Phòng chống dịch tả lợn Châu Phi là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị

16:31 13/05/2019

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình, triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi do Bộ NN&PTNT tổ chức, sáng 13-5. Cùng dự có Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và lãnh đạo các bộ, ban, ngành TW và lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố. Tại điểm cầu Hải Phòng, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đình Chuyến và lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương tham dự hội nghị.

 Quang cảnh hội nghị

 Theo tổ chức Thú y thế giời (OIE), từ năm 1996-2019, bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) xảy ra ở trên 60 quốc gia trên thế giới. Đến nay, chưa có quốc gia nào được OIE công nhận an toàn đối với dịch bệnh. Các nước đã phải tiêu hủy hành chục triệu con lợn, chi phí hàng chục tỷ đô la Mỹ cho công tác phòng, chống.

Tại Việt Nam, tính đến 12-5-2019, DTLCP đã phát sinh tại 2.296 xã, thuộc 204 huyện, thuộc địa bàn của 29 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy lên đến trên 1,22 triệu con (chiếm trên 4% tổng đàn lợn cả nước). Nhờ triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, khoanh vùng, khống chế dịch lây lan ra diện rộng, hiện tỉnh Thừa Thiên Huế và 55 xã thuộc 36 huyện của 16 tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.

Tại Hải Phòng, tính đến ngày 11-5, dịch đã phát sinh tại 14.258 hộ, ở 1.091 thôn, thuộc 160 xã, phường trên địa bàn 11 huyện, quận. Tổng số lợn mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy lên đến 125.825 con, chiếm 36,57% tổng đàn lợn trước dịch; trọng lượng đạt gần 6.713 tấn.

Tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, lây lan nhanh ra diện rộng, khả năng tái phát khó kiểm soát. Lịch sử ngành chăn nuôi thế giới và Việt Nam chưa bao giờ xảy ra dịch bệnh lớn, gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng lâu dài như thời điểm này. Hiện chưa có vacxin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị DTLCP.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: đây là loại dịch nguy hiểm, gây thiệt hại rất lớn cho ngành chăn nuôi. Để khống chế dịch bệnh lây lan ra diện rộng, Phó Thủ tướng yêu cầu thời gian tới Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân tích cực hơn nữa vào công tác phòng chống dịch, nhất là dập dịch. Cần xác định nhiệm vụ phòng chống dịch tả lợn Châu Phi là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Các bộ, ngành, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch thường xuyên tổ chức các đoàn liên ngành phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh.

Bộ NN&PTNT chủ trì, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản, quy phạm pháp luật mới phù hợp với công tác phòng chống dịch. Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn giết mổ lợn an toàn vùng dịch, có sự giám sát của cơ quan thú y đảm bảo “3 sạch”. Hướng dẫn các địa phương thành lập các trạm kiểm dịch quốc gia; chỉ đạo tái cấu trúc ngành chăn nuôi nói chung, trong đó có tái cấu trúc ngành chăn nuôi lợn.

Giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ chế hỗ trợ, thu mua, cấp trữ đông, giảm nguy cơ mất cân đối thị trường các tháng cuối năm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành, địa phương chịu trách nhiệm huy động các nguồn lực, nhất là lực lượng vũ trang vào cuộc giám sát dịch bệnh, xử lý nhanh lợn bệnh tiêu hủy. Tiếp tục duy trì, nâng cao năng lực thú y các cấp. Thường xuyên thực hiện vệ sinh khử trùng tiêu độc, chủ động bố trí kinh phí trong công tác phòng chống dịch. Chủ động hướng dẫn người dân, doanh nghiệp phát triển các sản phẩm chăn nuôi thay thế thịt lợn trong lúc dịch bệnh phát sinh...

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông