23:24 20/06/2016
Theo các chuyên gia y tế và dinh dưỡng, loãng xương là căn bệnh nguy hiểm, nhưng hiện nay người Việt - nhất là chị em phụ nữ - đều không biết gì về nó. Người Việt còn thờ ơ Đến khám cơ xương khớp tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), chị Trần Thị Nhung 45 tuổi trú tại Kiến Xương, Thái Bình được bác sĩ đo mật độ xương và chẩn đoán loãng xương độ 2. Chị Nhung cho biết từ trước đến nay chị chưa bao giờ nghĩ mình bị bệnh đó. Đau xương, nhức gối là chuyện bình thường của những phụ nữ ở quê làm việc nặng nhọc như chị. Khi nghe bác sĩ nói về nguy hại của loãng xương, chị Nhung rất lo lắng.
Hay như trường hợp của bà Vũ Thị Hà 54 tuổi, trú tại Yên Phong, Bắc Ninh. Bà Hà ngồi ở chiếc ghế nhựa cao khoảng 20cm, không may bị ngã rất nhẹ nhưng về sau đó vùng hông, đùi sưng to và nhức. Đi chiếu chụp bác sĩ cho biết chị bị gãy cổ xương đùi phải điều trị rất tốn kém và lâu dài. Bà Hà lúc nào cũng lo lắng không thể đi lại được. Đây là tác hại của bệnh loãng xương mà bà Hà không hề biết. Theo Bộ Y tế khoảng 2,8 triệu người Việt Nam bị loãng xương, đa số không có triệu chứng rõ rệt cho tới khi xương gãy và để lại những hậu quả nghiêm trọng mới biết. Ông Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, xương bắt đầu suy giảm mật độ khi bước vào độ tuổi 35. Khi đó, nếu không có chế độ dinh dưỡng phù hợp để bổ sung canxi cần thiết và có những biện pháp phòng ngừa thích hợp khác, lượng canxi dự trữ trong xương sẽ suy giảm dần, dẫn tới tình trạng mất xương và gây ra loãng xương sau đó. Căn bệnh vô cùng tốn kém TS Bác sĩ Võ Xuân Sơn – Giám đốc trung tâm y khoa EXSON TP.HCM cho biết Với dân số ngày càng già hơn, số người lớn tuổi ngày càng tăng, và như vậy số người bị loãng xương cũng sẽ tăng theo một cách tỷ lệ thuận. Nắm bắt các kiến thức về loãng xương đóng vai trò quyết định trong việc phòng và chống loãng xương. Loãng xương được mệnh danh là một “sát thủ thầm lặng” do quá trình loãng xương diễn ra âm thầm, lặng lẽ. Người bệnh cứ nghĩ rằng mình khỏe mạnh trong khi thực tế là bộ xương đã yếu đi rất nhiều. Thực tế cho thấy, đa số người bệnh bị gãy xương do loãng xương chỉ biết mình bị loãng xương sau khi bị gãy, tức là biết bệnh khi bệnh đã quá nặng, khả năng chữa bệnh đã trở nên rất khó khăn. Theo thống kê năm 1997 của các tác giả Mỹ - nơi được coi là có nền y khoa hiện đại nhất thế giới, một năm sau khi bị gãy cổ xương đùi, có tới 20% số người bị chết, 30% khác bị tàn phế vĩnh viễn, 40% số người không thể tự đi mà không có trợ giúp, số còn lại bị mất ít nhất một chức năng nào đó mà tự người bệnh không thể thực hiện được. TS Sơn cho biết đối với gãy cột sống, tình hình còn u ám hơn nhiều. Do không thể cử động và xoay trở do đau, nhiều người bệnh bị viêm phổi, nhiễm trùng đường tiểu, thậm chí còn bị loét, từ đó dẫn đến tử vong hoặc tàn phế vĩnh viễn. Chi phí để điều trị các trường hợp gãy xương do loãng xương rất, rất cao. Ở Mỹ, năm 1997, người ta phải bỏ ra 13,8 tỷ đô la để chữa cho các trường hợp này, trong đó chi phí nằm viện chiếm hết 8,6 tỷđô la, chi phí chăm sóc tại nhà chiếm hết 3,9 tỷ đô la và chi phí điều trị ngoại trú là 1,3 tỷ đô la. Ở châu Âu, chi phí có phần thấp hơn chút ít. Ở Pháp, năm 1996 người ta phải bỏ ra 1 tỷ bảng Anh để chữa cho các trường hợp gãy cổ xương đùi (chiếm 1/6 số lượng gãy xương do loãng xương). Ở Anh, năm 1999, chi phí nằm viện để điều trị gãy xương do loãng xương hết 847 triệu bảng Anh. Ở Việt Nam, chúng ta không có con số thống kê. Nhưng chi phí chi cho điều trị loãng xương cũng rất lớn. Ngay cả đối với những gia đình có khả năng, chi phí chữa trị gãy xương do loãng xương cũng là một gánh nặng. Gần đây, do có một số kỹthuật mới nên việc điều trị gãy xương do loãng xương mặc dù vẫn tốn kém nhưng có hiệu quả hơn, giảm bớt chi phí nằm viện và chi phí chăm sóc người bệnh tại nhà. Phòng ngừa bệnh loãng xương nhất là ở phụ nữ sau độ tuổi sinh đẻ, các chuyên gia y tế đều khuyến nghị sau tuổi 35 chị em nên bổ sung canxi phòng ngừa loãng xương, có thể đo mật độ xương để kiểm tra tình trạng loãng xương. Theo P.Thuý/Infonet |
22:29 23/11/2024
09:46 21/11/2024