Thị trường Tết Giáp Ngọ - bình ổn nhưng không thể chủ quan

17:15 11/02/2014

Theo dự báo trước đó, Tết Nguyên đán Giáp Ngọ sẽ có nhiều diễn biến khó lường bởi tác động tiếp tục của tình hình kinh tế khó khăn, cũng như hạn chế về nguồn cung do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, diễn biến trong tết đã phản ánh một cục diện khá bình ổn, nhưng phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm.

Cây lộc đắt tiền tiêu thụ chậm
Cây lộc đắt tiền tiêu thụ chậm

Nỗi lo trước tết

Có thể nói chu kỳ tăng giá dịp cuối năm Quý Tỵ xuất hiện khá sớm, xảy ra ngay trước tết Giáp Ngọ hàng tháng khiến thị trường khó dự báo, trong bối cảnh thu nhập người dân bất ổn định, kinh tế vĩ mô tiềm ẩn nhiều nỗi lo. Từ thực phẩm chế biến, tiếp đến là các loại thực phẩm tươi sống tăng theo từng ngày, mà một phần lớn do nguồn cung bị ảnh hưởng.

Cụ thể, tính trong một tháng trước tết Nguyên đán, giá rau xanh tăng bình quân 50%, có loại tới 100%. Đến nỗi gần sát tết, nhiều loại rau khan hiếm, khó kiếm tại các chợ truyền thống, vì người buôn ngại giá cao khó bán. Riêng rau xanh, khi giá đắt thì chất lượng luôn kém, lại không đồng nhất. Trong khi đó, thịt gà ta cũng lập kỷ lục khi tăng tới 160.000 đồng/kg, kéo theo thịt lợn tăng khoảng trên 10%. Còn thủy sản cũng đua nhau tăng từ 30 đến 70% tùy từng loại, ví dụ như tôm thẻ từ 140.000 đồng lên 250.000 đồng/kg, tôm rảo từ 180.000 đồng lên tới 270.000 đồng/kg, tôm bộp biển từ 180.000 đồng lên 260.000 đồng/kg, cá trắm sống từ 70.000 đồng lên 90.000 đồng/kg…

Dù mang tính thời vụ nhưng việc tăng giá các loại nông sản khô như măng miến, mộc nhĩ, nấm… với mức trên 20% ngay từ trước tết hàng tháng, cũng phản ánh sự bất thường. Không những thế, giá gạo các loại cũng gây bất ngờ khi đội lên bình quân 20% sau nhiều năm rất ổn định.

Bình ổn đến bất ngờ

Theo ước lệ truyền thống, thị trường tết được tính từ dịp cúng ông Táo 23 tháng Chạp, kéo dài đến ngày cuối cùng của năm âm lịch, tức là khoảng một tuần. Nhưng dịp cúng ông Táo năm nay thị trường bình lặng đến bất ngờ, chỉ đến hai ngày sau đó, giá một số mặt hàng thiết yếu mới tăng nhưng không đến nỗi đột biến. Bên cạnh một số mặt hàng tăng lại có nhiều mặt hàng giảm mạnh ngược so với dự báo, như rau xanh lao dốc tới 80%, lợn hơi từ trên 45.000 đồng/kg xuống còn 39.000 đồng/kg… Ở nông thôn, tái xuất hiện việc các gia đình chung nhau “đụng lợn”, tự chế biến giò chả, nem, chạo… tự cung và cả làm quà biếu khiến cho giá các loại thịt và thực phẩm chế biến liên quan trong nội thành càng khó tiêu thụ

5 ngày cuối cùng của năm cũ, lượng hàng trong các siêu thị và chợ truyền thống đều tràn ngập, nhiều mặt hàng vội vàng rủ nhau kéo giá xuống, trong đó kể cả những mặt hàng mọi năm gây sốt như bia, nước ngọt, bánh mứt kẹo thì năm nay cả quãng thời gian dài, loại tăng cao cũng chỉ đạt trên dưới 10%, kể cả rượu nhập khẩu cũng chỉ tăng giá bình quân 10% so với cùng kỳ năm trước.

Theo một số chuyên gia thị trường, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình cảnh giá nhiều mặt hàng lao dốc được cho là mức tiêu thụ giảm mạnh. Khu vực siêu thị dù giữ sự ổn định tốt hơn bên ngoài nhưng lượng khách đến cũng chỉ đạt mức trung bình, ít có cảnh quá tải. Một trong những điều đáng quan tâm, là thực phẩm đông lạnh giá rẻ tại các siêu thị cơ bản được tiêu thụ hết, cho thấy người tiêu dùng đã có sự lựa chọn tiết kiệm đáng kể, có thể sẽ mở đường cho việc phân chia lại thị trường trong thời gian tới.

Một phân khúc đáng chú ý khác là thời tiết lại gây ra cho thị trường cây cảnh “kẻ khóc người cười”. Tại các vùng cây trước ngày cúng ông Táo, các lái đua nhau về mua sạch vườn, sau đó trời bỗng dưng dội nắng, làm cho tết chưa đến mà hoa đào nở rực, quất thì héo rũ. Ngay từ chiều 28 tết, đã xuất hiện tình trạng bán phá giá, có lô quất ở đường Lạch Tray treo biển bán 150.000 đồng/cây (to nhỏ như nhau) cũng không bán hết. Loạt đào nở bị vặt hoa rao thuê từ 70.000 đồng đến 100.000 đồng/cây không cần đặt cọc cũng bị “thượng đế” thờ ơ. Ở diễn biến khác, nhiều loại cây - quả cảnh được chế tác đặc biệt cũng chỉ thu hút trí tò mò và sự đồn đoán, chứ tiêu thụ cũng thuộc diện thảm hại.

Sau tết còn nhiều nỗi lo

Nhìn chung, dù hoạt động theo sóng hình sin nhưng do nhiều nguyên nhân tác động nên thị trường hàng hóa tết năm nay cơ bản không có sự đột biến đến mức tiêu cực lớn. Chỉ có điều sau tết, khu vực siêu thị đang mất điểm, vì sự kém linh hoạt trong điều chỉnh giá, cũng như chưa kịp tập trung nguồn hàng thế chỗ. Chất lượng hàng hóa tươi sống tại một số siêu thị chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.

Trong khi đó, khu vực chợ truyền thống năm nay lại khá phong phú về nguồn hàng, chất lượng cũng được cải thiện đáng kể, kể cả những dịch vụ ăn uống vỉa hè không hề tăng giá sau tết... những dấu hiệu này đáng hứa hẹn sự cân đối mới cho thị trường hàng tiêu dùng thiết yếu năm 2014.

Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm là các nhóm hàng như hoa quả, thủy sản, dịch vụ phương tiện hành khách vẫn duy trì ở mức khá cao. Sau tết, giá thủy sản tăng tới 50% so với trước và trong tết, một phần do sản lượng đánh bắt sụt giảm, một phần do năm nay nghỉ tết kéo dài, nhu cầu tiêu thụ cao hơn. Hơn nữa, sau tết còn hai lý do tác động trực tiếp đến thị trường, đó là nhu cầu vì niềm tin “cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng” và các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng dày đặc kéo dài hết tháng Giêng.

Theo thói quen truyền thống, hầu hết lượng hàng thiết yếu đã dồn vào dịp tết, thời tiết cũng không tốt cho việc phát triển các nguồn tươi sống thời điểm này nên khoảng cách giữa nguồn cung và nguồn cầu chắc chắn sẽ bị nới rộng. Đây chính là nỗi lo cho thị trường trong thời gian tới, nếu không có giải pháp bù đắp hiệu quả thì việc bình ổn giá vẫn còn nhiều việc phải làm.

Lê Minh


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông