11:03 26/06/2022 Từ cuối thế kỷ 19, cửa biển Hải Phòng đã được người Pháp chọn làm đầu mối giao thương với cả khu vực đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Nam Trung Quốc. Điều quan trọng là, vào thời điểm người Pháp thành lập thành phố Hải Phòng ngày 19-7-1888, vận tải đường thủy là ngành chủ đạo, trong khi chưa có vận tải hàng không, và đường bộ cũng rất hạn chế...
Sản xuất xúc – xích tại Halong Canfoco.
Chính vì thế, vị trí địa lý của Hải Phòng có tầm chiến lược, và ngay từ khi hình thành, Hải Phòng đã phát triển thành trung tâm tài chính, công nghiệp, có hệ thống cảng lớn nhất miền Bắc, nằm trong nhóm những thành phố lớn nhất Đông Dương.
Ngoài cảng “6 kho” và nhà máy xi măng là biểu tượng một thời, Hải Phòng còn có các nhà máy công nghiệp, công trình giao thông khác, trải qua hàng trăm năm đã trở thành những địa danh gắn liền với thành phố như: Máy Tơ, Máy Chai , Máy Đá, Máy Nước, Trạm Bạc, Cát Bi, Cầu Quay…
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đặt dấu chấm hết cho sự đô hộ của người Pháp suốt gần 100 năm tại Việt Nam, ngày lực lượng cách mạng tiến vào tiếp quản Hải Phòng cũng là ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng (13-5-1955).
Tuy nhiên, trong 300 ngày tập kết chiến lược theo hiệp định Giơ-Ne-Vơ, người Pháp đã có nhiều hoạt động triệt thoái nguồn lực của thành phố, những nhà máy điển hình như cơ khí “Ca-rông”, “Com-ben”, “Sắc-rích”… chỉ còn lại đống đổ nát. Nhưng với những nỗ lực diệu kỳ của những người con Hải Phòng, các cơ sở kinh tế thành phố đã nhanh chóng được phục hồi.
Điển hình trong giai đoạn đầu của công cuộc tái thiết, chỉ 5 tháng sau ngày giải phóng, tổ hợp cơ khí “Rô-be” cũ mang tên mới Duyên Hải, đã trở thành lá cờ đầu của phong trào thi đua trong ngành công nghiệp miền Bắc. Rồi từ nền tảng “6 kho”, Cảng Hải Phòng đã trở thành một trong những thương hiệu lớn nhất cả nước, cửa ngõ giao thương đối ngoại đứng đầu miền Bắc và xứng danh là hậu phương lớn của miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Đến nay Hải Phòng có hơn 40 doanh nghiệp cảng, tổng chiều dài cầu cảng hơn 11 nghìn mét, lượng hàng hóa qua cảng tăng trưởng từ 13 đến 15% mỗi năm. Cùng với đó, thương hiệu “xi măng Hải Phòng” với sản phẩm mang nhãn hiệu “rồng xanh” nổi tiếng, dù bị người Pháp hủy hoại nặng nề, nhưng đã phục hồi mạnh mẽ, tiếp tục trụ vững trong khói lửa chiến tranh, kết nối bền vững các công trình. Sau hơn hơn 100 năm xuất hiện, xi măng “rồng xanh” vẫn tiếp tục bay cao và bay xa, đem theo hình vóc Hải Phòng tới muôn nơi.
Nhưng nói về sức sống của các thương hiệu của Hải Phòng, phải nói đến các sản phẩm công nghiệp nhẹ, ra đời sau ngày miền Bắc được giải phóng. Đầu tiên là đồ hộp Hạ Long (nay là Cty cổ phần đồ hộp Hạ Long), được thành lập năm 1957, có thể coi là tiên phong của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam.
Tròn 65 năm được khẳng định, hiện với tên giao dịch quốc tế “Halong Canfoco”, thương hiệu Hạ Long vẫn nổi tiếng với các sản phẩm đóng hộp như cá, thịt, rau và trái cây, xúc xích… đã giành được nhiều giải thưởng uy tín. Đặc biệt chả mực Hạ Long là sản phẩm duy nhất của Hải Phòng được nằm trong nhóm 39 chỉ dẫn địa lý hàng hóa mà EU dành cho Việt Nam.
Cũng trên lĩnh vực chế biến hải sản, Hải Phòng đã phát triển thành công thương hiệu mới trên nền tảng cũ, đó là nước mắm Cát Hải. Vốn dĩ là nhà máy sở hữu sản phẩm nước mắm Vạn Vân nổi tiếng khắp Đông Dương, nước mắm Cát Hải hiện là nhãn hiệu độc quyền của Công ty CP chế biến dịch vụ thủy sản Cát Hải.
Sản xuất từ cá biển với công nghệ cổ truyền phân giải bằng phương pháp lên hương tự nhiên, nước mắm Cát Hải đã đăng ký bảo hộ tại thị trường Việt Nam, Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á, trở thành đặc sản nổi tiếng đứng vững trên thương trường.
Sản phẩm ống nhựa của Công ty nhựa Tiền Phong.
Trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960-1965), kinh tế Hải Phòng có sự bứt phá tột bậc, những thương hiệu mới xuất hiện hoặc được phục hồi trong giai đoạn này đến nay vẫn sáng giá. Đáng kể như “Sơn Hải Phòng” ra đời tháng 1-1960, nhanh chóng trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu miền Bắc lúc đó.
Đến nay, sản phẩm của Công ty CP sơn Hải Phòng không chỉ đủ sức cạnh tranh tại thị trường Việt Nam mà còn có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Nói đến Sơn Hải Phòng, cũng cần phải nhắc đến một thương hiệu “ruột thịt” là hóa chất “Vico”.
Được thành lập từ những lao động dôi dư của Cty Sơn Hải Phòng năm 1997, giờ đây Vico đã trở thành doanh nghiệp dẫn đầu với các sản phẩm bột giặt, chất tẩy rửa, hóa mỹ phẩm… riêng sản phẩm bột giặt của Vico chiếm khoảng 12% thị phần nội địa, là bạn hàng quan trọng của các Tập đoàn lớn của thế giới như Procter & Gamble (P&G); MM Mega Market; Toyota Tsusho…
Cùng thời gian này, Hải Phòng có một thương hiệu rất mới mang tên “nhựa Thiếu Niên Tiền Phòng”, khi vừa xuất hiện đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước, với các sản phẩm bóng bàn, đồ chơi, dép nhựa…
Thời điểm hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, nhiều ngành kinh tế mũi nhọn của Hải Phòng đứng trước nguy cơ đổ vỡ toàn diện, nhựa Thiếu niên Tiền Phong đã linh hoạt xoay chiều, vượt qua cuộc khủng hoảng, củng cố và phát triển thành thương hiệu vượt trội. Công ty đã mạnh dạn chuyển hẳn sang sản xuất ống nhựa PVC, PEHD, PPR dùng trong lĩnh vực cung cấp nước sạch, và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.
Hiện thương hiệu Tiền Phong đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa Việt Nam và các nước như Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanma... Nhiều năm liền Tiền Phong đạt giải thưởng Sao Vàng Đất Việt, danh hiệu dành cho top 10 thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam.
Trong khuôn khổ của một bài viết, khó có thể liệt kê hết những thương hiệu đã, đang góp phần làm sáng thêm bản đồ công thương Hải Phòng trên tiến trình hội nhập quốc tế. Giờ đây, sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, tiếc rằng nhiều thương hiệu đã không giữ được phong độ trong sức cuốn thị trường như Len Hải Phòng, Sắt tráng men nhôm, thảm len Hàng Kênh…
Nhưng Hải Phòng tự hào đã bước ra từ cuộc thử thách lớn, là địa phương đứng đầu cả nước về thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài, đồng thời là điểm đến của các tập đoàn kinh tế lớn bậc nhất cả nước như Vin Group, Sun Group, Him Lam… Hải Phòng cũng xuất hiện nhiều thương hiệu mới, hòa chung vào sự phát triển tất yếu của thời cuộc.
Có thể khẳng định, ở một góc độ khác, thương hiệu Hải Phòng xứng đáng là một nét văn hóa thấm sâu vào tiềm thức của những người con thành phố xa quê. Mà mỗi lần nhắc đến, trong nỗi niềm hưng hức của miền nhớ, những đồ dùng, món ăn, địa danh… mang tên Hải Phòng lại theo ký ức dội về.
Lê Minh Thắng
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão