Thăm lại trường học đầu tiên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

17:30 26/12/2015

 


 

Trầm mặc chùa Mét
Trầm mặc chùa Mét

Đó là chùa Mét - một nét nhạc trầm tư giữa vùng đồng bằng thấm đẫm chiều sâu văn hóa và lịch sử của Hải Phòng...

Nơi nâng bước một thiên tài


Chúng tôi về thăm chùa Mét ở thôn Lê Lợi, xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, trong một chiều đông ươm vàng sắc nắng. Bước qua chiếc cổng tre đơn sơ, chúng tôi như lạc vào một không gian cổ tích trầm mặc, nơi thời gian ngưng đọng trong sự tĩnh mịch linh thiêng. Nắng nghiêng nghiêng đổ trên vườn tháp cổ, rọi xuống mái chùa rêu phong. Những giọt nắng lặng lẽ xuyên qua những vòm cây cổ thụ, rơi xuống vườn chùa như lắng đọng từ hàng trăm năm trước.

Ngôi chùa cổ kính này là cả một kho tàng về nghệ thuật kiến trúc, tượng pháp, văn hóa và lịch sử. Trong hương trầm thơm thanh tịnh, chúng tôi phiêu du qua thời gian hơn nửa thiên niên kỷ qua câu chuyện của bác Trần Đăng Tám - người coi chùa và cũng là cháu 18 đời của cụ Trần Khắc Trang - người có công xây dựng chùa Mét từ thế kỷ 15.

Chuyện kể rằng, năm 1407, võ tướng họ Trần là Trần Khắc Trang cùng tướng Đỗ Nhân Giám bị thất bại khi chỉ huy cánh quân bờ Bắc trong trận đánh ở cửa Hàm Tử chống quân Minh xâm lược. Tướng Trần Khắc Trang bị thương nên đã cùng gia quyến tìm về sống mai danh ẩn tích tại Cổ Am - quê một tùy tướng dưới quyền. Trong thời gian sinh cơ lập nghiệp ở Cổ Am, Trần Khắc Trang xây dựng một ngôi chùa tại khu rừng Mét - nơi gia tộc khai hoang lập đất, vì thế chùa gọi là chùa Mét.

Nơi đây cũng chính là trường học đầu tiên của cậu bé Nguyễn Văn Đạt, tức Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Từ đây, Nguyễn Bỉnh Khiêm bắt đầu con đường học vấn để rồi trở thành nhân tài sáng chói trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 16. Cha Nguyễn Bỉnh Khiêm là giám sinh Nguyễn Văn Định nổi tiếng hay chữ, mẹ là Nhữ Thị Thục học rộng biết nhiều, là con gái út của quan Tiến sĩ Nhữ Văn Lan - Thượng thư bộ Hộ triều Lê Thánh Tông.

Mặc dù được dạy dỗ trong một gia đình có học vấn uyên thâm nhưng từ nhỏ, Văn Đạt vẫn được gửi đi học các nhà Nho nổi tiếng trong vùng. Tại chùa Mét, người thầy đầu tiên của Văn Đạt là sư trụ trì Trần Ông Sóc. Nhà sư vốn là một danh sĩ nhà Lê, văn võ song toàn, vì chán cảnh quan trường nên bỏ đi tu, thời gian còn lại dành để dạy chữ miễn phí cho trẻ em quanh vùng.

Pho tượng người thầy đầu tiên của Nguyễn Bỉnh Khiêm - sư Tổ Trần Ông Sóc
Pho tượng người thầy đầu tiên của Nguyễn Bỉnh Khiêm - sư Tổ Trần Ông Sóc



Theo chân bác Trần Đăng Tám bước vào tòa nhà thờ tổ, chúng tôi cảm nhận được không khí trang nghiêm của 7 gian thờ tổ với một pho tượng Bồ Đề Đạt Ma và 5 pho tượng tổ của chùa. Chúng tôi dừng lại khá lâu trước bức tượng sư tổ Trần Ông Sóc - người thầy mà Nguyễn Bỉnh Khiêm theo học suốt những năm tháng thuở thiếu thời và hết lòng yêu kính. Cũng chính tại nhà thờ tổ này, nơi chúng tôi đang đứng, cách đây hơn nửa thiên niên kỷ, cụ Trạng Trình đã ngồi học với những người bạn cùng trang lứa.

Tòa nhà thờ tổ này là công trình bằng gỗ lim, được đánh giá là có kiến trúc độc đáo. Bác Tám cho biết, nền nhà nơi Nguyễn Bỉnh Khiêm từng ngồi học và là nơi các sư ngồi hạ, đều dốc từ cửa trước về phía sau nhà. Tường phía sau đều là cửa kiểu lá quân bài, vì thế từ cả phía trước và sau nhà đều có thể mở vào lớp học được. Những chiếc cửa phía sau đều đã hư hỏng, đến nay, chùa đã xây mới toàn bộ tường sau của tòa nhà thờ tổ, kiến trúc nguyên thủy không còn.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm



Sau khi từ quan về ở ẩn, Nguyễn Bỉnh Khiêm thường qua lại chùa Mét vãn cảnh thiền. Ông không những góp công mà còn vận động khách thập phương công đức tiền của trùng tu chùa, dựng cầu “Tràng Xuân” bằng đá trước cửa chùa. Nay cầu không còn, di tích còn lại là một nhịp cầu bằng đá khắc ba chữ “Tràng Xuân Kiều” vẫn được trân trọng lưu giữ tại đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày nay.

Báu vật đất Cổ Am

Là di tích lưu niệm liên quan đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, chùa Mét còn lưu giữ những giá trị văn hóa - lịch sử quý báu. Chùa Mét xưa có quy mô tương đối lớn, vườn chùa rộng hàng trăm mẫu. Gác chuông chùa cấu trúc hai tầng, 8 mái sừng sững, cao 12m. Trải bao thăng trầm lịch sử và qua hai đợt trùng tu lớn vào năm 1853 và 1923 nên kiến trúc cũ của chùa không còn nữa.
Gian thờ tổ, nơi Nguyễn Bỉnh Khiêm từng ngồi học

Hiện nay chùa Mét chỉ còn lại tòa Phật điện 7 gian và nhà thờ tổ 7 gian nối liên nhau tạo thành hình chữ “nhất”. Riêng tòa Phật điện có bố cục hình chữ “sơn” là một kiểu kiến trúc độc đáo, hiếm thấy trong các công trình kiến trúc nghệ thuật cổ ở nước ta.

Sách “Chùa cổ Hải Phòng” (NXB Hải Phòng, 2014) chép: “Kiến trúc chùa mang phong cách triều Nguyễn… Tòa Điện phật còn khá nguyên vẹn và chắc chắn, ít được trang trí mà chủ yếu là bào trơn đóng bén, đôi chỗ điểm vài đường lá hoa cách điệu. Đặc biệt có một số bộ câu đối hình lòng máng được chạm khắc ngay trên cột cái rất đẹp. Đây là nét độc đáo trong kiến trúc chùa Mét”. Cũng theo các chuyên gia sử học, chùa Mét có nhiều tượng Phật và đồ thờ quý, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 18-19 như bộ tượng Tam thế, tượng Quan Âm chuẩn đề, tượng Đức ông, bia hậu Phật… được chạm khắc tinh xảo.

Gian thờ tổ, nơi Nguyễn Bỉnh Khiêm từng ngồi học
Gian thờ tổ, nơi Nguyễn Bỉnh Khiêm từng ngồi học



Dạo bước quanh chùa trong khu vườn u tịch, bác Tám cho biết, người dân khắp nơi trong vùng từ xưa đã truyền miệng câu: "đông Cổ Am, nam Hành Thiện” để chỉ những vùng đất học nổi tiếng của Hải Phòng và Nam Định. Kế thừa và phát huy truyền thông hiếu học của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, đất Cổ Am thời nào cũng sản sinh ra nhiều hiền tài cống hiến cho dân tộc.

Theo thống kê của các nhà chép sử địa phương, Cổ Am có tới 28 dòng họ. Trong đó, họ Trần và họ Đào là 2 dòng họ lớn nhất, đồng thời cũng là 2 dòng họ có nhiều người đỗ đạt nhất. Cụ tổ của họ Trần là tiến sĩ Trần Lương Bật, đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ khoa Giáp Thân (năm 1664), từng làm quan tới chức Hữu thị lang bộ binh. Rồi như Trần Công Hân, đỗ tiến sĩ năm Quý Sửu (năm 1733) khi mới 32 tuổi. Ông là một trong "tứ hổ Tràng An", là một trong những người có học vấn uyên thâm bậc nhất thời bấy giờ.

Đến những năm đầu thế kỷ XX, có hai cây bút lừng danh của nhóm Tự lực văn đoàn là văn sĩ Trần Tiêu và nhà văn Khái Hưng cũng là con dân đất Cổ Am. Còn hiện nay, nghệ sĩ Trần Lực và nhiều giáo sư, tiến sĩ tiêu biểu khác cũng được sinh ra tại mảnh đất này…

Hôm nay, chùa Mét vẫn trầm mặc trong vòng ôm của rặng tre xanh. Chùa đang được trùng tu, tôn tạo để đón nhân dân và du khách thập phương tìm về với lịch sử, cội nguồn và tìm đến một nơi bình yên, thanh tịnh.

Hân Minh


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông