha Clo, lọc, lắng. Chỉ có 11 nhà máy (chiếm 5,4%) có công nghệ xử lý nước hiện đại với công suất lớn, phục vụ nhu cầu cho 70 xã.

Giải pháp khả thi!?

Theo sự phản ánh của người dân cũng như chính quyền các huyện ngoại thành, rất nhiều nơi khi thấy người dân kêu nước hôi, không có mùi clo,  ngay lập tức các nhà máy nước mini cho tăng lượng clo vào xử lý. Cho vượt liều lượng, sặc mùi clo dân kêu thì lại giảm đi. Hay những ngày nước lên, nước máy có hiện tượng vẩn đỏ, dân phản ánh thì nhận được câu trả lời từ phía nhà máy nước “mấy hôm nay phù sa” là chuyện không hiếm... Chính vì vậy mà hiện nay, trong nhận thức của bộ phận lớn người nông thôn, nguồn nước sạch an toàn nhất được dùng để phục vụ nhu cầu ăn uống vẫn là nước mưa. Nước máy chỉ dùng trong sinh hoạt, tắm, giặt... là chủ yếu.

Chất lượng nguồn nước vì thế đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của người dân. Hải Phòng là đô thị loại I cấp quốc gia, yêu cầu sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống là hết sức cần thiệt, chính đáng. Mặc dù ngành Nông nghiệp đã xây dựng các giải pháp, từ khâu tuyên truyền, ứng dụng KHCN, thu hút đầu tư, cơ chế chính sách..., phấn đấu đạt được mục tiêu đến năm 2020, 100% các hộ dân nông thôn được cung cấp nước sạch sinh hoạt theo QC02; trong đó có 75% số hộ được cung cấp nước sạch đạt QC01 nước ăn uống.

Nhưng thực tế cho thấy, nhiều địa phương đang rơi vào tình trạng lúng túng trong việc xử lý các nhà máy nước mini không đạt QC02, không có khả năng nâng cấp lên đạt QC01 do thành phố chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ để chuyển đổi. Thêm vào đó, theo sự phản ánh của lãnh đạo một số huyện như: Tiên Lãng, An Lão, Vĩnh Bảo, một số nhà máy nước có biểu hiện “nhập nhằng” trong việc tự lấy mẫu xét nghiệm, đánh giá chất lượng nước gửi Trung tâm Y tế dự phòng lấy kết quả. Trong số này, rất nhiều nhà máy đạt QC 01 mà theo quan sát bằng mắt thường của người dân là “không ổn”.

Trong khi đó, các nhà đầu tư mới có đủ năng lực xây dựng mô hình nhà máy nước hiện đại lại khó tiếp cận thị trường do chiếu theo một số quy định hiện hành đã rất lỗi thời là “mỗi vùng dịch vụ cấp nước chỉ do một đơn vị cấp nước thực hiện”. Hi hữu, ở một số địa phương đã xảy ra tình trạng “tranh chấp” khách hàng gây mất ANTT.

Hiện, trong tổng số 178/205 nhà máy nước khu vực nông thôn đang hoạt động, có 87/178 đơn vị có điều kiện nâng cấp từ QC02 lên QC01 và đảm bảo hoạt động bền vững. Còn lại 91 đơn vị đang cấp nước theo QC02 (cả đạt và chưa đạt QC02) không có đủ khả năng, điều kiện nâng cấp công trình, hệ thống cấp nước lên đạt QC01 cần phải dừng hoạt động. Nhưng làm thế nào để dừng hoạt động của 91 đơn vị này một cách “thấu tình, đạt lý”, mang lại lợi ích chính đáng cho người dân? Thiết nghĩ, trách nhiệm này thuộc về các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương các cấp, trong đó rất cần có sự chung tay, phối hợp xử lý của các đơn vị cấp nước.

Khánh Chi

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông