11:38 04/08/2017 Hiện nay, kiểu nhà ống, liền kề được xây dựng phổ biến, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Với hạn chế về lối thoát nạn, khi cháy nổ xảy ra, hậu quả để lại sẽ rất nặng nếu không có những giải pháp hỗ trợ về mặt kiến trúc…
Điển hình cho thấy thảm họa là vụ cháy căn hộ trên đường Nguyễn Đức Cảnh, phường Cát Dài, quận Lê Chân, xảy ra lúc 5h15’ ngày 29-12-2014. Khi Cảnh sát PCCC đến hiện trường, ngọn lửa đã bao trùm ngôi nhà, toả nhiều khói, khí độc và toàn bộ phần gác lửng của ngôi nhà đã bị sập.
Đám cháy được dập tắt, không để lan ra các nhà lân cận. Tuy nhiên, do thời gian cháy tự do kéo dài, dưới tác động của khí độc và nhiệt độ cao từ ngọn lửa, 6 nạn nhân trong gia đình đã tử vong trước khi lực lượng cứu cháy tiếp cận hiện trường. Được biết, căn hộ là cửa hàng may quần áo, phía trước 1 tầng có gác lửng bằng gỗ, phía sau 2 tầng được xây theo kiểu nhà ống, chỉ có duy nhất 1 cửa ra vào phía trước rộng khoảng 1 mét, gồm hai lớp cửa gỗ và cửa xếp, lại nằm khá sâu trong ngõ hẹp đã gây ảnh hưởng lớn đến công tác cứu hộ, cứu nạn.
Một trường hợp khác, ngày 17-1-2015, nhà số 74/214 đường Tôn Đức Thắng, quận Lê Chân bốc lửa. Vào thời điểm xảy ra hỏa hoạn, có 5 người đang ngủ trong nhà. Khi xảy ra sự cố, cả 5 người đã rút lên tầng trên và sau 20 phút, lực lượng chức năng đã nhanh chóng dập tắt đám cháy, giải cứu tất cả những người trong nhà.
Rất may, chỉ có 3 người bị thương nhẹ, song “bà hỏa” đã thiêu rụi toàn bộ tài sản tại tầng 1, 2 và làm hư hại một số tài sản ở các tầng trên. Đặc biệt, trong lúc dập lửa và cứu người, 2 chiến sỹ cảnh sát PCCC đã bị thương. Đây cũng là ngôi nhà diện tích khá nhỏ, khoảng 30m2 mỗi tầng, được xây theo dạng ống, lối thoát duy nhất là cửa chính ở tầng 1.
Mới đây nhất, vào 2h ngày 19-7-2017, tại ngôi nhà số 48, ngõ 41 phố Vọng, Hà Nội, xảy ra hỏa hoạn. Ngôi nhà được xây dựng theo kiểu dạng ống, hơn nữa cả 3 tầng trên được bao bọc bởi lồng sắt kiên cố, có duy nhất 1 lối thoát hiểm chính là lối ra vào. Tại thời điểm xảy ra cháy, khói đen bốc lên, kèm theo nhiều tiếng nổ lớn và có 3 người phụ nữ bị kẹt bên trong. Lực lượng chữa cháy đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường nhưng ban công 3 tầng ngôi nhà được làm khung sắt.
Lính cứu hỏa đã phải dùng cưa phá mới có thể tiếp cận giải cứu người. Hậu quả là 2 nạn nhân trong gia đình bị thiệt mạng do ngạt khói.
Theo Cảnh sát PCCC thành phố, nhà ở xây dựng theo dạng nhà ống thường không có lối thoát nạn thứ hai, chỉ có duy nhất 1 cầu thang bộ và 1 cửa ra vào. Thang bộ này không mấy khi bảo đảm chiều rộng, không kín để ngăn khói nên khi có cháy, khói sẽ theo lối này lên tất cả các tầng. Ở tầng 1- nơi có lối thoát hiểm, các gia đình lại hay để ô tô, xe máy, bếp (thường có bình gas để đun nấu) cũng như các vật liệu dễ cháy, hàng hóa phục vụ kinh doanh nên tăng tính nguy hiểm khi có sự cố cháy.
Rồi nữa, để chống trộm cũng như tận dụng tối đa diện tích phục vụ nhu cầu sinh hoạt, nhiều gia đình còn làm lồng sắt hoặc xây kín ban công trước mặt, làm cửa khóa hoặc lồng sắt chắc chắn trên tầng thượng, dẫn đến không có lối thoát khẩn cấp và các vị trí lánh nạn tạm thời chờ ứng cứu. Thậm chí, do kinh doanh, chủ một số hộ còn làm biển quảng cáo che kín ban công, hay chất đầy hàng hóa, thậm chí là nguyên vật liệu dễ cháy ngay sát cầu thang, lối đi.
Mặt khác, thói quen sinh hoạt như bố trí nơi thờ cúng chưa hợp lý; đèn, hương, nến đặt trên hoặc gần các vật dễ cháy; khi đốt vàng mã không có người trông coi, che chắn hoặc không bảo đảm an toàn khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt đun nấu; đặc biệt là đấu, mắc, sử dụng thiết bị điện không an toàn... là nguyên nhân gây ra những hậu họa khôn lường. Trong khi đó, hiện người dân chưa ý thức hết tầm quan trọng của việc PCCC; chưa được trang bị các phương tiện chữa cháy, kỹ năng thoát nạn tối thiểu cho bản thân và cách thức xử lý khi có những tình huống cháy, nổ xảy ra.
Các vụ cháy thường bị xảy ra về đêm và rạng sáng - là lúc các nạn nhân đều đang chìm sâu trong giấc ngủ, phản ứng không nhanh nhạy… dẫn đến tử vong do bị thiếu oxy và bị nhiễm độc của sản phẩm cháy trước khi bị bỏng và bị thiêu đốt do lửa.
Để giảm thiểu những tác hại do cháy, nổ gây ra tại các công trình xây kiểu dạng ống, Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy - Cảnh sát PCCC thành phố Hải Phòng khuyến cáo người dân trước khi xây dựng nên đặc biệt quan tâm tới thiết kế công trình đáp ứng tối đa về an toàn PCCC, nhất là về lối thoát nạn.
Song song với đó là cách sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt an toàn, mua sắm sử dụng thiết bị điện an toàn trong quá trình sinh hoạt, kinh doanh; không để nhiều đồ dùng, hàng hoá dễ cháy ở gần nơi đun nấu, lối ra thoát nạn, cầu thang; không dự trữ nhiều chất lỏng dễ cháy. Ô tô và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy không nên để trong nhà; thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu... phải kín.
Ngoài ra, tại các tầng phải bố trí ban công thông thoáng, không lắp đặt biển quảng cáo lớn hoặc kính che hết mặt tiền; không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can để lúc khẩn cấp chỉ cần gạt chốt cửa không khóa là có thể thoát ra sang nhà hàng xóm hoặc chờ lực lượng đến ứng cứu. Khi điều kiện cho phép thì trang bị mặt nạ phòng độc cá nhân, thang dây, thang móc sẵn trong nhà để thoát hiểm.
Chủ nhà cũng nên bố trí sân thượng, tầng mái thông thoáng, có thể sang được mái nhà bên cạnh; trang bị dụng cụ trữ nước, bình chữa cháy… Tất cả thành viên trong gia đình phải học biện pháp phòng ngừa cháy nổ, biết cách thoát hiểm khi sự cố và biết sử dụng thành thạo các dụng cụ, phương tiện chữa cháy đã được trang bị.
Và hãy nhớ, khi có sự cố phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, đồng thời báo cho mọi người xung quanh, kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Khi di chuyển cần cúi thấp người, nếu có khăn, vải nhúng ướt bịt mũi hoặc trùm chăn ướt lên để hạn chế khói khí độc xâm nhập vào đường hô hấp và bị bỏng do lửa gây ra. Đặc biệt, hãy nhớ số điện thoại 114 - của lực lượng Cảnh sát PCCC.
Minh Phương
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão