Các nhà kinh tế hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước phát triểnvà cho rằng các nền kinh tế châu Á sẽ tiếp tục dẫn dắt sự hồi phục kinhtế toàn cầu.
| Năm 2011 được kỳ vọng sẽ có thêm nhiều việc làm |
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 31-12 đã phát đi một thông điệp nhấn mạnh cơ quan quyền lực nhất hành tinh này sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc giải quyết tất cả các vấn đề quốc tế cấp thiết như đòi hỏi của đa số cư dân trên địa cầu. LHQ hy vọng kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 3,1% trong năm 2011 và 3,5% trong năm 2012, như vậy là thấp hơn dự báo tăng trưởng 3,6% trong năm 2010 và còn lâu mới đủ để khôi phục số việc làm bị mất trong cuộc khủng hoảng kinh tế.
Nguyên nhân là các gói kích thích kinh tế và giải cứu tài chính hết hiệu lực mà tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao và thâm hụt ngân sách vẫn nặng nề. Bên cạnh đó, từ cuối năm 2010, do tình trạng lạm phát đã trở nên nghiêm trọng ở các nước đang trỗi dậy, nên sự trì trệ và lạm phát sẽ là hai “đặc trưng” nổi bật của nền kinh tế thế giới năm 2011. Trì trệ tiếp tục là căn bệnh của các nước phát triển, còn lạm phát là căn bệnh mới phát sinh của các nền kinh tế mới nổi.
Dẫu vậy, báo Bưu điện Washington của Mỹ hy vọng nền kinh tế số một thế giới sẽ có mức tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2011 sau 3 năm suy thoái. Phần lớn các chuyên gia tin rằng kinh tế Mỹ năm 2011 sẽ tăng trưởng ở mức 2-3%, thậm chí còn tăng cao hơn theo dự báo của một số người. Nếu điều này thành sự thực, thì kinh tế Mỹ sẽ hỗ trợ tăng trưởng cho nhiều nước trên thế giới vì Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong hai năm 2011 và 2012 có thể coi là thời gian thử thách gay go nhất cho số phận của đồng Euro nói riêng và tương lai của EU nói chung, vì hai đầu tầu kinh tế và chính trị là Pháp và Đức bước vào các năm chuẩn bị tranh cử các chức vụ quan trọng nhất là tổng thống và Quốc hội. Trong thông điệp năm mới 2011, Thủ tướng Đức Angela Merkel lạc quan rằng bất chấp khủng hoảng, người dân châu Âu vẫn đoàn kết và coi đây là thước đo bảo đảm cho hòa bình và tự do, và đồng euro là nền tảng cho sự thịnh vượng chung của châu lục.
Các chuyên gia cũng chung nhận định nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng với tốc độ kha khá. Vì vậy, với tín hiệu lạc quan từ kinh tế Mỹ, Nhật Bản và châu Âu, toàn bộ nền kinh tế toàn cầu sẽ dần dần phục hồi. Tại Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tuyên bố bình ổn giá, cải thiện mạng lưới an sinh xã hội và tạo công ăn việc làm nhằm đảm bảo đất nước phát triển bền vững, hài hòa và toàn diện sẽ là những hoạt động ưu tiên của chính phủ nước này trong năm 2011. Trong khi đó, Nga đặt nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền trong năm nay là phải tập trung các nguồn lực để ngăn chặn hiệu quả lạm phát.
VIỆT ANH (tổng hợp) |