Rung lắc, đưa võng mạnh có thể làm trẻ tử vong

01:06 23/06/2016

Chỉ cần rung lắc trẻ cho trẻ vui, thậm chí lắc võng đưa nôi hơi mạnh cũng có thể gây tổn thương không hồi phục với não trẻ, nguy hiểm hơn là có thể dẫn tới tử vong.
 
Trong thời gian gần đây, các báo có đăng tin vài trường hợp trẻ bị người lớn đánh, đập vào gáy, vào đầu trong lúc giận dữ và trẻ đã tử vong vài giờ sau đó.
 
Khám nghiệm pháp y các trẻ này cho thấy trẻ bị chấn thương sọ não. Các động tác đánh, đập của người lớn liên quan đến chấn thương này thường được nhớ lại khá dễ dàng.
 
Tuy nhiên, trong y học còn có một hội chứng có thể gây chấn thương não bộ, mà các hành động gây chấn thương nhiều khi rất vô tình nhưng lại nguy hại không kém, đó là hội chứng trẻ bị lắc (Shaken baby syndrome).
 
Hội chứng lắc có thể xảy ra khi người lớn rung lắc trẻ nhỏ đôi khi chỉ do giận dữ vì bé khóc quá lâu không dỗ được (ví dụ khi bé có cơn khóc co thắt hay khi vòi vĩnh một món đồ chơi). Nhưng thường nhất là chỉ để đùa giỡn với bé (tung bé lên rồi chụp, lúc lắc bé mạnh... cho bé vui) hay chỉ là đơn giản là đưa võng, đưa nôi thật mạnh…
 
Đây là một chấn thương não nghiêm trọng do rung lắc mạnh xảy ra ở trẻ dưới năm tuổi, thường nhất là trẻ dưới một tuổi. Do cơ cổ yếu, đầu to và nặng so với mình, khi bị lắc mạnh, não bộ mỏng manh của trẻ nhỏ sẽ di chuyển tới lui bên trong hộp sọ theo quán tính và dội vào hộp sọ cứng, làm rách mô não, mạch máu và thần kinh, gây ra các tổn thương bầm dập, sưng nề và xuất huyết não. Chỉ cần lắc một trẻ mới sinh vài giây đã có thể gây tổn thương não không hồi phục.
 
  Rung lắc trẻ có thể gây hại tới tính mạng của trẻ. Hình minh họa.
Rung lắc trẻ có thể gây hại tới tính mạng của trẻ. Hình minh họa.
Trong trường hợp nặng, trẻ có thể có các triệu chứng như kích thích, li bì, ăn bú kém, nôn, co giật, liệt, hôn mê, thậm chí tử vong. Nếu sống sót, trẻ có thể bị mù, điếc, chậm phát triển hay động kinh.
 
Trường hợp nhẹ hơn, trẻ có thể có vẻ bình thường sau khi bị lắc, nhưng lại có vấn đề về sức khỏe, học tập hoặc hành vi sau này.
 
Do đó, khi nghi ngờ bé bị lắc, bạn cần đưa bé đi khám ngay. Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh (Xquang, CT, MRI) hay khám mắt có thể giúp phát hiện được tổn thương.
 
Hội chứng trẻ bị lắc có thể phòng ngừa được, nếu bạn hiểu được các tình huống nguy cơ và tránh để nó xảy ra. Khi bạn không thể giữ bình tĩnh với bé, nhớ tìm người giúp đỡ. Nếu không có ai để giúp bạn, hãy đặt bé vào một chỗ an toàn và tránh ra một chỗ khác vài phút.
 
Đừng đùa giỡn, rung lắc bé quá mạnh tay. Và điều quan trọng là nhớ nói về vấn đề này với tất cả mọi người trong gia đình, kể cả người giúp việc, người trông trẻ bạn nhé!
 
Theo TS. BS. Phạm Diệp Thùy Dương – ĐH Y Dược TPHCM (Pháp luật Tp.HCM)


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông