Sản xuất hoa cúc dược liệu gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm: Hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng

20:27 20/01/2022

Triển khai chương trình Khuyến nông năm 2021, Trung tâm Khuyến nông – Sở NN&PTNT thành phố vừa tiến hành nghiệm thu mô hình: “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang sản xuất hoa cúc dược liệu, gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm”. Với kết quả đạt được, mô hình hứa hẹn sẽ là sự lựa chọn tốt cho quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém năng suất của thành phố.
Vườn hoa cúc dược liệu tại vùng hoa Thắng Thủy, Vĩnh Bảo

Từ xa xưa, hoa cúc dược liệu đã được biết đến là loài thảo dược rất tốt cho sức khoẻ con người, giúp thanh lọc cơ thể, an thần, làm đẹp da…

Đáng chú ý, đây còn là giống cây tương đối dễ trồng, dễ chăm sóc. Một năm trồng được một vụ. Trồng từ đầu tháng 8 đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 là có thể thu hoạch. Thời gian thu hoạch kéo dài trong khoảng 1,5 tháng.

Trung tâm Khuyến nông thành phố triển khai mô hình nhằm góp phần tăng năng suất, nâng cao hiệu quả cho vùng trồng cúc dược liệu tại xã Thắng Thủy, Vĩnh Bảo. Tham gia mô hình, các hộ dân không chỉ được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống, phân bón, chứng nhận VietGap mà còn được Trung tâm giới thiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch.

 Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, khi đi vào triển khai mô hình đã nhanh chóng thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của 124 hộ dân tiến hành trồng hoa cúc dược liệu trên diện tích 10 ha.

Lãnh đạo Sở NN& PTNT, Trung tâm Khuyến nông, Phòng NN& PTNT huyện Vĩnh Bảo nghiệm thu, đánh giá chất lượng sản phẩm hoa cúc dược liệu tại vùng hoa Thắng Thủy, Vĩnh Bảo

         Sau một thời gian triển khai, theo đánh giá bước đầu của Trung tâm Khuyến nông thành phố cho thấy, vùng cúc dược liệu trồng theo hướng dẫn kỹ thuật, sử dụng giống, phân bón của Trung tâm có thời gian sinh trưởng, phát triển, ra hoa hơn so với phương pháp trồng truyền thống, đại trà. Cụ thể, từ khi trồng đến khi báo nụ sớm hơn ngoài mô hình từ 5-6 ngày, thời gian nụ nở hoa sớm hơn ngoài mô hình 2-3 ngày, thời gian thu hoạch kéo dài hơn 3-4 ngày. Đáng chú ý, các sinh vật gây hại cũng giảm hơn so với cây cúc dược liệu trồng đại trà ngoài mô hình. Theo ước tính, hoa cúc dược liệu trồng theo mô hình cho năng suất cao hơn so với trồng đại trà, trung bình đạt gần 10 tấn hoa cúc/1ha, cao hơn so với trồng đại trà 1,4 tấn; giá trị đạt khoảng 345 triệu đồng/1 ha, cao hơn trồng đại trà khoảng 90 triệu đồng/1ha; thu lãi thuần khoảng hơn 300 triệu đồng/1 ha, cao hơn trồng đại trà ngoài mô hình khoảng 80 triệu đồng/1ha.

Lãnh đạo Sở NN& PTNT, Trung tâm Khuyến nông, Phòng NN& PTNT huyện Vĩnh Bảo nghiệm thu, đánh giá chất lượng sản phẩm hoa cúc dược liệu tại vùng hoa Thắng Thủy, Vĩnh Bảo

Hiện nay, toàn bộ hoa cúc dược liệu được trồng cả trong và ngoài mô hình tại xã Thắng Thuỷ cho năng suất, sản lượng đạt khoảng 200 tấn/vụ. Tất cả nguồn hoa cúc trên đều được HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Thắng Thủy bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau khi thu hoạch. Do có đầu ra ổn định nên nguồn thu mua hoa cúc dược liệu của HTX hiện không có giới hạn. Chính vì thế mà đơn vị đang tiếp tục đẩy mạnh công tác quy vùng, mở rộng diện tích trồng cúc để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Qua đó, góp phần tạo công ăn, việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương, đồng thời góp phần quan trọng vào việc khắc phục tình trạng diện tích đất bỏ hoang cũng như diện tích đất lúa kém năng suất tại xã.

Những thuận lợi, thành công bước đầu mô hình gặt hái được kể trên đang khích lệ người trồng hoa cúc dược liệu mạnh dạn mở rộng diện tích sản xuất, dần hình thành lên vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, ổn định, cho năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu “khó tính” của thị trường.

Đây thực sự là một trong những mô hình điển hình phát huy hiệu quả thiết thực trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất lúa kém năng suất để các địa phương khác tham quan, học tập, nhân rộng. Qua đó, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp thành phố phát triển theo hướng an toàn, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất để nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị nông sản trên cùng một đơn vị diện tích đất nông nghiệp. Cùng với đó, mô hình giúp người nông dân cũng như chính quyền các cấp từng bước “giải bài toán” khắc phục tình trạng ruộng đất bị bỏ hoang trước “làn sóng” CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, tăng thu nhập, từng bước cải thiện chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông