Thiết thực, thẳng thắn

10:45 13/11/2008

Nội dung

Ngày 12-11, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII tiếp tục tiến hành chấtvấn các vị bộ trưởng, thành viên Chính phủ: Bộ trưởng Bộ Công thương,Thống đốc NHNN, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Bộ trưởng Bộ Y tế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã nhận được 50 câu chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) xung quanh 4 nhóm vấn đề lớn về điều hành công tác xuất, nhập khẩu; giá cả một số loại hàng hoá tăng cao trong thời gian qua; tình hình buôn lậu, gian lận thương mại; vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng lưu hành trên thị trường và các vấn đề liên quan đến hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu chuyển tải những kiến nghị, bức xúc của cử tri trước chủ trương dừng xuất khẩu gạo, trong khi gạo trong nước lại thừa, gây nhiều thiệt hại cho nông dân, nhất là bà con khu vực đồng bằng sông Cửu Long; "truy vấn" trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công thương trong vai trò là Tổ trưởng tổ điều hành xuất khẩu gạo.

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận có phần trách nhiệm của Bộ Công thương là tham mưu "chưa kịp thời, riết róng", nhưng vẫn cho rằng tại thời điểm đó (quý 1-2008), việc Bộ tham mưu cho Chính phủ tạm dừng ký các hợp đồng xuất khẩu gạo là chính xác.

Tuy nhiên, không thoả mãn với giải trình của ông Hoàng, đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn cho rằng đây là vấn đề xương máu của nông dân nên không thể xem nhẹ. Ông Hoàng giải trình tiếp, khẳng định không có chuyện Bộ Công thương chạy theo lợi ích cục bộ mà tham mưu trong bối cảnh ở thời điểm cụ thể. Đối với việc trả lại Chính phủ 13 dự án nhà máy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cung cấp thông tin, từ năm 2006 đến nay, Tập đoàn đã triển khai thực hiện các dự án theo quy định của Chính phủ.

Tuy nhiên, bối cảnh năm 2008, do thắt chặt chi tiêu, các nhà máy được giao đều là nhà máy nhiệt điện, sử dụng than nên sau khi có cân nhắc, Tập đoàn đã xin trả lại. Theo ông Hoàng, việc đã nhận mà trả lại có một phần thiếu trách nhiệm nhưng do khó khăn về vốn, về nguồn nguyên liệu…

Trong vòng 100 phút, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã lần lượt trả lời 14 câu hỏi chất vấn của các vị ĐBQH xung quanh vấn đề về chiến lược đào tạo con người trong thời đại mới; giáo dục đại học; vì sao tỷ lệ bỏ học của học sinh ở các bậc học không giảm; tình trạng sinh viên các trường sư phạm ra trường không có việc làm; tiêu cực trong tuyển chọn giáo viên; vấn đề giáo dục mầm non…

Nhiều đại biểu chuyển tải kiến nghị của cử tri khu vực miền núi về khó khăn cuả học sinh trong các trường dân tộc nội trú, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ và thông báo, bộ có chủ trương không hạn chế xây trường dân tộc nội trú ở các tỉnh, nhưng phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội ở từng địa phương và khuyến khích triển khai theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng lưu ý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, vấn đề chiến lược đào tạo con người cần được bộ quan tâm một cách toàn diện, cơ bản, trong đó chú trọng vào việc giáo dục phẩm chất, đạo đức… cũng như các bậc học mầm non, tiểu học cần được đầu tư đúng mức. Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng chia sẻ, chất lượng giáo dục còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: phương pháp giảng dạy, sách giáo khoa, môi trường xã hội bên ngoài…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu trả lời 11 ý kiến chất vấn của đại biểu xung quanh 2 vấn đề lớn của ngành y tế: tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải y tế và vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Nguyễn Quốc Triệu giải trình, riêng về rác thải y tế độc hại tại 1054 bệnh viện trên toàn quốc, có 40% hiện xử lý bằng lò đốt theo tiêu chuẩn, 33% đốt bằng lò thủ công, 27% còn lại đốt ngoài trời và chôn lấp. Nước thải y tế, mới chỉ có 33% được xử lý.

Bộ Y tế đã xây dựng quy hoạch tổng thể xử lý các loại rác thải độc hại này, nhưng riêng kinh phí cho xử lý nước thải cũng phải tốn từ 1200 đến 1500 tỷ đồng… Trong câu chuyện về hành trình thực phẩm "từ trang trại đến mâm cơm", cùng với ý kiến giải trình của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho rằng đây là lĩnh vực quản lý đa ngành nhưng Bộ Y tế xin nhận vai trò "nhạc trưởng".

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cũng cảnh báo, "cuộc chiến" với những người bán hàng thiếu lương tâm vẫn còn tiếp tục và vẫn còn nhiều việc phải làm… Cũng trong thời gian trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu còn giải trình nhiều vấn đề đại biểu quan tâm như: tình trạng y đức xuống cấp, sự vô cảm của y, bác sỹ đối với bệnh tật của bệnh nhân; vấn đề ngăn ngừa các bệnh nguy hiểm ở trẻ em; vấn đề sữa nhiễm melamine…

Như vậy sau 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII đã hoàn thành chương trình chất vấn và nghe trả lời chất vấn 7 vị bộ trưởng, thành viên Chính phủ. Với cách làm đổi mới, chất vấn theo nhóm vấn đề, việc chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội đã bám sát những vấn đề nổi cộm, bức xúc của cử tri, hỏi và trả lời tập trung, mạch lạc và thiết thực; thẳng thắn truy đến tận căn nguyên của vấn đề, giúp cho các bộ trưởng nhận rõ vai trò, trách nhiệm điều hành trong từng lĩnh vực, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước.

Theo dự kiến, Quốc hội dành toàn bộ thời gian phiên họp sáng nay, 13-11, để nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo và trả lời chất vấn trực tiếp của các vị ĐBQH tại hội trường.



THẾ KHOA (tổng hợp)


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông