Ở đâu đó trên đất nước ta vẫn có những tình yêu, sự hy sinh, cống hiến thầm lặng cho tổ quốc, điều tưởng chừng chỉ có trong thời chiến đã đi vào lịch sử mấy chục năm nay. Đó là những người mẹ mong con về qua bao mùa tết, đó là những người vợ xa chồng khắc khoải chờ đợi, đó là những đứa trẻ mong ngóng cha về, có em còn chưa một lần gặp mặt cha…
| Tuần tra bảo vệ biển đảo Tổ quốc |
Ở hai đầu nỗi nhớ
Có rất nhiều người con ưu tú của thành phố Cảng đóng quân ở huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, đang ngày đêm kiên cường bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của tổ quốc. Một phần sức mạnh giúp những người lính luôn vững tay súng nơi đầu sóng ngọn gió ấy chính là gia đình - “hậu phương”, nơi nuôi dưỡng lòng anh dũng quả cảm của họ - những cán bộ, chiến sỹ đã gác lại những khó khăn mất mát riêng để hoàn thành nhiệm vụ.
Gần giáp tết, trong cái rét ngọt cuối năm, tôi rời thành phố về thôn Mỹ Lộc, xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng, tới thăm gia đình bà Bùi Thị Thanh - mẹ trung úy Trần Văn Hoài, hiện công tác tại đảo Chìm thuộc huyện đảo Trường Sa. Bà Thanh tâm sự: “Đã 11 năm em nó không ăn tết cùng gia đình, lúc nào tôi cũng động viên con giữ gìn sức khỏe để phụng sự tổ quốc thật tốt”. Đang dang dở lời, bỗng ánh mắt bà sáng lên khi chiếc điện thoại trong túi rung từng hồi do cậu con trai điện về. Với bà, mỗi lần con gọi điện về là khoảng thời gian thật hạnh phúc.
Đã thành thói quen, bà thường bật loa ngoài để nghe được giọng con trai, phía đầu dây bên kia một giọng nói cứng cỏi vang lên: “Mẹ khỏe không? Hải Phòng chắc lạnh lắm hả mẹ?”. “Mẹ khỏe, Hải Phòng lạnh, nhưng chắc không lạnh bằng ngoài đó, con mặc đủ áo ấm nhé”. Tôi vui miệng chen vào: “Mẹ anh muốn bế cháu nội lắm rồi”, giọng anh cười ngượng nghịu.
Bà Thanh dặn thêm con trai: “Gắng lên con nhé, bố mẹ thương con lắm. Tết ở nhà mẹ đã có xóm làng và các bác chăm lo rồi…”. Bà bần thần buông máy và dõi mắt ra phía con ngõ đầu làng như ngóng chờ một điều gì đó. Cuộc đàm thoại xúc động của hai mẹ con từ đất liền với đảo kéo dài trong vài phút, qua cuộc nói chuyện, tiếng sóng biển, tiếng gió của đảo nghe gần gũi thân thương đến kỳ lạ.
Rời Tiên Lãng khi trời đã nhá nhem tối, theo giới thiệu của Hội LHPN huyện Vĩnh Bảo, chúng tôi tìm đến thôn 10, xã Hòa Bình, hỏi về nhà chiến sĩ Nguyễn Cao Nguyên, lính đảo Trường Sa. Người dân nơi đây, từ người già đến trẻ nhỏ, không ai là không biết gia đình anh Nguyên, với họ, có một người con là lính đảo Trường Sa là niềm tự hào của xóm làng.
Thiếu úy Nguyên là con thứ hai trong gia đình có 4 anh chị em, chị Vũ Thị Huyền Trang - vợ của anh Nguyên luôn tự hào về người chồng đang ở nơi đầu sóng ngọn gió. Chị tâm niệm: “Làm gì cũng được, em lo hết việc nhà để chồng không phải nghĩ ngợi lo toan gì. Ở nhà, em thay anh đỡ đần cha mẹ và chăm sóc ông nội. Việc em làm ở quê so với anh ngoài đảo thì bõ bèn gì?”.
Chị chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống của mẹ con chị khi vắng anh ở nhà. Đó là câu chuyện khi chị sinh đứa con đầu lòng, anh đang theo học tại trường Trung cấp Kỹ thuật mật mã, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, lúc trở dạ không có anh bên cạnh, niềm động viên lúc đó là hai bên ông bà nội ngoại và đứa trẻ kháu khỉnh vừa chào đời.
Những tưởng đứa con thứ 2 chuẩn bị sinh chị sẽ có anh ở bên cạnh nhưng anh lại nhận giấy công tác ra đảo Đá Nam, Trường Sa công tác, một mình bụng mang dạ chửa, vượt cạn hai lần đều không có chồng bên cạnh. Nhiều hôm chị đang cho con ăn, con khóc, anh gọi điện về, rồi năn nỉ chị đừng dỗ con, cứ để con khóc anh nghe cho đỡ nhớ, tết này anh lại không về… Vừa kể, đôi mắt người vợ trẻ vừa long lanh nhòe nước.
Trong không khí đón giao thừa năm 2012, tại ngôi nhà số 45 Bạch Đằng 1, đường Đà Nẵng, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, chị Vũ Thị Việt đón cái tết vắng chồng bên cạnh. Thượng úy Đỗ Minh Hoài, chiến sỹ đảo Nam Yết, huyện đảo Trường Sa, xa nhà đã lâu. Với người lính Hải quân, đó cũng là chuyện rất đỗi bình thường. Chị Việt nhìn xa xăm rồi thốt lên: “Những lúc khó khăn vất vả, năm hết tết đến không có chồng bên cạnh chị cũng quen rồi.
Hơn nữa anh đi làm nhiệm vụ vì tổ quốc, quê hương gửi gắm, chị coi đó là trách nhiệm và cũng là niềm tự hào mà không phải người vợ nào cũng có được. Chị chỉ mong anh cùng các chiến sỹ hãy giữ gìn sức khỏe, vững ý chí, chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương. Các anh cứ yên tâm, ở đất liền, chúng tôi - những người vợ chiến sĩ luôn là hậu phương vững chắc để các anh hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Và thật vui khi tết này, vợ chồng chị được đoàn tụ.
Thay cho lời kết
Còn rất nhiều những câu chuyện về ngày tết “không sum họp” của gia đình các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ ngoài đảo Trường Sa. Tôi chẳng thể nào diễn tả hết những tâm sự, những tình cảm “hậu phương” của các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa. Thật may mắn khi tôi được tiếp xúc với những người thân, gia đình các chiến sĩ đang vững tay súng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Tết là ngày đoàn tụ gia đình, nhưng vào những thời khắc quan trọng của một năm, những người chiến sỹ ấy lại tạm gác niềm hạnh phúc cá nhân để đến nơi đầu sóng ngọn gió.
Trong lời tâm sự của gia đình các chiến sỹ, không giấu nổi nỗi nhớ mong da diết và không khỏi lo lắng cho người thân mình đang đứng nơi quanh năm sóng vỗ. Để người lính đảo Trường Sa kiên cường, bền gan trước sóng gió, những gia đình mà tôi đã gặp chính là hậu phương lớn, là điểm tựa tinh thần vững chắc nhất cho các anh.
Như lời chiến sĩ Trần Văn Hoài, đang công tác tại đảo Chìm, thuộc huyện đảo Trường Sa tâm sự với tôi trước khi gác máy: “Nhớ gia đình, người thân ở quê hương, tôi như được tiếp thêm sinh lực để vững tay súng đứng gác giữa biển khơi, mình là dân biển mình thì phải giữ lấy biển”. Nghe câu chuyện về họ, tôi hiểu tại sao những người lính Trường Sa luôn sẵn sàng xung phong ra đảo công tác, thêm tự hào hơn về các anh, những người lính nơi đầu sóng, ngọn gió, nơi cực đông thân yêu của tổ quốc.
|