Thêm hy vọng cho người mắc bệnh tim trong hành trình mang lại nhịp đập khỏe mạnh của trái tim

    15:35 16/09/2022

    Thông liên thất là một bệnh lý tim bẩm sinh, có sự hình thành lỗ thông giữa hai buồng tâm thất. Đây là bệnh tim bẩm sinh hay gặp nhất sau dị tật bẩm sinh ở van động mạch chủ, và chiếm khoảng 25% các bệnh tim bẩm sinh. Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp vừa phẫu thuật thành công tim hở cho người bệnh bị thông liên thất bẩm sinh.

    Phát hiện căn bệnh thông liên thất bẩm sinh cách đây 8 năm chị V.T.H.T (1989) địa chỉ Thụy Tân, Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) thường xuyên bị cảm giác mệt mỏi, tức ngực, khó thở mỗi khi gắng sức gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống cũng như sinh hoạt hàng ngày. Do kinh tế gia đình còn khó khăn nên phải sau từng ấy năm sống chung cùng căn bệnh chị mới có điều kiện để được chữa trị.

    Ths.BSCKII Lê Minh Sơn – Trưởng Khoa Lồng ngực Tim mạch, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cho biết: Người bệnh nhập viện vì lí do tức ngực, khó thở nhẹ. Kết quả siêu âm doppler tim cho thấy có lỗ thông liên thất phần quanh màng, có tăng áp lực động mạch phổi.

    Kíp mổ tim của Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã tiến hành hội chẩn với ê kíp mổ tim Bệnh viện E nhận thấy người bệnh cần được tiến hành phẫu thuật vá thông liên thất nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm như viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, tăng áp lực động mạch phổi nặng, suy tim,…. Dưới sự hỗ trợ của ê kíp mổ tim Bệnh viện E, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã tiến hành phẫu thuật tim hở cho người bệnh.

    Các y, bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp tiến hành phẫu thuật tim cho người bệnh dưới sự hỗ trợ của ê kíp mổ tim Bệnh viện E

    Chia sẻ về quá trình phẫu thuật cho bệnh nhân, Ths.BSCKII Lê Minh Sơn – Trưởng Khoa Lồng ngực Tim mạch cho biết:  Khi hệ thống máy tuần hoàn tim phổi nhân tạo được thiết lập, các bác sĩ đã tiến hành bộc lộ tim. Sau khi mở tim, quan sát thấy lỗ thông liên thất phần quanh màng kích thước 7mm, các bác sĩ đã tiến hành vá lỗ thông bằng miếng vá nhân tạo.

    Kết quả, sau 3 giờ phẫu thuật thành công, người bệnh đã được theo dõi chăm sóc đặc biệt tại Khoa Hồi sức tích cực Ngoại. Đến nay tình trạng người bệnh đã ổn định được tiếp tục điều trị tại Khoa Ngoại Lồng ngực tim mạch. Sau khi tình trạng sức khỏe ổn định, chị V.T.H.T đã hết sức xúc động gửi lời cảm ơn đến tập thể các y, bác sĩ bệnh viện đã tận tình cứu chữa cho chị và mong rằng bệnh viện sẽ ngày càng phát triển hơn nữa.

    Theo các chuyên gia y tế, dấu hiệu và triệu chứng của thông liên thất nặng thường xuất hiện ngay những tháng đầu, thậm chí trong những ngày đầu của trẻ mới sinh. Các triệu chứng thường thấy ở trẻ là khó thở hoặc thở nhanh, trẻ bỏ ăn hoặc ăn kém, trẻ nhanh mệt. Trẻ rất hay bị viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần. Nếu trẻ có những triệu chứng này, bạn nên cho trẻ đến khám bác sĩ. Tuy nhiên, rất nhiều trẻ sẽ không có triệu chứng gì mà phát hiện tình cờ khi đi khám sức khỏe. Một số chỉ phát hiện khi đã trưởng thành.

    Ca phẫu thuật thành công là niềm vui của người bệnh V.T.H.T và các y, bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp

    Ngoài ra, thông liên thất thường gây ra tiếng thổi ở tim và khi đi khám bác sĩ có thể dễ dàng phát hiện ra khi nghe tiếng thổi này. Khi phát hiện tiếng thổi, các bác sĩ sẽ thường gửi đi làm các xét nghiệm để chẩn đoán như điện tâm đồ, siêu âm tim, Xquang tim phổi, đo độ bão hòa ôxy, một số trường hợp có thể phải làm thông tim để chẩn đoán. Thông tim cũng có thể mang lại những thông tin quyết định việc có hay không phẫu thuật bít lỗ thông liên thất.

    Cũng theo Ths.BSCKII Lê Minh Sơn chia sẻ, Phẫu thuật tim hở rất phức tạp và căng thẳng. Trong lúc phẫu thuật phải thiết lập hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể bằng máy tim phổi nhân tạo và làm ngừng tim mới có thể sửa chữa các tổn thương trong lòng quả tim. Chính vì vậy, yêu cầu của một ca phẫu thuật tim đòi hỏi độ chính xác rất cao và nghiêm ngặt, sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phối hợp ăn ý xuyên suốt trong tất cả các khâu từ hội chẩn, chẩn đoán bệnh, tiền phẫu, phẫu thuật và hậu phẫu, hồi sức.

    Trong quá trình thực hiện phẫu thuật cần có sự phối hợp nhịp nhàng, chính xác của các kíp gây mê hồi sức, kíp vận hành máy tim phổi nhân tạo cùng các phẫu thuật viên. Tất cả phải thực hiện trong môi trường vô trùng gần như tuyệt đối vì nhiễm trùng trong phẫu thuật tim hở sẽ gây hậu quả khôn lường, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Bên cạnh đó, việc chăm sóc người bệnh sau hậu phẫu cũng cần theo một chế độ nghiêm ngặt mới có thể đảm bảo thành công.

    Thành công trong phẫu thuật tim hở cho người bệnh V.T.H.T là thành quả của quá trình đồng bộ không chỉ về trang thiết bị, cơ sở hạ tầng mà còn là sự quan tâm đào tạo về chuyên môn cho ê kip học hỏi, tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm từ các chuyên gia đầu ngành. Đây cũng là động lực mạnh mẽ giúp tập thể cán bộ y, bác sĩ bệnh viện nỗ lực triển khai các kỹ thuật khó, chuyên sâu hơn nữa nhằm tạo bước đột phá trong lĩnh vực điều trị tim mạch của ngành Y tế Hải Phòng nói chung và Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp nói riêng. Qua đó, tiếp thêm hy vọng cho người mắc bệnh tim trên địa thành phố và các vùng lân cận trong hành trình mang lại nhịp đập khỏe mạnh cho trái tim.

      VŨ DUYÊN

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông

    Liên kết hữu ích